Bảo dưỡng, mua sắm máy bay Iran - nạn nhân của những đòn trừng phạt

Các đòn trừng phạt từ phương Tây khiến ngành hàng không Iran phải chật vật xoay sở để tồn tại, khi việc bảo dưỡng và mua mới máy bay chịu ảnh hưởng nặng nề.

Từ vụ trực thăng chở Tổng thống Iran Ebrahim Raisi và Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian gặp nạn, người ta chú ý nhiều hơn đến những khó khăn mà ngành hàng không Iran phải trải qua khi hứng chịu hàng loạt đòn trừng phạt từ Mỹ và nhiều nước, theo trang Simple Flying.

Không có khả năng mua máy bay mới

Trong nhiều năm qua, Iran đã không thể mua máy bay mới từ các nhà sản xuất. Cụ thể, các lệnh trừng phạt đã ngăn không cho các hãng hàng không Iran mua bất kỳ máy bay nào được sản xuất với ít nhất 10% linh kiện từ Mỹ.

Do đó ngành hàng không nước này phải tập hợp sử dụng những máy bay cũ, một số hãng hàng không vẫn vận hành Airbus A300 và McDonnell Douglas MD-80 ra mắt trong những năm 1970, 1980.

Theo trang chuyên về kiến thức hàng không ch-aviation, hãng hàng không quốc gia Iran là Iran Air có đội bay gồm 38 máy bay với độ tuổi trung bình là 28,1 năm. Chiếc máy bay hoạt động lâu đời nhất là Airbus A300 với 40 năm hoạt động.

 Một chiếc máy bay của hãng hàng không quốc gia Iran - Iran Air. Ảnh: WIKI COMMONS

Một chiếc máy bay của hãng hàng không quốc gia Iran - Iran Air. Ảnh: WIKI COMMONS

Năm ngoái, lãnh đạo Cơ quan Hàng không Dân dụng Iran - ông Mohammed Mohammadi-Baksh, nói rằng nước này sẽ cần hơn 370 máy bay mới trong vài năm tới để ổn định ngành hàng không. Tuy nhiên, trang Simple Flying đánh giá đây là một điều gần như không thể thực hiện được.

Ông Mohammadi-Baksh nói thêm rằng trong số khoảng 330 máy bay đã đăng ký của Iran, chỉ có khoảng 180 chiếc đang hoạt động, nghĩa là gần một nửa đội bay của nước này đang “đắp chiếu”.

Cách đây vài năm, các hãng hàng không Iran đã có cơ hội mua được máy bay mới khi thông qua Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA) - thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và một nhóm cường quốc thế giới, trong đó có Mỹ, vào năm 2015. Điều này có nghĩa là Mỹ sẽ không còn hạn chế Iran mua máy bay mới trực tiếp từ các nhà sản xuất.

Ngay sau đó, Iran Air đã ký một thỏa thuận trị giá 25 tỉ USD với Airbus để mua 118 máy bay thương mại và một thỏa thuận khác với Boeing để mua 80 máy bay mới trị giá khoảng 17 tỉ USD.

Hãng hàng không Aseman Airlines có trụ sở tại Tehran cũng đã ký thỏa thuận mua 30 máy bay Boeing mới trị giá khoảng 3 tỉ USD. Cạnh đó, Iran còn có thỏa thuận mua máy bay với nhà sản xuất máy bay Ý-Pháp ATR.

Tuy nhiên, thỏa thuận hạt nhân nói trên - JCPOA, đã bị hủy vào năm 2018 và tất cả các thương vụ mua máy bay này đều bị hủy bỏ. Tính đến thời điểm đó, chỉ có 13 chiếc ATR và 3 chiếc Airbus được giao cho Iran.

Không có phụ tùng thay thế, lo ngại an toàn bay

Một thách thức nữa của Iran là lệnh trừng phạt khiến nước này không có nguồn phụ tùng thay thế. Các hãng hàng không Iran không thể mua phụ tùng trực tiếp từ thị trường phương Tây, đặc biệt là Mỹ. Thay vào đó, Iran buộc phải tìm nguồn hàng thông qua bên thứ ba, theo trang Simple Flying.

Các hãng hàng không Iran phải mua các bộ phận của máy bay do Mỹ sản xuất từ các nhà cung cấp ở châu Á, châu Âu và Nam Mỹ thông qua nhiều trung gian khác nhau. Dù mua các bộ phận hoặc thiết bị thông qua các hãng hàng không hoặc công ty khác đã giải quyết khó khăn cho hàng không Iran nhưng cũng khiến các bên thứ ba này có nguy cơ dính trừng phạt.

Thêm nữa, nếu không được tiếp cận phụ tùng thay thế và hỗ trợ kỹ thuật từ các nhà sản xuất, độ an toàn của các hãng hàng không Iran cũng là một vấn đề đáng quan ngại.

 Chiếc trực thăng chở Tổng thống Iran Ebrahim Raisi gặp nạn, toàn bộ người trên trực thăng thiệt mạng hôm 19-5. Ảnh: ALI HAMED HAGHDOUST/IRNA/ASSOCIATED PRESS

Chiếc trực thăng chở Tổng thống Iran Ebrahim Raisi gặp nạn, toàn bộ người trên trực thăng thiệt mạng hôm 19-5. Ảnh: ALI HAMED HAGHDOUST/IRNA/ASSOCIATED PRESS

Năm 2022, tờ Asia Times đưa tin Mạng lưới An toàn Hàng không đã ghi nhận 1.959 người thương vong do thảm họa hàng không ở Iran kể từ năm 1929. Đáng chú ý, trong đó chỉ có khoảng 10% xảy ra trước năm 1979, là khi nước này lần đầu tiên bị Mỹ trừng phạt.

Ngoài ra, các hãng hàng không Iran cũng phải đối mặt với những hạn chế trong công việc tiếp nhiên liệu ở nhiều quốc gia khác. Điều này khiến các tàu bay phải bay với lượng nhiên liệu dư khiến trọng lượng máy bay tăng và gây nhiều rủi ro.

Bị cô lập trong mạng lưới hàng không

Lệnh trừng phạt của Mỹ cũng đặt ra những hạn chế về nơi các hãng hàng không Iran có thể bay tới.

Năm 2010, Ủy ban châu Âu đã cấm các máy bay Airbus A320, Boeing 727 và Boeing 747 của Iran Air bay vào Liên minh châu Âu (EU) do lo ngại về an toàn. Điều này đã hạn chế kể những chuyến bay của hãng hàng không quốc gia Iran đến châu Âu. Tuy nhiên, hãng này vẫn duy trì một số điểm đến ở châu Âu như Paris, Frankfurt và London.

Trong khi Iran Air vẫn bay đến châu Âu, Mahan Air - hãng hàng không lớn nhất Iran, có mạng lưới quốc tế hạn chế.

Năm 2011, hãng hàng không này bị trừng phạt vì có quan hệ với Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran-Qods (IRGC-QF) - tổ chức bị phương Tây dán nhãn là Tổ chức khủng bố nước ngoài. Sau đó, hãng Mahan Air tiếp tục bay tới châu Âu nhưng vào năm 2019 đã bị Đức, Pháp và Ý cấm vì liên quan đến Syria và lo ngại về an ninh. Vào tháng 4-2020, hãng hàng này tiếp tục bị cấm ở Tây Ban Nha, đánh dấu sự kết thúc của các chuyến bay Mahan Air đến lục địa châu Âu.

ĐỨC HIỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/bao-duong-mua-sam-may-bay-iran-nan-nhan-cua-nhung-don-trung-phat-post791527.html