Báo GD&TĐ kết nối nhiều tấm lòng giúp người dân phía Bắc khắc phục hậu quả bão lũ
Nhiều sự hỗ trợ của các tấm lòng hảo tâm và người dân Hà Tĩnh đã được Báo GD&TĐ mang đến với Nhân dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3.
Trước những thiệt hại nặng nề do cơn bão số 3 (Yagi) gây ra đối với các tỉnh miền Bắc , Văn phòng đại diện Báo GD&TĐ khu vực Miền Trung Tây Nguyên (MT-TN) đã kết nối các nhà hảo tâm chung tay quyên góp, hỗ trợ giúp người dân vùng bị ảnh hưởng sớm khắc phục hậu quả.
Sau ít ngày phát động, VP đại diện Báo GD&TĐ khu vực MT-TN đã đón nhận được rất nhiều sự đồng hành với hơn 250 triệu đồng tiền mặt và nhiều tấn nhu yếu phẩm các loại. Đây là tấm lòng của các nhà hảo tâm và rất nhiều bà con Hà Tĩnh khắp mọi miền Tổ quốc.
Ngày 13/9, đoàn cứu trợ gồm cán bộ, phóng viên Báo GD&TĐ khu vực MT-TN cùng các nhà hảo tâm đã xuất phát từ Hà Tĩnh. Chuyến xe này được kết nối từ những trái tim yêu thương, hết lòng vì người dân vùng lũ.
Trên những chuyến xe, hàng hóa không chỉ là nhu yếu phẩm cần thiết mà còn là "gom nghĩa tình" của người dân Hà Tĩnh, mong muốn chia sẻ với người dân vùng thiên tai.
Theo dự kiến, đoàn sẽ đến trao quà và hỗ trợ vùng ảnh hưởng thiên tại tại các tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang và Yên Bái.
Điểm đến đầu tiên của đoàn là tại điểm Trường Thống Nhất (Trường THCS Long Bình). Đây là điểm trường thuộc vùng sâu, vùng xa của huyện Võ Nhai (Thái Nguyên), điều kiện kinh tế hết sức eo hẹp. Năm học mới vừa bắt đầu nhà trường lại ngổn ngang thêm khó khăn khi cơn bão Yagi quét qua.
Dãy nhà 2 tầng gồm 14 phòng học vừa được đưa vào sử dụng ít năm đã bị gió bão thổi tốc toàn bộ phần mái, thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Bão tan, chưa kịp dọn dẹp nhà cửa, cán bộ, giáo viên nhà trường đã động viên nhau đến trường dọn dẹp lại trường lớp đảm bảo an toàn cho thầy trò.
Chia sẻ với khó khăn của nhà trường, đoàn đã trao tặng số tiền 50 triệu đồng hỗ trợ nhà trường tu sửa cơ sở vật chất, ổn định công tác dạy học.
Rời Thái Nguyên, chúng tôi tiếp tục đến huyện Chiêm Hóa, đây là 1 trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất ở tỉnh Tuyên Quang. Những hình ảnh suốt dọc quãng đường đi khiến những thành viên trong đoàn đều lặng đi. Khắp nơi là những bản làng, mái nhà, tài sản vẫn chìm trong biển lũ. Đặc biệt, ở xã Trung Hòa (huyện Chiêm Hóa) có 3 ngôi nhà bị đánh sập hoàn toàn.
Đoàn thiện nguyện đã trao 30 suất quà gồm nhu yếu phẩm và 1 triệu đồng/hộ. Ngoài ra, đoàn còn hỗ trợ 3 nhà dân bị sập nhà hoàn toàn mỗi hộ 5 triệu đồng để ổn định đời sống, gây dựng nhà cửa sau thiên tai.
Đón nhận những tấm lòng đến từ Hà Tĩnh, chị Võ Thị Mẫn (SN 1985, xã Trung Hòa) - một trong những hộ bị mất nhà do sạt lở, rưng rưng xúc động. Bản thân chị đang bị ung thư vú, gia đình thuộc hộ nghèo của xã. Trận thiên tai này, gia đình nằm trong diện phải di dời bởi ngôi nhà bị sụt lún và có thể đổ sập bất cứ lúc nào.
