Báo động về tình trạng người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần
Việc nhiều người lao động đang tham gia vào hệ thống an sinh xã hội nhưng quyết định nhận bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần không chỉ khiến họ chịu thiệt đơn thiệt kép. Điều này cũng đang đặt ra thách thức lớn trong việc phát triển mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân, khi mà thời gian qua, ngành BHXH đang đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ bà con nông dân, thành viên hợp tác xã, người lao động tự do tham gia vào hệ thống an sinh xã hội.
Thống kê từ Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho thấy, 3 tháng đầu năm 2022, gần 209.000 lao động chọn rút BHXH một lần. Trong đó, riêng TP. HCM có hơn 37.000 người nộp hồ sơ nhận trợ cấp một lần, tăng khoảng 19% so với cùng kỳ. Lao động chọn rút BHXH nhiều nhất ở TP Thủ Đức, quận 12, Bình Tân, Hóc Môn, Bình Chánh... khiến cơ quan bảo hiểm quá tải.
Thiệt đơn, thiệt kép
Tính hết tháng 3/2022, lao động rút BHXH một lần trên cả nước tăng 1% so với cùng kỳ năm ngoái. Những lao động này về già sẽ không có lương hưu hoặc hưởng mức thấp, không đảm bảo cuộc sống, không được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí.
BHXH đánh giá: Đây là thực trạng đáng lo ngại, tác động trực tiếp tới quyền lợi lao động và ảnh hưởng an sinh khi dân số Việt Nam đang bắt đầu già hóa.
Vì vậy, cơ quan này khuyến nghị người lao động không chọn rút BHXH một lần, nên bảo lưu thời gian đóng hoặc tham gia BHXH tự nguyện cho đủ số năm còn thiếu để hưởng lương hưu, được cấp thẻ bảo hiểm y tế với mức hưởng 95% khi đi khám bệnh.
Theo ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng ban Quan hệ Lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ở nước ta, số người hưởng BHXH một lần (không tiếp tục tham gia và rút ra khỏi hệ thống BHXH) có xu hướng gia tăng và vẫn đang duy trì ở tỷ lệ cao hàng năm.
Năm 2006 chỉ có 240.191 người hưởng BHXH một lần, chiếm 3,82% số người tham gia BHXH thì năm 2016 đã là 665.306 người, chiếm 4,7% và năm 2020 là 897.000 người, chiếm 5,57%. Đặc biệt, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nên năm 2020, số người hưởng BHXH một lần nhiều hơn số người mới tham gia BHXH.
Việc người lao động nhận BHXH một lần đồng nghĩa với việc họ rời bỏ hệ thống BHXH, tự tước bỏ quyền được tham gia, thụ hưởng các chế độ BHXH, đặc biệt là các chế độ dài hạn như hưu trí, tử tuất. Đây là một thực trạng đáng báo động, đáng lo ngại trong việc đảm bảo quyền lợi và chính sách an sinh xã hội lâu dài cho người lao động.
Việc người lao động hưởng BHXH một lần có thể dẫn đến những thiệt thòi về quyền lợi trước mắt và cả lâu dài. Khi nhận BHXH một lần, người lao động sẽ mất đi cơ hội hưởng lương hưu, không có gì đảm bảo cho cuộc sống lúc tuổi già.
Hiện nay, theo quy định của pháp luật, tổng mức đóng bảo hiểm hưu trí là 22% mức tiền lương tháng, trong đó, người lao động đóng 8% và người sử dụng lao động đóng 14%, có nghĩa là tổng mức đóng vào quỹ BHXH hàng năm bằng 2,64 tháng lương. Nếu hưởng BHXH một lần thì người lao động chỉ được thanh toán bằng 2 tháng lương làm căn cứ đóng BHXH cho một năm tham gia BHXH. Như vậy, người lao động mất đi 0,64 tháng lương mỗi năm. Nếu so sánh giữa việc hưởng lương hưu hàng tháng và việc lĩnh BHXH một lần cùng một khoảng thời gian đóng BHXH thì tổng lợi ích bằng tiền khi hưởng lương hưu hàng tháng sẽ cao hơn khá nhiều.
Ngoài ra, khi tham gia BHXH để hưởng chế độ hưu trí, bên cạnh việc được hưởng lương hưu hàng tháng, người lao động còn được cấp thẻ bảo hiểm y tế và nếu không may ốm đau đã có Quỹ Khám chữa bệnh bảo hiểm y tế chi trả.
