Bảo dưỡng cây xanh đô thị thế nào là hợp lý?
Sau tai nạn về cây xanh ở Công viên Tao Đàn, quận 1, TPHCM gần đây, nhiều giải pháp được đặt ra để cải thiện công tác quản lý vào bảo dưỡng cây xanh, từ việc tăng cường nhân sự duy tu, tỉa cành, cắt nhánh, cho đến đề xuất sử dụng flycam hay dùng máy 'siêu âm' để 'bắt bệnh' cho cây. Tuy nhiên, các phương án trên liệu có khả thi và sẽ được thực hiện một cách có hiệu quả và lâu dài hay không?
(KTSG) – Sau tai nạn về cây xanh ở Công viên Tao Đàn, quận 1, TPHCM gần đây, nhiều giải pháp được đặt ra để cải thiện công tác quản lý vào bảo dưỡng cây xanh, từ việc tăng cường nhân sự duy tu, tỉa cành, cắt nhánh, cho đến đề xuất sử dụng flycam hay dùng máy “siêu âm” để “bắt bệnh” cho cây. Tuy nhiên, các phương án trên liệu có khả thi và sẽ được thực hiện một cách có hiệu quả và lâu dài hay không?
Sự cố cây xanh tét cành, gãy đổ, gây nguy hiểm đến tính mạng người dân không phải hiếm gặp, nhất là vào mùa mưa.
Ngay sau vụ tai nạn tại Công viên Tao Đàn, vào sáng 14-8, nhánh cây xanh đường kính khoảng 50 cen ti mét, dài gần chục mét bị gãy, bất ngờ rơi xuống đường ở khu vực Hồ Con Rùa, ngay tại giao lộ trung tâm TPHCM. Giữa tháng 7, một cây dầu nằm tại góc đường Ngô Gia Tự ở quận 10, TPHCM bất ngờ gãy ngang thân, rơi trúng chiếc ô tô 7 chỗ đang lưu thông trên đường, khiến chiếc ô tô móp méo, hư hỏng, sáu người trong xe bị mắc kẹt. Rất may, không có ai thương vong trong cả hai sự việc nêu trên.
Tháng 8 năm ngoái, trong cơn mưa lớn kèm gió mạnh, một cây xanh trên đường 21, phường Phước Bình (thành phố Thủ Đức) bất ngờ đổ xuống khiến một người đang trú mưa tử vong. Trước đó, vào tháng 6-2020, một cây xanh trước địa chỉ 202 Tô Hiến Thành (phường 13, quận 10) tét nhánh đè chết một người đàn ông chạy xe máy. Tháng 5-2020, cây bàng ở trường THCS Bạch Đằng (quận 3) bật gốc khiến 1 học sinh tử vong, 12 em khác bị thương.
Nhiều băn khoăn về hiệu quả quản lý
Sau những vụ cây xanh ngã đổ gây tai nạn và thiệt hại tài sản, cơ quan chức năng ghi nhận hầu hết cây đều trông xanh tốt, nhưng khi dọn dẹp hiện trường, mới phát hiện nhiều cây đã ruỗng mục bên trong hoặc hệ thống rễ bị xâm hại nghiêm trọng. Điều này làm dấy lên nhiều băn khoăn về hiệu quả của công tác quản lý và bảo dưỡng cây xanh nơi đô thị.
Theo thống kê Sở Xây dựng TPHCM, toàn địa phương đang có khoảng hơn 235.000 cây xanh được trồng tại các công viên và khu vực công cộng. Việc giám sát và bảo dưỡng số lượng lớn cây xanh cũng gây không ít băn khoăn cho công chúng. Nhiều người thường than thở rằng mùa nắng thì thiếu bóng mát tán cây, còn vào những khi mưa bão thì nỗi lo cây gãy cành, bật gốc vẫn luôn thường trực. Ngoài ra, có không ít trường hợp bức xúc về tình trạng hàng loạt cây xanh trên các tuyến đường bị đổ bê tông lấp gốc, đóng đinh, đột nhiên chết khô hàng loạt, hay bị mé nhánh quá đà, cắt trụi cành, ảnh hưởng tới sự sinh trưởng và phát triển của cây.
Bảo dưỡng cây xanh đô thị nhìn từ nước ngoài
Ngay cả ở những quốc gia phát triển và có nhiều cây xanh đô thị như Singapore vẫn có khi phải đối mặt với những “tai nạn trên trời rớt xuống” như vụ mới xảy ra tại Công viên Tao Đàn. Vào năm 2017, một cây xanh cao 40 mét đã đổ và làm một phụ nữ Ấn Độ tử vong tại Vườn bách thảo Singapore. Các cơ quan chức năng cho biết rễ cây đã mục nát trong một thời gian khá dài, mặc dù trong lần kiểm tra cuối cùng, cây được phát hiện là khỏe mạnh và bình thường.
Tuy nhiên, Singapore đã phát triển các cơ chế quản lý cây xanh đô thị rất chặt chẽ, bài bản và khoa học, từ việc phân loại, quản lý, đến chăm sóc, chẩn đoán và điều trị bệnh cho cây nhằm hạn chế tối thiểu tai nạn và đảm bảo an toàn cho người dân nơi công cộng.
Theo Ủy ban Công viên Quốc gia (NParks), Singapore hiện có hơn 2.000 loài thực vật bản địa, với khoảng hai triệu cây được trồng dọc theo lề đường, trong công viên và khu đất công. Bởi vậy, đất nước này còn được gọi là “Quốc đảo xanh”, hay “Thành phố vườn – City in a Garden”. Để duy trì mảng xanh của thành phố và đảm bảo an toàn cho người dân, NParks đã đưa ra Bộ quy tắc cây xanh, trong đó nêu chi tiết các yêu cầu, tiêu chuẩn chặt chẽ và cách trồng, chăm sóc cây xanh nơi đô thị.