Đoàn thiện nguyện đã trao tặng số tiền 5 triệu đồng cùng nhiều nhu yếu phẩm để chị Mẫn có thêm kinh phí chữa bệnh và ổn định sau thiên tai. "Tôi vô cùng xúc động và biết ơn khi nhận món quà hảo tâm từ người dân Hà Tĩnh. Xin cảm ơn đoàn thiện nguyện đã không quản đường sá xa xôi đến trao tận tay tôi những tình cảm ân tình này", chị Mẫn chia sẻ.
Tại Tuyên Quang, đoàn cũng đã đến thăm và trao quà hỗ trợ cho 41 hộ dân tại Thị trấn Yên Sơn (huyện Yên Sơn). Để động viên bà con gượng dậy sau lũ lụt, ngoài mì tôm, nước uống và sữa đoàn còn trao thêm 500.000 đồng/hộ.
Dịp này, Báo GD&TĐ kết nối với Công ty CP sữa Việt Nam (Vinamilk) cùng các nhà hảo tâm tặng quà hỗ trợ cho các em học sinh THCS tại thị trấn Yên Sơn (Tuyên Quang).
Rời Tuyên Quang, đoàn tiếp tục ngược sang tỉnh Yên Bái. Đây là địa phương chịu thiệt hại nặng nề do hoàn lưu bão Yagi. Đi đến đâu cũng thấy cảnh hoang tàn, bề bộn sau khi mưa lũ đã qua.
Theo thống kê của cơ quan chức năng, Mưa lũ làm hơn 25.200 ngôi nhà trên địa bàn tỉnh bị ngập nước, sập đổ, hư hỏng. Ngoài ra, mưa bão cũng làm 190 vị trí đường quốc lộ bị sạt lở, ảnh hưởng; đã có 14 thủy điện phải dừng hoạt động, dừng phát điện. Ước tính tổng thiệt hại sơ bộ khoảng 4.635 tỷ đồng.
Tại thành phố Yên Bái, nước lũ đã rút nhưng bùn đất, rác thải vẫn ùn ứ khắp nhiều ngả đường. Đổ nát, ngổn ngang là những gì còn lại sau khi cơn đại hồng thủy đi qua.
Ngay sau khi lũ rút, thầy cô trường THPT Lý Thường Kiệt (TP Yên Bái) đã tất bật dọn dẹp để sớm đón học sinh quay trở lại. Tuy nhiên, lượng bùn đất phù sa đọng lại rất dày, gây khó khăn trong công tác khắc phục hậu quả của nhà trường.
Dù vậy, các giáo viên nhà trường vẫn không ngại gian khó, bì bõm trong khu vực ngập bùn, khắc phục hậu quả sau lũ, chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất đón học sinh trở lại.
"Nhiều thầy cô mặc nhà cửa còn ngổn ngang, ưu tiên đến dọn dẹp trường lớp", thầy giáo Ma Đình Khải - Hiệu trưởng Trường THPT Lý Thường Kiệt cho biết. Thầy Khải cũng thông tin, mưa lũ, ngập lụt đã khiến cơ sở vật chất nhà trường hư hỏng hoàn toàn. Sách vở, bàn ghế của học sinh cũng bị cuốn trôi, số ít còn lại thì chìm trong bùn đất.
Để sẻ chia khó khăn với nhà trường, VP Báo GD&TĐ khu vực MT-TN đã trao tặng số tiền 50 triệu đồng hỗ trợ nhà trường mua sắm thêm cơ sở vật chất, đồ dùng học tập.
Để sẻ chia khó khăn với nhà trường, đoàn thiện nguyện đã trao tặng số tiền 50 triệu đồng hỗ trợ nhà trường mua sắm thêm cơ sở vật chất, đồ dùng học tập.
