Báo giấy vượt sóng ra khơi
Khác với đất liền 'sáng ra tờ báo trên tay', cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1 được đọc báo giấy sau hai tháng kể từ ngày tờ báo phát hành. Ngoài xem thời sự cập nhật hằng ngày qua truyền hình, báo mạng điện tử, báo giấy vẫn đóng vai trò cung cấp thông tin, định hướng tư tưởng, nâng cao kiến thức, nhớ lâu, thấm sâu nhất đối với cán bộ, chiến sĩ.
Bây giờ, cán bộ, chiến sĩ khắp các Nhà giàn DK1 trên thềm lục địa phía Nam Tổ quốc được xem ti vi, nắm bắt thông tin trong nước, thế giới từ đất liền hằng ngày qua mạng Internet, song không vì thế mà cán bộ, chiến sĩ “lãng quên” báo giấy, ngược lại, báo giấy, tạp chí luôn được cán bộ, chiến sĩ chờ đợi, đón đọc nhiệt tình.
Để báo giấy đến tận tay cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1, phải trải qua “quy trình phân chia, đóng gói, vận chuyển” xuống tàu và vượt sóng ra khơi. “Quy trình” ấy thường giao cho chiến sĩ liên lạc của đơn vị đảm nhiệm. Sau khi lĩnh báo từ thư viện về, chiến sĩ liên lạc chia báo cho nhà giàn. Để tránh nhầm lẫn thư, báo giữa nhà giàn này với nhà giàn khác, việc chia báo cũng hết sức tỉ mỉ.
Nếu ở Trường Sa, việc đem báo cho các đảo thông thường bằng xuồng, thì chuyển báo cho các nhà giàn khó khăn, vất vả hơn. Trước khi tàu đi biển 2 ngày, thư, báo, tài liệu được gói cẩn thận trong bao nilon chống ướt và chuyển xuống tàu. Khi ở đất liền, tàu hú còi rời bến cũng là lúc cán bộ, chiến sĩ trên các nhà giàn thấp thỏm đợi chờ thư, báo. Nếu sóng yên biển lặng, việc đem thư, báo lên nhà giàn bằng xuồng tăng bo. Gặp sóng to, gió lớn, báo được gói sẵn trong bao nilon, cột chặt vào dây mồi, thả xuống biển để các chiến sĩ trên nhà giàn kéo lên. Lúc báo “bơi” trong nước biển cũng là lúc các chiến sĩ trên nhà giàn lo lắng, thấp thỏm, mong sao những tờ báo lên nhà giàn không bị ướt. Mặc dù đã gói kỹ, cột chặt, nhưng không phải lần nào báo chuyển lên nhà giàn cũng còn nguyên vẹn. Có lần, sóng quá lớn đánh đứt dây cột, gói báo trôi theo dòng biển chảy xiết. Cũng có lần, kéo được báo lên nhà giàn, lúc giở ra đã ướt nhèm do bao nilon thủng. Các chiến sĩ đành bóc từng tờ, phơi khô rồi gom lại đọc.
Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và nhân dân, khi mỗi nhà giàn là một pháo đài thép canh biển giữa ngàn khơi, thì đời sống văn hóa tinh thần của cán bộ, chiến sĩ ngày càng được cải thiện, nâng lên. Hiện tại, các Nhà giàn DK1 xem được truyền hình kỹ thuật số thu sóng vệ tinh TVRO; thông tin trong nước, thế giới được cập nhật hằng ngày qua mạng Internet. Tuy nhiên, báo giấy, tạp chí vẫn được các chiến sĩ đón đọc và luôn chiếm ưu thế trong ba loại hình thông tin chủ yếu “nghe, nhìn, đọc” ở nhà giàn.
