Báo Đức: Trung Quốc là đối tác, kẻ thù hay đối thủ của EU?
Việc hội nghị thượng đỉnh quy mô lớn giữa các nhà lãnh đạo 27 nước EU và Trung Quốc đổi thành một cuộc họp trực tuyến phạm vi nhỏ chỉ trong một ngày - sự 'hạ cấp' này phản ánh những khó khăn của châu Âu ở giữa Bắc Kinh và Washington, trong việc cân bằng nhân quyền và kinh doanh.
Trang web Deutsche Welle (Tiếng nói nước Đức) ngày 12/9 đăng bài với tiêu đề “Trung Quốc là đối tác, kẻ thù hay đối thủ của EU?” viết, kế hoạch ban đầu là một hội nghị kéo dài ba ngày tổ chức tại Leipzig. Đây sẽ là lần đầu tiên nhà lãnh đạo Trung Quốc gặp gỡ các nhà lãnh đạo của tất cả 27 nước EU. Nếu hội nghị thượng đỉnh EU-Trung Quốc được tổ chức từ ngày 13 đến ngày 15/9 như dự kiến ban đầu, với Thủ tướng Merkel là chủ nhà sẽ là một điểm sáng địa chính trị trong nhiệm kỳ Chủ tịch EU của Đức.
Trung Quốc bị mất uy tín nghiêm trọng
Bây giờ có lẽ chỉ những người biểu tình phản đối mới đến Leipzig. Bởi vì hội nghị thượng đỉnh EU-Trung Quốc đã được thay đổi thành họp trực tuyến và thời gian của cuộc họp đã được rút ngắn xuống còn một ngày. Vào ngày 14/9, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và bà Merkel với tư cách là Chủ tịch EU luân phiên sẽ hội đàm tại một hội trường ảo.
Vào đầu tháng 6, khi Berlin tuyên bố hủy bỏ hội nghị thượng đỉnh lớn này, lý do được đưa ra là dịch bệnh COVID-19. Nhưng yếu tố chính trị đằng sau mới là mấu chốt. Thời gian gần đây, uy tín của Trung Quốc trong các chính phủ châu Âu bị giảm mạnh. Các chính sách chống lại người Duy Ngô Nhĩ và biện pháp cứng rắn được áp dụng chống lại Hồng Kông cũng đã gây ra nhiều tiếng nói phản đối tại nghị viện các nước châu Âu. Trong một cuộc phỏng vấn với Deutsche Welle, bà Lucrezia Poggetti, một học giả tại Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc Mercator (MERICS) ở Berlin, người nghiên cứu mối quan hệ EU-Trung Quốc, đã chỉ ra rằng, đặc biệt là sự không minh bạch của Trung Quốc trong việc xử lý dịch bệnh và cái gọi là “ngoại giao khẩu trang” đã gây ra sự bất bình nghiêm trọng ở các nước châu Âu. Bà nói: “Đây được coi là hành vi PR một cách vô liêm sỉ, bởi vì trong nhiều trường hợp, Trung Quốc thậm chí còn dán nhãn hàng viện trợ lên vật tư y tế xuất khẩu bán lấy tiền của họ”.
Trung Quốc bị coi không chỉ xuất khẩu hàng hóa mà cả mô hình thể chế sang các nước EU (Ảnh: Deutsche Welle).
Đối thủ cạnh tranh thể chế
Ở châu Âu, mọi người đang suy nghĩ và định vị lại mối quan hệ với Trung Quốc. Trước chính sách ngoại giao ngày càng hung hăng của Trung Quốc, cũng như việc nước này đàn áp không gian tự do ngôn luận và vi phạm nhân quyền trong nước, Liên minh châu Âu đã bày tỏ sự bất bình thông qua các kênh chính thức vào tháng 3/2019. Vào thời điểm đó, Ủy ban châu Âu đã công bố một văn kiện chiến lược chính sách với Trung Quốc tại Brussels. Trang đầu tiên ghi rõ: Đối với EU, Trung Quốc không chỉ là một đối tác trong lĩnh vực bảo vệ khí hậu, cũng không chỉ là một đối thủ trong lĩnh vực kinh tế, mà là một “đối thủ thể chế” vì Trung Quốc thúc đẩy một “một mô thức quản trị” khác với phương Tây. Nói trắng ra, Bắc Kinh đang mưu đồ thúc đẩy hệ thống quản trị uy quyền của họ trên toàn thế giới như một giải pháp thay thế cho nền dân chủ kiểu châu Âu.