Những cây xanh dọc theo các tuyến đường chính hoặc khu vực công cộng sẽ được kiểm tra ít nhất một lần trong năm. Chi tiết kiểm tra sẽ được ghi lại và nhập vào cơ sở dữ liệu để tham khảo, và khi cần thiết, sẽ tiến hành cắt tỉa tán cây để cây ít bị ảnh hưởng bởi gió mạnh. Các chuyên gia ở Singapore thường kiểm tra cây bằng kỹ thuật VTA, tức là đánh giá cây bằng trực quan. Dựa trên kết quả đánh giá trực quan, chuyên gia có thể tìm hiểu sâu hơn về tình trạng bên trong của cây bằng các công cụ, thiết bị như máy khoan, máy dò siêu âm… để chẩn đoán cụ thể các khuyết tật, vị trí bị mối mọt tiềm ẩn nguy cơ gãy đổ. Việc lưu trữ thông tin qua các năm cũng giúp xác định các loài cây dễ gãy đổ do bão và thay thế bằng các loài cây phù hợp.
Chọn loại cây phù hợp với đặc điểm thời tiết và điều kiện nơi đô thị có vai trò không kém phần quan trọng trong việc hạn chế gãy đổ khi mưa bão. Tại Singapore, các loại cây thường được trồng có thể kể đến như cây còng (Rain Tree), Angsana, lim xẹt (Yellow Flame), bàng biển (Sea Almond)… Theo bản quy hoạch về tổ chức cây xanh của NParks, các khu vực cây xanh trên vỉa hè và trong công viên cần có những khoảng đất trống tự nhiên với chiều rộng ít nhất là 2 mét. Hố trồng cây cũng phải có độ sâu tối thiểu 2 mét, phù hợp với từng loại cây cụ thể. Điều này nhằm đảm bảo cây có đủ không gian và điều kiện để phát triển tốt, đồng thời giảm thiểu nguy cơ cây bị gãy đổ, gây nguy hiểm cho người dân.
NParks đang triển khai các ứng dụng di động, trang web nhằm khuyến khích cộng đồng tham gia vào công tác bảo tồn cây xanh. Các ứng dụng này cho phép người dân chụp ảnh thực vật và động vật khắp Singapore, sau đó gửi những bức ảnh đó cho NParks để nhận diện. Ngoài ra, người dân có thể tìm hiểu thông tin các loại cây được trồng trong khu phố của họ, cũng như kích thước, lịch cắt tỉa của từng loại cây.
Tại Úc, đa phần các cây xanh được trồng từ nhỏ nên rễ bám sâu vào lòng đất, ít bị gãy đổ. Việc cắt tỉa được thực hiện theo các Tiêu chuẩn Úc (Australian Standard for Pruning of Amenity Trees AS 4373-2007) để cải thiện cấu trúc cây và giảm nguy cơ gãy cành, tránh cắt tỉa quá mức vì điều này có thể làm suy yếu cây, khiến chúng dễ bị sâu bệnh. Ngoài ra, cây xanh có thể được loại bỏ khi cây đã chết, hư hại không thể khắc phục, ảnh hưởng tới các cơ sở hạ tầng… Việc loại bỏ cần được sự chấp thuận của các cơ quan chức năng và có trồng cây thay thế. Thủ đô Canberra của Úc hiện đang áp dụng công cụ kiểm kê cây xanh đô thị, duy trì kho dữ liệu cây xanh để theo dõi các thông tin về chủng loại, số lượng, kích thước, lịch cắt tỉa, tình trạng sức khỏe cây để có biện pháp xử lý sâu bệnh và trồng lại phù hợp.
Các thành phố của Canada sử dụng nhiều phương pháp khác nhau để theo dõi sức khỏe của cây xanh đô thị, tập trung vào các đánh giá toàn diện, hệ thống giám sát và sự tham gia của cộng đồng. Hệ thống thông tin địa lý (GIS) ngày càng được sử dụng nhiều để xác định vị trí, hỗ trợ theo dõi sức khỏe của cây, lập kế hoạch bảo dưỡng và trồng mới.
Thay lời kết
Điều dễ nhận thấy từ cách quản lý và chăm sóc cây xanh ở các quốc gia tiên tiến là sự đồng bộ và xuyên suốt trong các quy trình, cùng với sự tham gia tích cực của cộng đồng. Ở những nơi này, việc áp dụng các tiêu chuẩn, công cụ, và công nghệ tiên tiến như máy siêu âm và flycam để theo dõi sức khỏe cây xanh là khá phổ biến. Tuy nhiên, điều quan trọng không kém là việc thực hiện kiểm tra định kỳ sức khỏe cây xanh.
Hơn nữa, việc quy hoạch các khu vực trồng cây cần được thực hiện một cách hợp lý, đảm bảo lựa chọn loài cây phù hợp với điều kiện khí hậu và địa lý của từng khu vực. Xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật rõ ràng cho việc trồng, chăm sóc và bảo trì cây xanh là cần thiết để đảm bảo sự phát triển của cây xanh đô thị. Quy trình tỉa cành và mé nhánh cũng cần được thực hiện một cách khoa học và hợp lý, tránh tình trạng cắt tỉa quá mức hoặc không đúng cách, điều này có thể làm suy yếu cây và ảnh hưởng tiêu cực đến sự sinh trưởng và phát triển của chúng.
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/bao-duong-cay-xanh-do-thi-the-nao-la-hop-ly/