Thách thức lớn cho mục tiêu BHXH toàn dân
Theo ông Quảng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc người lao động chọn hưởng BHXH một lần. Trong đó, phải kể đến cuộc sống của người lao động còn nhiều khó khăn; nhiều người lao động chưa hiểu hết về lợi ích của chính sách BHXH; hệ thống chính sách BHXH chưa linh hoạt và thực sự hấp dẫn; thủ tục hưởng khá dễ dàng…
Đáng lo ngại, tình trạng số người hưởng BHXH một lần nhiều và có xu hướng gia tăng đang đặt ra những thách thức rất lớn đến mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội và việc thực hiện mục tiêu của Nghị quyết số 28-NQ/TW là “từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ” và “hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân”.
Trong khi số người lao động nhận BHXH một lần gia tăng thì hàng ngày, BHXH Việt Nam vẫn đang nỗ lực phối hợp với các cơ quan liên quan để đẩy mạnh tuyên truyền tới người lao động thuộc khu vực phi chính thức tham gia vào hệ thống an sinh xã hội thông qua chính sách BHXH tự nguyện, đi kèm với mức hỗ trợ của Nhà nước.
Theo đó, người tham gia BHXH tự nguyện có thể chủ động lựa chọn mức đóng. Mức đóng thấp nhất bằng 22% mức thu nhập do người lao động lựa chọn (tối thiểu bằng mức chuẩn nghèo khu vực nông thôn theo từng giai đoạn, từ năm 2021 về trước là 154.000 đồng/người/tháng, giai đoạn 2022-2025 là 330.000 đồng/người/tháng). Mức đóng cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đóng (hiện nay là 1,49 triệu đồng/người/tháng).
Trong quá trình đóng, tùy từng đối tượng, người đóng được Nhà nước hỗ trợ 10%, 25% và 30% mức đóng. Đáng chú ý, người tham gia BHXH tự nguyện có thể đóng tiền hằng tháng, hằng quý, 6 tháng, hằng năm hoặc đóng một lần cho nhiều năm.
Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam rà soát, nghiên cứu mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với người quản lý, điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương khi sửa đổi Luật BHXH theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW năm 2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách BHXH.
Đồng thời, mỗi năm BHXH cũng tổ chức hàng trăm hội nghị tuyên truyền cho bà con nông dân, thành viên hợp tác xã về lợi ích của việc tham gia BHXH tự nguyện.
Chị Lê Nguyệt (Vân Nội, Đông Anh) cho biết, hai vợ chồng chị đã tham gia BHXH tự nguyện được 3 năm nay. "Tôi được biết đến chính sách BHXH khi cùng các thành viên trong HTX nghe cán bộ BHXH tư vấn về cách thức tham gia, ích lợi của việc đóng BHXH. Sau khi được tư vấn, không chỉ tôi mà nhiều bà con ở địa phương đã quyết định tham gia", chị Nguyệt nói. Đồng thời chia sẻ, giờ thì hai vợ chồng đã yên tâm hơn về cuộc sống khi hết tuổi lao động.
Theo BHXH Việt Nam, tính đến hết tháng 3/2022, toàn ngành đã vận động được 16,697 triệu người tham gia BHXH, chiếm 33,01% lực lượng lao động trong độ tuổi (trong đó có khoảng 15,237 triệu người tham gia BHXH bắt buộc và 1,46 triệu người tham gia BHXH tự nguyện); khoảng 13,538 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, chiếm 26,76% lực lượng lao động trong độ tuổi. Như vậy, tính chung toàn quốc, số người tham gia BHXH, bảo hiểm thất nghiệp đều có mức tăng so với tháng trước và so với cùng kỳ năm 2021.
Năm 2022, ngành BHXH Việt Nam phấn đấu có khoảng 2 triệu người tham gia BHXH tự nguyện. Mục tiêu đến năm 2025, trong số 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH thì nông dân, lao động phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 2,5%.
Để đạt mục tiêu này, BHXH Việt Nam cho biết từ nay đến cuối năm sẽ đẩy mạnh xây dựng, triển khai kế hoạch truyền thông chính sách BHXH, bảo hiểm y tế năm 2022; triển khai đa dạng, linh hoạt và tăng cường các hoạt động truyền thông trên môi trường internet, mạng xã hội. Cùng với đó, thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn BHXH các tỉnh, thành bám sát các định hướng, kế hoạch của BHXH Việt Nam và từng cấp độ dịch tại địa phương để tăng cường triển khai các hoạt động truyền thông linh hoạt, an toàn, thích ứng với tình hình mới; nhất là triển khai các kế hoạch truyền thông, vận động người dân tham gia BHXH, bảo hiểm y tế.