Đại diện cao cấp về Chính sách Đối ngoại và An ninh của EU, Joseph Borrell, đã nhấn mạnh lại quan điểm này trong một cuộc phỏng vấn với Journal Le Dimanche của Pháp vào đầu tháng 5 năm nay. Ông đã chỉ ra rõ ràng rằng châu Âu đã “có một chút quá ngây thơ” trong giải quyết các mối quan hệ với Trung Quốc trong quá khứ và bây giờ cần phải có đường lối thực tế hơn.
Tương ứng, Brussels cũng bắt đầu áp dụng một giọng điệu mới, cứng rắn hơn đối với Trung Quốc. Vào cuối tháng 6, Chủ tịch thường trực của Hội đồng châu Âu Charles Michel và chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, đã đưa ra một tuyên bố với giới truyền thông sau cuộc họp trực tuyến với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường. Từ ngữ phản ánh thái độ mới đối với Trung Quốc. Tuy ông Michel cũng nhấn mạnh rằng hai bên phụ thuộc vào nhau về kinh tế và cần thiết phải hợp tác trong việc bảo vệ khí hậu và chống lại dịch bệnh, v.v. song có một “nhưng”: “Nhưng chúng ta cũng cần phải nhận thức được rằng các quan niệm giá trị, hệ thống chính trị và sự hiểu biết về chủ nghĩa đa phương giữa chúng ta (EU và Trung Quốc) đều không giống nhau. Chúng tôi sẽ hợp tác với quan điểm rõ ràng và thái độ tự tin, đồng thời bảo vệ mạnh mẽ lợi ích của EU và duy trì các giá trị của chúng tôi”.
Lập luận của Chủ tịch Ủy ban châu Âu von der Leyen cũng tương tự: Nếu quan hệ EU-Trung Quốc muốn tiếp tục phát triển, cần phải tuân thủ các quy tắc hơn và chú ý hơn đến nguyên tắc có đi có lại.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo được cho là có "Hành trình chống Trung Quốc" tới nhiều nước châu Âu. Trong ảnh, ông Mike Pompeo với người đồng nghiệp Ba Lan (Ảnh: Deutsche Welle).
Đàm phán hiệp định đầu tư bị đình trệ
Nói về quy tắc và có đi có lại, lẽ ra phải có một “Hiệp định Đầu tư toàn diện châu Âu-Trung Quốc” (CAI) để đảm nhận trách nhiệm này. Cuộc đàm phán giữa hai bên đã kéo dài suốt 6 năm. Mục tiêu là mở rộng khả năng tiếp cận thị trường, tăng cường cạnh tranh công bằng, hạ thấp ngưỡng đầu tư, làm suy yếu vai trò của doanh nghiệp nhà nước và thúc đẩy phát triển bền vững. Theo quan điểm của giới doanh nghiệp châu Âu, nếu muốn đạt được hiệp định, phía Trung Quốc cần có những nhượng bộ rõ ràng. Jorg Wuttke, Chủ tịch Phòng Thương mại Liên minh châu Âu tại Trung Quốc, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin DPA: “Phía châu Âu đã nói rõ rằng họ sẽ không nhân nhượng đối với Trung Quốc”. Bởi vì các công ty Trung Quốc đã có thể tận hưởng một thị trường mở và một sân chơi bình đẳng ở châu Âu, trong khi các công ty châu Âu không thể được hưởng như thế ở Trung Quốc; do đó, Bắc Kinh hiện phải “bù đắp chỗ trống này”. Nhưng ông Wuttke không lạc quan về việc liệu có thể đạt được điều này hay không.
Tháng 12 năm ngoái, khi Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đến thăm Brussels, ông đã nhấn mạnh một lần nữa rằng châu Âu chiếm vị trí cao trong chương trình ngoại giao năm 2020 của Bắc Kinh và chỉ ra rằng Hiệp định Đầu tư EU-Trung Quốc là vấn đề chính sách kinh tế quan trọng nhất. Nhưng Reinhard Butikofer, nghị sỹ Đảng Xanh Đức, Chủ tịch Phái đoàn Quan hệ Trung Quốc của Nghị viện châu Âu cho rằng hiện không có tiến bộ nào đạt được trong vấn đề này. Một báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc Mercator dẫn lời ông nói rằng không hề có bất cứ đột phá nào trong tất cả các vấn đề gây tranh cãi chính giữa hai bên.
