Bão giá tác động nặng người Việt ở Nhật
Khi bạn thu ngân thông báo giá phần nước dừa yêu thích tăng thêm 50 yen và chạm mức 600 yen, tôi mới nhận ra lạm phát ảnh hưởng đến 'miếng cơm manh áo' của mình nhiều thế nào.
“Sẽ còn buồn hơn nếu sản phẩm này thực sự biến mất!”.
Đó là thông điệp đăng tải kèm lời tri ân sâu sắc và xin lỗi đến khách hàng của Yaokin vào tháng 4 khi công bố chính thức tăng giá Umaibo từ 10 yen (1.700 VNĐ) lên 12 yen (2.000 VNĐ).
Món ăn vặt vốn được coi là "snack quốc dân" của Nhật Bản lần đầu tiên tăng giá sau 42 năm không "nhúc nhích" kể từ khi công ty được thành lập.
Điều chưa từng thấy, kể cả ở thời điểm hậu thảm họa kép
Khi đọc tin này, tôi đã tặc lưỡi “Chỉ có 2 yen thôi mà!”.
Thế nhưng, nghĩ sâu hơn một chút thì 2 yen này tương đương với 20% giá trị sản phẩm, một con số không hề nhỏ.
Và một điều hoang mang hơn, đó là công ty đã duy trì giá 10 yen trong suốt hàng chục năm qua, nhưng thời gian gần đây, giá xăng dầu tăng chóng mặt khiến nguyên vật liệu cũng tăng theo buộc các nhà sản xuất phải tăng giá sản phẩm để duy trì chuỗi cung ứng.
Món ăn vặt với cái tên có nghĩa là "bánh que ngon lành" này được mọi lứa tuổi yêu thích và trẻ em cũng có thể tự mua được. Sự tăng giá đã gây ra một làn sóng chấn động khắp cả nước. Vì với một đất nước đặt niềm tin vào chia sẻ gánh nặng xã hội, việc tăng giá đã trở thành điều cấm kỵ.
Sự thay đổi này nghiêm trọng đến nỗi Yaokin đã phải khởi động một chiến dịch quảng cáo giải thích lý do phải tăng giá.
Với nhiều người sinh ra và lớn lên ở đất nước Mặt Trời mọc, mọi thứ dường như hiếm khi tăng giá.
Trong suốt thời gian du học và nay là làm việc ở Nhật Bản, đây cũng là lần đầu tiên tôi chứng kiến cơn bão “lạm phát”.
Tôi sang Nhật lần đầu năm 2006. Tới nay, tổng số thời gian tôi sống ở đất nước này là khoảng 4 năm. Trải qua nhiều giai đoạn khác nhau và chứng kiến nhiều đổi thay ở nước Nhật, nhưng điều khiến tôi và nhiều người bạn trầm trồ kinh ngạc nhất chính là vật giá không hề tăng sau ngần ấy năm.
Thậm chí năm 2011, sau thảm họa kép động đất - sóng thần ngày 11/3, tôi cũng không chứng kiến cơn bão giá như vậy.
Những du học sinh như tôi lúc đó lo sợ về việc giá cả sẽ tăng vì những ngày đầu sau thảm họa, các kệ đồ ở siêu thị sạch trơn, có hôm ra siêu thị không mua nổi bánh mỳ hay gạo vì ai cũng lo sợ và tích trữ đồ.
Tuy nhiên, chỉ chưa đầy một tuần sau đó, cuộc sống trở lại bình thường, hàng hóa tràn ngập trở lại và điều đặc biệt không có một món đồ nào tăng giá. Nhật Bản còn là quốc gia rơi vào tình trạng giảm phát trong nhiều thập kỷ.
Vậy mà năm nay, chỉ trong vòng 1 đến 2 tháng trở lại đây, liên tục một loạt các công ty đưa ra thông báo về việc tăng giá, đặc biệt là các công ty cung cấp nguyên liệu và khí đốt.
Tôi thường thanh toán tiền điện và gas bằng cách trừ tiền tự động trên thẻ tín dụng nên không hề để ý đến việc công ty điện mình đang sử dụng đã điều chỉnh giá tháng thứ 8 liên tiếp và vẫn tiếp tục tăng từ tháng 4 năm nay. Bốn công ty gas lớn nhất Nhật Bản cũng đồng loạt quyết định tăng giá.
Một số tuyến tàu điện tôi có di chuyển cũng đưa ra thông báo về việc điều chỉnh giá từ tháng 3/2023. Giá vé ở Kanto, khu vực tôi sinh sống sẽ tăng 10 yen/vé khi mua vé lẻ.
