Bão dữ càn quét Quảng Ninh

Dù các cơ quan chức năng tại Quảng Ninh những ngày qua đã nỗ lực chuẩn bị giải pháp ứng phó với bão, tuyên truyền,vận động nhân dân tuân thủ quy định của các cấp chính quyền để bảo đảm an toàn. Tuy nhiên, do bão số 3 quá mạnh và vẫn còn hiện tượng chủ quan từ người dân nên đã dẫn tới những hậu quả vô cùng đáng tiếc về người và tài sản.

Cảnh tượng kinh hoàng

Khoảng 12 giờ ngày 7-9, bão số 3 đã đổ bộ vào vùng ven biển Quảng Ninh. Tốc độ tiến vào bờ của cơn bão này nhanh hơn nhiều so với những dự báo trước đó.

Chúng tôi ngồi ở Sở chỉ huy tiền phương Quân khu 3 tại tỉnh Quảng Ninh, có kết nối trực tuyến đến Bộ chỉ huy tiền phương của Chính phủ và cũng có phóng viên Báo Quân đội nhân dân trên hướng này. Về tận Hải Phòng, nơi dự kiến sẽ bị tâm bão quét qua, để chỉ đạo trực tiếp tại Bộ chỉ huy tiền phương, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà hết sức lo lắng khi thông báo rằng, bão số 3 có diễn biến rất lạ là dù vượt qua các quần đảo gần bờ của nước ta nhưng không hề suy yếu mà càng lúc càng tăng thêm cường độ.

Cuộc làm việc kết thúc đúng lúc bão bắt đầu quét qua nơi đặt Sở chỉ huy tiền phương của Quân khu 3 tại Quảng Ninh. Bên ngoài, mưa xối xả như hất từng thùng nước lớn vào các khung cửa kính. Gió rít từng hồi, điên cuồng như muốn giật phăng, cuốn bay mọi thứ cản đường đi của nó. Cây nhỏ, cây to bật gốc, nằm rạp hàng loạt. Tấm tôn lợp trên nhiều mái nhà bị lột lên, tốc đi, bay loạn khắp nơi. Cửa kính cường lực cũng bị gió lốc thổi bay, đổ vỡ tung tóe tạo ra những tiếng nổ chát chúa.

Nhiều nhà cửa của người dân, trụ sở trường học, cơ quan bị gió giật tung cửa, xô đổ đồ đạc, sách vở, giấy tờ bay tới tấp khắp trời. Ô tô đỗ ven đường bị gió thổi như bị một bàn tay khổng lồ vô hình đùn đẩy, nhiều chiếc bị cửa kính, mái tôn, cây đổ, cành gãy rơi trúng bẹp rúm ró, kính trước, kính sau, kính cửa vỡ tan. Thuyền bè lớn dù đã được chằng buộc cẩn thận nhưng vẫn có những chiếc bị giật tung, trôi dạt tự do trên vịnh hoặc bị lật, chìm...

Quang cảnh tan hoang sau bão số 3.

Quang cảnh tan hoang sau bão số 3.

"Từ bé đến giờ, chưa bao giờ tôi chứng kiến một cơn bão to, khủng khiếp như thế này. Đúng như dự báo, đây quả thật là cơn bão mạnh nhất hàng chục năm qua đổ bộ vào miền Bắc nước ta", Thượng tá Nguyễn Trọng Tuệ (Phó trưởng Phòng Tham mưu kế hoạch, Cục Hậu cần Quân khu 3) thốt lên như vậy.

"Gió giật mạnh như thế này, mái nhà kiên cố còn bị lột từng mảng thế kia thì sợ rằng thiệt hại do cơn bão này gây ra cho nhân dân Quảng Ninh không nhỏ...", tôi than thở, mà trong lòng hy vọng điều đó sẽ không trở thành sự thật.

Nhưng thật buồn là đã có những thiệt hại về người được báo cáo về Sở chỉ huy tiền phương. Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nghiêm Xuân Cường cho biết, tính đến 17 giờ ngày 7-9, tỉnh Quảng Ninh đã có 3 người chết. Trong đó, TP Hạ Long có hai người chết (một người tại phường Hà Trung và 1 người tại khu neo đậu tránh trú bão Vịnh Bồ Nâu của Công ty Cổ phần Cảng Quảng Ninh), TP Cẩm Phả có một người chết tại phường Cẩm Thạch. Toàn tỉnh có 58 người bị thương, hiện đang được điều trị tại các đơn vị y tế.

Theo chúng tôi tìm hiểu, người đàn ông tử vong tại TP Cẩm Phả là do leo lên mái hiên trên tầng 3 chằng chống mái, bị gió cuốn ngã xuống đất. Đây là điều hết sức đáng tiếc, bởi các cơ quan chức năng đã khuyến cáo liên tục qua rất nhiều phương tiện, phương thức về các biện pháp an toàn trong phòng, chống bão. Tuy nhiên, người dân vẫn chủ quan dẫn tới những hậu quả vô cùng đau thương.

Chỉ huy tiền phương làm việc xuyên đêm

Bộ chỉ huy tiền phương của Chính phủ đặt tại Hải Phòng, các sở chỉ huy tiền phương thuộc Quân khu 3 và các ban chỉ huy tiền phương của các tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng bởi bão số 3 đồng loạt vận hành, không hề nghỉ từ đầu giờ sáng 7-9 đến tận đêm khuya và dự kiến làm việc xuyên đêm để cập nhật tình hình và chỉ đạo quyết liệt trong việc ứng phó với cơn bão cũng như hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản, ứng cứu kịp thời những trường hợp gặp nạn.

Từ đầu cầu Sở chỉ huy tiền phương Quân khu 3 tại Quảng Ninh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nghiêm Xuân Cường báo cáo với Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, hiện nay, Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh Quảng Ninh đang chỉ huy lực lượng cứu hộ, cứu nạn tiến hành tìm kiếm thông tin do người dân cung cấp về cứu nạn tại khu vực bờ biển thuộc phường Hồng Hà và phường Hồng Hải, TP Hạ Long. Đó là trường hợp một tàu của Hưng Yên bị mất tích, hiện chưa xác định được thông tin tàu bị chìm hay vẫn đang trôi dạt. Trước khi mất liên lạc, người đàn ông trên tàu đã gọi điện về cho người thân. Sau đó, người thân điện thoại cho lực lượng chức năng tại Quảng Ninh đề nghị trợ giúp. Theo thông tin cung cấp, tàu này gặp nạn khi đang neo đậu tại khu vực đảo Ti Tốp trong vịnh Hạ Long.

Trường hợp thứ hai là có một tàu kéo hai sà lan của Hải Phòng bị hỏng đầu máy, trôi dạt. Hai sà lan bị đứt cáp với tàu kéo. Trên tàu kéo có hai người vẫn liên lạc được. Trên hai sà lan có 4 người hiện vẫn chưa xác định được vị trí và chưa liên lạc được.

Trường hợp thứ 3 là một tàu chở hàng bị đắm đầu máy tại khu vực neo đậu, sà lan bị tuột cáp trôi dạt. Trên đó có 8 người, hiện vẫn liên lạc được.

"Các lực lượng cứu hộ, cứu nạn đang tìm mọi cách tìm kiếm, trợ giúp những người gặp nạn. Tuy nhiên, đến chiều tối 7-9, gió vẫn giật mạnh, mưa và sóng biển vẫn rất lớn nên dù rất nỗ lực nhưng vẫn chưa thành công", Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết.

Những thông tin về thiệt hại do bão số 3 gây ra vẫn đang được cập nhật liên tục. Trong đầu tôi cứ lởn vởn mãi hai từ "giá như". Dù chẳng ai muốn nhưng người ta vẫn cứ phải nhắc lại, nghĩ lại rất nhiều lần hai từ này. Giá như không còn ai chủ quan, giá như mọi người đều tuân thủ theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, không ở lại tàu thuyền trên biển và ở yên trong nhà khi bão đến...

CHIẾN THẮNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/bao-du-can-quet-quang-ninh-793027