Báo Đức: 'Việt Nam với hy vọng đưa bóng đá ĐNÁ trở lại World Cup'
Theo tờ Deutsche Welle, tuyển Việt Nam vẫn có cơ hội để tạo ra bất ngờ ở vòng loại thứ ba World Cup 2022 khu vực châu Á.
Lần cuối cùng một quốc gia Đông Nam Á góp mặt tại World Cup là hơn 80 năm trước. Giờ đây, tuyển Việt Nam đứng trước cơ hội khi trở thành đội bóng Đông Nam Á duy nhất lọt vào vòng loại thứ ba World Cup 2022 khu vực châu Á.
Theo tìm hiểu của DW (Đức), bóng đá Đông Nam Á có tiềm năng nhưng tồn tại những khó khăn gây trở ngại cho sự phát triển chung. Zing lược dịch toàn bộ bài phân tích "Việt Nam với hy vọng đưa bóng đá ĐNÁ trở lại World Cup" của tờ này, trước khi tuyển Việt Nam có trận ra quân gặp Saudi Arabia.
Những khó khăn
"Năm 1938, Indonesia, là thuộc địa của Hà Lan với tên gọi Đông Ấn, xuất hiện tại World Cup. Kể từ đó, Đông Nam Á, khu vực với hơn 650 triệu dân nằm giữa Ấn Độ ở phía Tây và Trung Quốc phía Đông, vẫn chưa trở lại sân chơi lớn nhất thế giới.
Trong khi các quốc gia châu Á nhỏ bé hơn, như UAE và Kuwait, xuất hiện tại World Cup, không một quốc gia nào từ khu vực ASEAN (Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á) vốn có niềm đam mê trái bóng tròn cuồng nhiệt và đông dân hơn, có thể chạm tay vào giấc mơ World Cup.
Hàn Quốc và Nhật Bản có lợi thế khi những ngôi sao đẳng cấp nhất của họ thường xuyên chơi bóng ở nước ngoài. Với Đông Nam Á, chưa cầu thủ nào thật sự nổi bật ở các giải đấu lớn của châu Âu.
Một chất xúc tác có thể mang tới sự thay đổi, đó là chứng kiến một quốc gia trong khu vực đủ điều kiện tham dự World Cup. Tuyển Việt Nam đang đặt mục tiêu này vào năm 2022, khi họ chuẩn bị bước vào tranh tài ở vòng loại thứ ba World Cup lần đầu tiên trong lịch sử.
Vào ngày 3/9, tuyển Việt Nam có trận đấu được dự báo khó khăn trước Saudi Arabia. Hàng triệu người hâm mộ ở quê nhà sẽ cổ vũ cho "Những chiến binh sao vàng". Tất nhiên, cổ động viên trong khu vực cũng sẽ theo dõi bước chân của tuyển Việt Nam.
Theo Steve Darby, cựu HLV trưởng đội tuyển nữ Việt Nam, chỉ với thực lực thôi là chưa đủ. HLV người Anh chỉ ra nguyên nhân thất bại của các đội tuyển ở Đông Nam Á (tại sân chơi vòng loại World Cup - PV) trong quá khứ một phần đến từ thượng tầng.
"Sự chuẩn bị và kế hoạch đưa ra chưa đủ tốt", ông Darby cho hay. "Indonesia với dân số hơn 250 triệu lẽ ra là một thế lực lớn trong bóng đá nhưng chính quyền của họ có sự hỗn loạn".
Ngoài khả năng lãnh đạo kém, cũng xuất hiện sự can thiệp từ các thế lực chính trị. Ở Malaysia, dù việc tư nhân hóa đang diễn ra, hầu hết chính quyền liên bang và chính trị gia địa phương vẫn tài trợ và điều hành câu lạc bộ.
Đội bóng thành công nhất ở Thái Lan, Buriram United, được thành lập bởi chính trị gia Newin Chidchob năm 2009, là một trong những tên tuổi lớn nhất ở chính trường Thái Lan.
Tại Indonesia, thành viên đảng Golkar, Nurdin Halid, là Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá vào năm 2007, trước khi bị kết án hai năm tù vì tội tham ô. Tuy nhiên, ông vẫn duy trì công việc với tư cách là người đứng đầu nền bóng đá nước này.
Cơ hội cho Việt Nam
Bóng đá Việt Nam dần chuyển hướng khỏi tư duy ngắn hạn và có những bước tiến trong việc phát triển bóng đá trẻ những năm gần đây. Năm 2020,Trung tâm Đào tạo trẻ PVF được Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) vinh danh là một trong ba học viện hàng đầu châu Á.
Cựu huấn luyện viên của Nhật Bản và Nam Phi Philippe Troussier làm việc tại đây cho đến tháng 4/2021. Trong tháng 12/2020, 20 cầu thủ tốt nghiệp học viện tham gia các câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp trên khắp cả nước.
"Tôi là HLV trưởng của đội U19 nên tôi nghĩ mình cũng là trợ lý của ông Park Hang-seo. Tôi hy vọng đội U19 gặt hái được thành công như các đội tuyển U22, U23 và quốc gia trong những năm gần đây", ông Troussier chia sẻ vào năm 2019.
Nhà cầm quân người Pháp tiếp tục: "Cả tôi và HLV Park đều có một triết lý chung. Đó là tạo ra động lực và khát vọng cho các cầu thủ trẻ phát triển bản thân".
Còn HLV Darby nói: “Việt Nam tiến bộ rất nhanh và là một tập thể mạnh mẽ. Họ không còn là một đội bóng chỉ dựa vào những ngôi sao cá nhân. Lý do quan trọng là họ đã bổ nhiệm một HLV xuất sắc, cũng như Liên đoàn không can thiệp và cho phép ông Park thực hiện công việc theo ý muốn".
Việt Nam nằm ở bảng B cùng với Nhật Bản, Australia, Saudi Arabia, Trung Quốc và Oman. Một vị trí trong top 2 sẽ đủ điều kiện trực tiếp tham dự World Cup nhưng vị trí thứ ba vẫn còn hy vọng.
Đến Qatar sẽ mang ý nghĩa rất lớn đối với tuyển Việt Nam cũng như các nước khác trong khu vực. Trong suy nghĩ của ông Darby, mục tiêu dự World Cup 2022 có lẽ vẫn còn quá sớm.
"Trái tim tôi muốn tuyển Việt Nam thành công, nhưng lý trí của tôi nói rằng họ sẽ không dự World Cup này. Tuy nhiên, họ nên lên kế hoạch cụ thể cho năm 2026", nhà cầm quân người Anh khẳng định.
World Cup 2026 tổ chức ở Bắc Mỹ được mở rộng từ 32 lên 48 đội, và suất dự dành cho châu Á dự kiến sẽ tăng gấp đôi lên 8 đội. Khi ấy, Đông Nam Á có thể mơ về việc một lần nữa trở lại đấu trường World Cup.
Tuy nhiên, với World Cup 2022, tuyển Việt Nam có quyền hy vọng".