Báo động về việc đào bới bên dòng sông Thác Ma ở Quảng Trị
Tại khu vực dòng sông Thác Ma, xã Hải Sơn, huyện Hải Lăng, Quảng Trị, người dân đang phải đối mặt với những lo lắng từ một hoạt động đáng ngờ của một số cá nhân.
Theo phản ánh của người dân, một lượng lớn máy móc và xe cơ giới đang đào bới, san lắp bên bờ sông ngay cạnh khu dân cư, nhưng không ai biết đơn vị này đang triển khai công trình gì.
Người dân cho biết, những người này đã tiến hành thu mua một số mảnh đất trồng rừng và đất trồng hoa màu cạnh bờ sông, sau đó huy động xe múc, xe cẩu, xe tải, rầm rộ đào bới và san lấp khu vực này.
Dù những người dân địa phương có nhu cầu sử dụng cát sẵn có ở đây để xây nhà, nhưng họ vẫn do dự vì lo ngại rằng hoạt động này chưa được chính quyền cho phép, cũng như đối mặt nguy cơ mất cảnh quan thiên nhiên.
Hiện nay, khu vực dân cư hai xã Hải Sơn và Hải Chánh dọc hai bên bờ sông này chủ yếu phụ thuộc vào nguồn nước sông cho sinh hoạt, do chưa có hệ thống nước sạch. Việc khai thác đào bới, san lấp làm ảnh hưởng đến nguồn nước, có thể gây hậu quả nghiêm trọng đối với đời sống sinh hoạt và an toàn sức khỏe của người dân. Ngoài ra, hoạt động này còn tiềm ẩn nguy cơ xói mòn các khu vực dân cư, đặc biệt gây nguy hiểm cho cây cầu ngay gần đó.
Ông D., một người dân sinh sống tại khu vực, nói: “Nếu tiềp tục đào bới như thế này, khi mùa mưa bão đến, xói mòn và sạt lở sẽ là thảm họa cho khu vực”.
Dòng sông Thác Ma là một nhánh của sông Ô Lâu, chảy về khu di tích làng cổ Phước Tích – di tích cấp Quốc gia đang được đầu tư phát triển du lịch. Nếu hoạt động khai đào bới, san lấp này vẫn tiếp tục sẽ là nguy cơ gây sạt lở hoặc thay đổi địa hình, dòng chảy. Nó không chỉ ảnh hưởng tới môi trường, mà còn đe dọa tới giá trị văn hóa lịch sử của khu vực.
Người dân nơi đây mong muốn các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc kiểm tra các cá nhân, đơn vị đang thực hiện hoạt động trên có đúng pháp luật hay không. Đánh giá về tầm ảnh hưởng tới môi trường, nguồn nước và an ninh khu vực. Sự minh bạch và quản lý chặt chẽ là yêu cầu cấp bách, nhằm bảo vệ đời sống và tài nguyên quý giá của khu vực.