Ảnh hưởng tới mọi mặt đời sống
Vì sống một mình nên tôi cũng chỉ đọc lướt qua những tin tức về giá điện, gas, thậm chí còn cho rằng nó không ảnh hưởng đến mình nhiều lắm.
Cho đến hôm vừa rồi, khi đi ăn ở một quán ăn Việt Nam gần nhà, tôi vẫn gọi nước dừa như mọi khi và lúc thanh toán, tôi đưa 550 yen, thì được bạn thu ngân thông báo giá nước dừa đã tăng thành 600 yen (gần 104.000 đồng).
Khi bạn bè ở Việt Nam hỏi thăm về tình hình "bão giá" như thế nào, chính trải nghiệm với món nước dừa yêu thích nói trên khiến tôi lập tức thốt lên: "Giá tăng khủng khiếp!".
Khi liệt kê ra từng mặt hàng chỉ thấy mỗi món hầu như chỉ tăng nhẹ vài chục yen khiến từ "khủng khiếp" mà tôi thốt lên dường như hơi to tát quá. Thế nhưng, nó thực sự đang ảnh hưởng tới mọi mặt của đời sống.
Riêng với món nước dừa tôi đề cập ở trên, một phần nước dừa tăng 50 yen, tính ra tiền Việt Nam khoảng 10.000 VNĐ, là con số không hề nhỏ. Bởi các mặt hàng tiêu dùng, ăn uống ở Nhật nếu có điều chỉnh giá thì cũng tăng nhẹ từ 10 đến 20 yen.
Vậy mà nước dừa của Việt Nam tăng hẳn 50 yen!
Chưa hết, gần đây hãng quần áo yêu thích của tôi ở Nhật đưa ra thông báo về việc họ đang cân nhắc tăng giá sản phẩm quần áo trong năm tới, và có những mặt hàng sẽ tăng giá đến 30%.
Trong các nhóm cộng đồng người Việt ở Nhật, thông tin này gây ra một sự ngỡ ngàng lớn, mọi người thậm chí hỏi han nhau chỉ giúp xem có hãng quần áo nào giá "dễ thở" hơn để cùng nhau vượt qua "trận bão" này.
Tôi vẫn thường xuyên mua quà về cho gia đình là quần áo vốn được tất cả thành viên trong nhà ưa thích, nhưng với tình hình tăng giá như thế này, tôi chắc chắn sẽ không còn cơ hội mua đồ cho cả gia đình thoải mái như trước nữa.
"Ăn bữa sáng thật no và đầy đủ để không phải ăn trưa"
Thùy Nhung, 36 tuổi ở Tokyo, chia sẻ: “Trong cơn bão giá, mà phải nuôi con nhỏ nên mình luôn phải cân nhắc và tính toán nhiều thứ. Tiền chợ búa tăng, điện nước tăng mà lương vẫn thế nên mình quyết định đổi siêu thị để cân đối chi tiêu".
Đối mặt với cơn bão giã chưa thấy điểm dừng, nữ nhân viên văn phòng này thậm chí còn nghĩ tới cả việc tự trồng rau để tiết kiệm chi phí.
"Ở Tokyo không có đất để trồng rau, chứ mình muốn tự trồng rau, vì ngon mà lại tiết kiệm được chi phí”, Nhung cho biết.
Nói chuyện với các bạn đồng nghiệp người Nhật, tôi càng thấm thía cơn bão “lạm phát” ảnh hưởng đến đời sống đến thế nào.
Tôi và các đồng nghiệp hay mua đồ ăn trưa ở cửa hàng tiện lợi ngay cạnh công ty nhưng gần đây nhiều bạn cũng phải "lè lưỡi" vì giá cả ở các cửa hàng tiện lợi đồng loạt tăng.
Nhiều cửa hàng tiện lợi cũng đưa ra thông báo tăng giá mặt hàng từ 10 đến 15%. Có bạn đã phải tiết kiệm bằng cách ăn bữa sáng thật no và đầy đủ để không phải ăn trưa, hay có bạn thì chịu khó mang cơm hộp đi để tiết kiệm tiền ăn.
Tôi không biết giá cả còn leo thang đến đâu và nếu đồng yen tiếp tục suy yếu, vật giá gia tăng và tăng không ngừng, tôi đang phải suy nghĩ nghiêm túc về chuyện tìm việc làm thêm.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dieu-cam-ky-da-bi-pha-vo-o-nhat-ban-post1325067.html