Báo động về an ninh lương thực
Nạn đói trầm trọng, sinh kế bị hủy hoại, tình trạng mất an ninh lương thực gia tăng là những tác động mà đại dịch Covid-19 gây ra đối với nhiều nước. Liên hợp quốc (LHQ) kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường các hoạt động nhân đạo và có bước đi lớn hơn để hỗ trợ các nền kinh tế đang đối mặt nạn đói trên diện rộng. Tuy nhiên, giá lương thực liên tục leo thang càng làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng.
Nạn đói trầm trọng, sinh kế bị hủy hoại, tình trạng mất an ninh lương thực gia tăng là những tác động mà đại dịch Covid-19 gây ra đối với nhiều nước. Liên hợp quốc (LHQ) kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường các hoạt động nhân đạo và có bước đi lớn hơn để hỗ trợ các nền kinh tế đang đối mặt nạn đói trên diện rộng. Tuy nhiên, giá lương thực liên tục leo thang càng làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng.
Xung đột, bất ổn, các cú sốc kinh tế và tình trạng mất an ninh lương thực tiếp tục kéo dài được xem là những tác nhân khiến tình trạng thiếu lương thực thêm trầm trọng. Hơn 50 triệu người, tương đương 20% số dân, vùng Sừng châu Phi đang đối mặt nguy cơ đói ăn và cần cứu trợ lương thực vào trước cuối năm nay. Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nạn châu chấu sa mạc xâm lấn, cùng những tác động của thời tiết khiến tình trạng thiếu lương thực phức tạp thêm. Đông Phi được xem là một trong những khu vực mất an ninh lương thực nhất trên thế giới, với gần 28 triệu người cần cứu trợ lương thực. Gần 45 triệu người ở khu vực phía nam châu Phi cũng đối mặt nguy cơ mất an ninh lương thực do ảnh hưởng của hạn hán, lũ lụt và dịch bệnh. Số người thiếu ăn từ đầu năm đến nay ở khu vực này tăng gần 10% so cùng kỳ năm ngoái. Riêng tại CHDC Công-gô, gần 22 triệu người đang trong tình trạng mất an ninh lương thực trầm trọng do dịch Covid-19. Trong khi đó, tại châu Mỹ, ít nhất 10,3 triệu người dân Bra-xin bị thiếu đói trong thời gian từ năm 2017 - 2018. Điều này đồng nghĩa chỉ có 63,3% số hộ dân Bra-xin được bảo đảm an ninh lương thực. Hiện thế giới có 14 triệu người đang hứng chịu khủng hoảng lương thực và đây là con số cao nhất trong 10 năm qua.
Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ (FAO) cho biết, trong tháng 9 vừa qua, chỉ số giá lương thực thế giới đã tăng trong tháng thứ tư liên tiếp, trong đó tăng mạnh nhất là giá ngũ cốc và dầu thực vật. Chỉ số giá ngũ cốc trong tháng 9 tăng 5,1% so với tháng trước đó và tăng 13,6% so cùng kỳ năm ngoái. Theo FAO, chỉ số giá ngũ cốc tăng do có tác động của hoạt động thu mua ngũ cốc tăng trong bối cảnh có những lo ngại về triển vọng sản xuất ở nam bán cầu cũng như điều kiện khô hạn ảnh hưởng đến việc gieo hạt lúa mì vụ đông ở châu Âu. Tình hình này tác động không nhỏ tới cuộc sống của người nghèo, làm gia tăng nguy cơ đói đối với người dân ở nhiều quốc gia.
Các tác động của dịch bệnh và yếu tố thời tiết, xung đột khiến người dân ở nhiều quốc gia rơi vào khó khăn chồng chất. Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ (OCHA) cho biết, giá lương thực và chi phí dịch vụ y tế ở Xu-đăng tăng đột biến trong năm 2020. Giá trung bình các loại lương thực cơ bản ở Xu-đăng đã tăng gần 200%, trong khi chi phí dịch vụ y tế tăng 90% so với năm 2019, khiến nhu cầu nhân đạo tăng lên tại quốc gia châu Phi này. Tại Trung Đông, hơn 50% dân số Li-băng có nguy cơ đối mặt cuộc khủng hoảng lương thực vào cuối năm nay. Nguyên nhân của tình trạng này là do Li-băng phụ thuộc 85% vào nhập khẩu lương thực và vụ nổ ở cảng Bây-rút phá hủy kho chứa ngũ cốc lớn nhất nước này, khiến tình hình an ninh lương thực ở mức báo động. Xung đột, dịch bệnh ở Y-ê-men cũng khiến hai phần ba dân số quốc gia trên bán đảo A-rập phụ thuộc viện trợ lương thực.
Trước tình hình trên, Phó Tổng thư ký LHQ phụ trách vấn đề nhân đạo M.Lâu-cốc hối thúc Hội đồng Bảo an và các nước thành viên LHQ hành động ngay lập tức nhằm giải quyết vấn đề mất an ninh lương thực và thúc đẩy hoạt động viện trợ nhân đạo. Để làm dịu cuộc khủng hoảng nhân đạo ở nhiều khu vực hiện nay, Phó Tổng Thư ký LHQ đề xuất một số biện pháp, theo đó, thúc đẩy các giải pháp chính trị thông qua đối thoại nhằm chấm dứt xung đột; bảo đảm tôn trọng luật nhân đạo quốc tế; giảm thiểu tác động của các cuộc xung đột vũ trang và bạo lực đối với hoạt động kinh tế, trong đó có huy động sự hỗ trợ của các thể chế tài chính quốc tế. Thêm vào đó, cần tăng cường hoạt động điều phối nhằm ứng phó các rủi ro do thiên tai, dịch bệnh gây ra.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-the-gioi/bao-dong-ve-an-ninh-luong-thuc--625261/