Tiếp nhận số tiền 50 triệu đồng do Báo GD&TĐ kết nối, Hiệu trưởng Trường THPT Lý Thường Kiệt Ma Đình Khải xúc động cho biết, chưa bao giờ người dân Yên Bái trải qua trận thiên tai kinh khủng như vậy, sự thiệt hại quá lớn.
Sự hỗ trợ này là nguồn động viên kịp thời để nhà trường có vượt qua khó khăn, mua sắm trang thiết bị. Hiện, nhà trường đang cố gắng hết sức, huy động cán bộ giáo viên, học sinh và sự trợ giúp của các lực lượng chính quyền để cào dọn lượng lớn bùn đất, tạo điều kiện tốt nhất sớm ổn định việc dạy học. "Chúng tôi sẽ sử dụng nguồn hỗ trợ hợp lý, hiệu quả phục vụ tốt cho công tác dạy học", thầy Khải nói.
Tại xã Việt Thành (huyện Trấn Yên, Yên Bái), đây là xã bị thiệt hại nặng nề do sự cố vỡ đê. Vào giữa đêm, toàn bộ nhà trong xã đã bị ngập sâu trong biển nước, tài sản gần như thiệt hại hoàn toàn. Toàn bộ lương thực, thực phẩm cũng bị nhấn chìm và khiến cuộc sống người dân rất là khó khăn. Cùng với đó, thiếu nước ngọt, thiếu thuốc men đây là 1 cản trở rất lớn để Việt Thành sớm quay lại cuộc sống.
Sẻ chia với bà con, đoàn công tác đã quyết định hỗ trợ 1 lượng lớn về nhu yếu phẩm, gạo, mì tôm, nước uống, lương khô, áo quần và nhiều những yếu phẩm khác. Đoàn cũng hỗ trợ 2 triệu đồng đến 1 hộ dân bị ảnh hưởng do cơn bão số 3 gây ra.
Bà Đinh Thị Bích Liên, một người dân xã Việt Thành bùi ngùi: "Chúng tôi rất biết ơn bà con nhân dân Hà Tĩnh và các nhà hảo tâm đã san sẻ những khó khăn sau bão lũ. Sự giúp đỡ về tinh thần, vật chất trong lúc này là nguồn động viên để người dân Yên Bái vượt qua khó khăn".
Cũng tại Yên Bái, đoàn đã đến thăm và trao tặng cặp sách, bút vở cho Trường Mầm non, Trường TH&THCS Việt Thành. Đồng thời, đoàn cũng hỗ trợ số tiền 11 triệu đồng đến giáo viên Trường TH&THCS Việt Thành chịu thiệt hại do bão số 3. Đây là những suất quà do Văn phòng Báo GD&TĐ TP.HCM và Trường Tiểu học Cẩm Lạc (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) chung tay quyên góp.
Tại Trường THPT Hoàng Quốc Việt (TP Yên Bái), nhiều phần quà mà người dân Hà Tĩnh và các mạnh thường quân gửi gắm được trao tận tay các em học sinh bị thiệt hại do bão lũ.
Đoàn cũng đã tới thăm hỏi, động viên và trao quà cho cô giáo Hoàng Thị Yến (TP Yên Bái) số tiền 5 triệu đồng. Được biết gia cảnh cô Yến hết sức khó khăn, nhiều tài sản bị lũ cuốn trôi.
Tiếp nhận những món quà ý nghĩa, thiết thực những người dân, đại diện các trường học và chính quyền địa phương sở tại đã không khỏi xúc động, gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Báo GD&TĐ, người dân Hà Tĩnh và các nhà hảo tâm.
Dù còn phải đối mặt muôn vàn khó khăn cả trước mắt và lâu dài, nhưng sự quan tâm của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và tình cảm, sự đùm bọc, sẻ chia của toàn xã hội trong lúc đau thương đang tiếp thêm động lực để người dân vùng lũ vực lên sau thiên tai.
Một số hình ảnh trao quà cho người dân vùng lũ tại Thái Nguyên, Tuyên Quang và Yên Bái: