Báo động về hệ quả nghiêm trọng của ô nhiễm không khí
Phóng viên TTXVN tại Pháp dẫn nghiên cứu đăng trên tạp chí The Lancet ngày 6/1 cho biết các hạt bụi mịn trong không khí ở thành phố có thể là nguyên nhân gây ra 1,8 triệu ca tử vong sớm trong năm 2019.
Theo The Lancet, khoảng 86% dân số thành thị trên thế giới, chiếm 1/3 tổng dân số trên toàn cầu, đang hít thở bầu không khí ô nhiễm. Các chuyên gia cảnh báo ô nhiễm không khí là tác nhân khiến gần 2 triệu trẻ em bị mắc bệnh hen suyễn. Nguyên nhân chủ yếu là do hít phải nitrogen dioxide (NO2) từ khí thải ô tô, công nghiệp và nông nghiệp. Tình trạng ô nhiễm này rất phổ biến ở nhiều thành phố và khu vực đô thị, với 2/3 số ca viêm phổi do NO2 ở trẻ em tập trung tại đây.
Để đưa ra đánh giá này, các nhà nghiên cứu của The Lancet đã quan sát qua vệ tinh về sự hiện diện của NO2 tại hơn 13.000 khu vực đô thị. Tiếp đó, các nhà khoa học đã đối chiếu nồng độ khí NO2 trên mỗi khu vực trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến năm 2019 với số trẻ em mắc bệnh hen suyễn mới mỗi năm.
Một công trình nghiên cứu khác của The Lancet cũng cho kết quả là 1,85 triệu trẻ em bị hen suyễn do NO2 trong năm 2019, tương đương với 8,5% số trẻ em được quan sát trong cùng giai đoạn. Tỷ lệ này tại khu vực thành thị lên tới 16%.
Nghiên cứu cũng chỉ ra một tác nhân gây ô nhiễm không khí có sức tàn phá khủng khiếp đối với sức khỏe, đó là các hạt bụi mịn PM2.5 với kích thước nhỏ hơn hoặc bằng 2,5 micron. Áp dụng phương pháp nghiên cứu tương tự, The Lancet cho rằng đây cũng là nguyên nhân dẫn khiến 1,8 triệu người tử vong sớm trong năm 2019, chủ yếu là những người mắc bệnh tim mạch, ung thư phổi hoặc bị nhiễm trùng đường hô hấp.
Tại hơn 13.000 thành phố và khu đô thị được nghiên cứu, nồng độ PM 2,5 được ghi nhận vào năm 2019 là 35 microgam trên mét khối không khí. Con số này tương đương năm 2000 và gấp 7 lần so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đặt ra. Tại các khu vực đô thị này, trung bình có 61 người trong số 100.000 người tử vong vì bụi mịn vào năm 2019.
Nồng độ bụi mịn cũng thay đổi tùy theo khu vực. Trong thập kỷ qua, nồng độ bụi mịn đã tăng 27% ở các thành phố của Đông Nam Á. Ngược lại, trong 20 năm qua, con số này đã giảm 18% ở châu Phi, 21% ở châu Âu, 29% ở khu vực Bắc và Nam Mỹ. Hệ quả là tỷ lệ tử vong liên quan đến bụi mịn tại các khu vực Ấn Độ và Đông Nam Á đã tăng mạnh nhất trong giai đoạn từ năm 2010-2019. Cụ thể, tỷ lệ tử vong do bụi mịn đã tăng từ 63 người trên 100.000 dân lên 84 người trên 100.000 dân, tăng 33% chỉ trong 10 năm.
Tại một số thành phố khác, tỷ lệ tử vong do bụi mịn có xu hướng giảm đi, nhưng không phải do nồng độ bụi mịn giảm. Tại thành phố Quảng Châu (Trung Quốc), mức độ phơi nhiễm với PM2.5 đã giảm 14%, nhưng tỷ lệ tử vong do bụi mịn lại tăng 10%. Trong khi đó tại thủ đô Luanda (Angola), tỷ lệ tử vong do bụi mịn đã giảm 16% ngay cả khi nồng độ bụi mịn tăng 38%. Nghiên cứu giải thích rằng ngoài bụi mịn, còn nhiều yếu tố khác ảnh hưởng đến cấu trúc nhân khẩu học của các thành phố, chẳng hạn như độ tuổi trung bình, thu nhập và dịch vụ chăm sóc y tế cho người dân.