Trước đây, khi Nhà giàn DK1 chưa phủ sóng truyền hình từ vệ tinh, tất cả thông tin từ đất liền chủ yếu đọc báo giấy và thư từ gửi ra từ đất liền. Mỗi nhà giàn được trang bị ti vi, nhưng chủ yếu để xem băng ca nhạc, loại băng từ bản to như cuốn sổ. Mỗi lần có tàu thay trực, nhà giàn nào cũng mua chục cuốn xem dần. Xem hết một lượt, lại gửi về bờ đổi băng mới, hoặc luân chuyển cho nhà giàn khác, hoặc chuyển xuống tàu trực. Ngoài ra, nhà giàn nào cũng được trang bị đài bán dẫn (radio) để nghe tin hằng ngày. Tuy nhiên, ở nơi khí hậu thời tiết khắc nghiệt, nắng quanh năm, gió bốn mùa, thông tin chập chờn là điều không tránh khỏi. Để bắt được sóng radio, các chiến sĩ đã sáng tạo, lấy đoạn dây điện cột vào cần ăng ten của đài rồi thả lơ lửng ngoài lan can.
Giữa đại dương bao la, một ngày mới của cán bộ, chiến sĩ nhà giàn sau thể dục sáng là nghe Đài Tiếng nói Việt Nam. Tiếng người phát thanh viên dõng dạc “Đây là tiếng nói Việt Nam. Phát thanh từ Hà Nội - Thủ đô nước Cộng hòa XHCN Việt Nam” nghe thấm vào gan ruột. Từ trái tim người lính dâng lên niềm tự hào, kiêu hãnh, thấu hiểu được nhiệm vụ sứ mệnh của lính thời bình được canh biển, đảo cho Tổ quốc bình yên. Sau giờ huấn luyện chiều, bộ đội mở radio ca nhạc cải lương, hoặc chương trình thông tin tổng hợp. 19 giờ, xem thời sự truyền hình nắm bắt thông tin. Kết thúc một ngày làm việc, chính trị viên mở đài để cả nhà giàn cùng nghe. Đầu tuần mới, sau lễ chào cờ là thông báo thời sự trong tuần. Công việc này do chính trị viên đảm nhiệm.
Nói về chế độ thông tin nghe nhìn, Trung tá Nguyễn Hữu Thuận, Chính trị viên Nhà giàn DK1/15 cho biết: “Đặc thù của đơn vị hoạt động xa đất liền nên chế độ đọc báo, nghe tin tức thời sự rất quan trọng. Bất di bất dịch, sóng lớn, bão tố, hay biển lặng, bộ đội phải được xem thời sự, nghe tin tức. Nhờ làm tốt công tác này mà cán bộ, chiến sĩ luôn yên tâm tư tưởng, giải quyết tốt các mối quan hệ, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao. Mặc dù tin tức được cập nhật hàng ngày, nhưng tờ báo giấy, bộ đội vẫn đón đọc, là món ăn tinh thần chưa bao giờ xưa cũ”.
Dẫu xa đất liền, cách biệt về khoảng cách địa lý, song ở giữa ngàn khơi Tổ quốc, cán bộ, chiến sĩ Trường Sa, DK1 vẫn nắm bắt được đầy đủ thông tin như ở đất liền. Nhờ đọc báo, xem truyền hình, nghe đài thường xuyên, mà các anh thêm nâng cao trình độ, yên tâm tư tưởng, vững chắc tay súng, quyết tâm giữ vững vùng biển, vùng trời của đất mẹ giữa đại dương bao la. Mặc dù thông tin có muộn hơn so với đất liền, song báo giấy vẫn là người bạn tâm tình không thể thiếu của bộ đội nhà giàn.
“Ngoài xem ti vi, nghe đài, thì văn hóa đọc báo vẫn được các chiến sĩ DK1 yêu thích. Đảng ủy, chỉ huy Tiểu đoàn luôn quan tâm đời sống văn hóa tinh thần của anh em. Đọc báo giấy ở nhà giàn từ lâu đã trở thành nét đẹp văn hóa. Đây cũng là một phương pháp giáo dục chính trị tư tưởng thấm sâu, nhớ lâu cho cán bộ, chiến sĩ. Báo giấy vẫn là người bạn tâm tình của chiến sĩ” - Thượng tá Nghiêm Xuân Thái, Chính trị viên Tiểu đoàn DK1, người “tiếp lửa”, định hướng tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ nhà giàn khẳng định.
Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/bao-giay-vuot-song-ra-khoi-post477055.html