Bao giờ Bình Thuận có Tài liệu giáo dục địa phương lớp 8, 11 để giảng dạy?
Đến nay, dù đã bước sang học kỳ 2 năm học 2023-2024, nhưng Tài liệu giáo dục địa phương lớp 8, lớp 11 của Bình Thuận vẫn chưa có.
Nội dung giáo dục địa phương là hoạt động giáo dục bắt buộc theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông. Ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông, Nội dung giáo dục địa phương có 35 tiết/năm học/lớp.
Mặc dù năm học 2023-2024 đã là năm thứ 4 triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhưng tình trạng chậm có tài liệu giáo dục địa phương để giảng dạy vẫn xảy ra.
Theo phản ánh của giáo viên ở Bình Thuận, năm học này đã bước sang tuần học thứ 27 nhưng, giáo viên và học sinh vẫn chưa có Tài liệu Giáo dục địa phương lớp 8 và lớp 11 để giảng dạy.
Tài liệu giáo dục địa phương chậm ban hành gây khó khăn cho thầy cô, học sinh
Một giáo viên tại Bình Thuận cho biết: "Vì đây là môn học, nội dung giáo dục bắt buộc nên dù có chậm tài liệu giảng dạy, nhà trường vẫn phải tổ chức dạy. Như năm học 2022-2023, học kỳ II được một số tuần, các trường học tại địa phương tôi mới có tài liệu để dạy. Vì thế, nhà trường phải tức tốc xếp thời khóa biểu để tổ chức giảng dạy cho kịp thời gian kết thúc năm học.
Nội dung giáo dục địa phương bao gồm 6 phân môn là, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, Âm nhạc, Mĩ thuật. Mỗi phân môn có từ 1-2 bài học được phân theo chủ đề. Nội dung giáo dục địa phương có 35 tiết/năm học/lớp. Mỗi năm học có 35 tuần, sẽ có 35 tiết học được dạy. Nếu có tài liệu từ đầu năm, các trường sẽ chủ động phân phối tiết dạy mỗi tuần/1 tiết. Cả thầy và trò sẽ chủ động thời gian
Trong Nội dung giáo dục địa phương, kiến thức sẽ xoay quanh chủ đề về lịch sử, về con người, sự việc, danh lam thắng cảnh, những món ăn đặc sản, rồi phong tục, tập quán… tại địa phương, nhằm giúp cho học sinh hiểu biết rõ hơn con người và vùng đất nơi mình đang sinh sống.
Việc chậm ban hành tài liệu giáo dục địa phương sẽ gây khó khăn cho nhà trường, cho giáo viên và ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng học tập của học sinh, sắp xếp môn học, phân công giáo viên giảng dạy, tổ chức kiểm tra thường xuyên và định kỳ.
Bên cạnh đó, việc bắt học sinh phải học "tăng tốc" cho kịp kết thúc năm học, các em cũng sẽ khó tiếp thu bài, dẫn đến chất lượng giáo dục có thể bị ảnh hưởng.
Thay vì 35 tiết được dạy rải đều trong 35 tuần học, nhà trường buộc phải xếp cho học sinh học tăng tiết để kịp kiểm tra định kỳ và tổng kết năm học. Có tuần học đến 4-5 tiết môn này.
Để chuẩn bị cho các tiết dạy về Nội dung giáo dục địa phương, giáo viên cũng phải gấp rút nghiên cứu tài liệu, soạn bài. Do đây là nội dung học mới, lại phải soạn cùng lúc nhiều bài nên nhiều thầy cô không có đủ thời gian nghiên cứu, tìm hiểu về các nội dung. Điều này ít nhiều khiến chất lượng giảng dạy khó có thể được tốt nhất.
Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về ban hành Chương trình giáo dục phổ thông đã hướng dẫn: "Nội dung giáo dục của địa phương là những vấn đề cơ bản hoặc thời sự về văn hóa, lịch sử, địa lí, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp...
Nhằm trang bị cho học sinh những hiểu biết về nơi sinh sống, bồi dưỡng cho học sinh tình yêu quê hương, ý thức tìm hiểu và vận dụng những điều đã học để góp phần giải quyết những vấn đề của quê hương…"
Điều này cho thấy Bộ Giáo dục và Đào tạo đã rất xem trọng môn học Giáo dục địa phương. Tuy nhiên, từ thực tế ở một số địa phương khi Tài liệu giáo dục địa phương chậm ban hành cho thấy, môn học này chưa được thực sự đầu tư đúng mức.
Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Thuận nói gì?
Trưa ngày 25/3, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Lương Văn Hà – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Thuận cho hay, tài liệu môn Giáo dục địa phương nằm trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 của lớp 8, 11 của Bình Thuận vẫn chưa xong.
Theo ông Lương Văn Hà, hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn đang thẩm định lần cuối tài liệu này.
“Sau khi có ý kiến của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thì địa phương mới tiến hành làm, giao cho Nhà Xuất bản làm các thủ tục còn lại” – ông Lương Văn Hà cho hay.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Thuận Lương Văn Hà nhìn nhận, việc ban hành Tài liệu giáo dục địa phương lộ trình có hơi chậm, nhưng Sở vẫn đang cố gắng sao cho đảm bảo đúng tiến độ của chương trình.
Ông Lương Văn Hà nhấn mạnh rằng: “Tài liệu môn này sẽ có trong thời gian sớm nhất”.