“Hành trình chống Trung Quốc” của ông Pompeo
Hai tuần trước, để chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh EU-Trung Quốc, ông Vương Nghị đã đến thăm châu Âu một lần nữa. Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng vừa thăm nhiều nước Trung và Đông Nam Âu. Tờ Der Spiegel của Đức gọi chuyến đi này là “Hành trình chống Trung Quốc”. Chuyên gia về quan hệ EU-Trung Quốc của Mercator, Lucrezia Poggetti tin chắc rằng chính phủ Trung Quốc có ý định ngăn chặn việc hình thành một mặt trận chống Trung Quốc xuyên Đại Tây Dương. Bà cũng nói thêm: “Tuyên bố về ý định xây dựng mạng 5G được ký trong chuyến thăm của ông Pompeo tới Trung và Đông Âu cũng khiến Bắc Kinh lo lắng, bởi trước đó, Vương quốc Anh và Pháp vừa tuyên bố sẽ loại bỏ tất cả thiết bị liên lạc di động do Huawei cung cấp trước năm 2027 và 2028”.
Hiện châu Âu vẫn chưa hình thành một phương án thống nhất về đối xử với Huawei như thế nào. Trong vài tháng qua, Mỹ tiếp tục gây sức ép với các đồng minh, thúc giục họ loại Huawei ra khỏi hoạt động xây dựng mạng 5G. Washington cảnh báo rằng nhà cung cấp thiết bị mạng lớn nhất thế giới này sẽ sử dụng sản phẩm của mình để tiến hành các hoạt động gián điệp và có thể phá hủy cơ sở hạ tầng then chốt. Chính phủ Đức vẫn chưa đưa ra câu trả lời rõ ràng về vấn đề này.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã bị đối xử lạnh nhạt ở Đức (Ảnh: Deutsche Welle).
“Cuộc tấn công quyến rũ” của Vương Nghị bị lạnh nhạt
Là chuyến thăm đầu tiên của trong đại dịch COVID-19, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đến châu Âu lần này, lẽ ra phải đến để thể hiện “sức hút” của mình. Tuy nhiên, do sự thay đổi thái độ của EU đối với Trung Quốc nên ông đã không thu được kết quả như mong đợi. Khi Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas tiếp ông tại Berlin, cũng nói rõ quan điểm của mình là yêu cầu Bắc Kinh rút lại Luật An ninh quốc gia cho Hồng Kông bởi vì đạo luật đã thực sự chấm dứt tính độc lập của pháp quyền ở Hồng Kông. Ngoài ra, ông Mass cũng yêu cầu để phái đoàn quan sát viên của Liên hợp quốc tới Tân Cương để điều tra vấn đề người Duy Ngô Nhĩ. Ngoài ra, ông Mass cũng thẳng thừng phản bác những lời lẽ đe dọa của Vương Nghị đối với chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Séc.
Cùng thời điểm với chuyến thăm của Vương Nghị, chính phủ Đức đã ban hành “Phương châm chỉ đạo chính sách Ấn Độ - Thái Bình Dương”. Điều này phản ánh mong muốn của Berlin trong việc tìm kiếm sự đa dạng hóa quan hệ đối tác ở châu Á, nghĩa là mở rộng phạm vi hợp tác, ký kết thêm nhiều hiệp định thương mại tự do hơn và giảm sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc. Khi giới thiệu tài liệu chính sách này, ông Heiko Maas cũng chỉ rõ: “Chúng tôi hy vọng sẽ tăng cường hiểu biết của chúng tôi về một thế giới đa cực, tức là không có quốc gia nào bị buộc phải lựa chọn giữa hai cường quốc”. Trong đó hàm ý không cần nói mọi người cũng biết là ông đề cập đến Mỹ và Trung Quốc.
Sự xung đột địa chính trị giữa hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc cũng sẽ đóng vai trò quan trọng trong hội nghị thượng đỉnh EU-Trung Quốc lần này.