Bao giờ bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học như Bộ trưởng đã 'hứa'?

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Chiến (Hà Nội) chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân về việc bao giờ bỏ những chứng chỉ liên quan đến viên chức như chứng chỉ ngoại ngữ, tin học mà Bộ trưởng đã 'hứa' tại kỳ chất vấn trước.

ĐBQH Nguyễn Văn Chiến Hà Nội

ĐBQH Nguyễn Văn Chiến Hà Nội

“Trường nào đào tạo chuẩn rồi thì không cần nữa”

Trả lời vấn đề này trong chiều 9/11, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết: Trong quá trình triển khai Luật sửa đổi Luật Cán bộ, Luật Viên chức, các nghị định của Chính phủ tập trung xem xét giảm bớt các thủ tục trong việc tuyển dụng, quản lý, thi nâng ngạch thăng hạn viên chức, kể cả quá trình bổ nhiệm cán bộ.

Nghị định của Chính phủ đã quy định, đối với trường hợp khi tốt nghiệp các bằng chuyên môn đã chuẩn về đầu ra ngoại ngữ, tin học theo quy định của Bộ GD-ĐT, ví dụ như ngoại ngữ thuộc về trình độ bậc 3 thì không cần yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, "nếu trường đại học đào tạo chuẩn rồi thì không cần nữa".

Tương ứng, những người tuyển sinh đại học, thi nâng ngạch, mà những đối tượng được miễn tin học, ngoại ngữ thì không cần phải nộp chứng chỉ tin học, ngoại ngữ.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân (ảnh Nhật Minh)

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân (ảnh Nhật Minh)

Để tiến tới bỏ chứng chỉ tin học, ngoại ngữ trong tuyển dụng, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức thì Bộ Nội vụ đang phối hợp với các bộ ngành sửa đổi các tiêu chí về ngạch công chức, viên chức. Theo đó, sẽ không yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học nữa, mà chỉ quy định năng lực sử dụng ngoại ngữ, tin học, thể hiện trên các kỳ thi trên máy vi tính.

Bộ Nội vụ cũng phối hợp với Bộ Giáo dục ban hành các thông tư sửa đổi về chuẩn chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên mần non, phổ thông công lập. Theo đó, cũng không quy định chứng chỉ ngoại ngữ, tin học.

“Công tác bổ nhiệm cán bộ, trước tôi đã nói khi đề bạt, bổ nhiệm cán bộ thì phải có 7 văn bằng, chứng chỉ thì nay tập trung chủ yếu trình độ chuyên môn, lý luận chính trị và trình độ quản lý nhà nước. Đây là 3 chứng chỉ cơ bản khi đề bạt bổ nhiệm cán bộ, còn văn bản chứng chỉ khác chỉ phục vụ trong quá trình đào tạo tiếp theo”, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho hay.

Có thể sáp nhập Bộ Nội vụ vào bộ khác được không?

Liên quan đến việc tinh giản bộ máy, ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) tranh luận rằng, việc cắt giảm ở Bộ Nội vụ mới mang tính cơ học. Ông Hiếu đề nghị cho biết rõ Bộ Nội vụ đã cắt giảm được bao nhiêu % cán bộ công chức không hoàn thành nhiệm vụ?

ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu (ảnh Nhật Minh)

ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu (ảnh Nhật Minh)

Đặc biệt, ông Hiếu cũng đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết có thể xem xét, sáp nhập Bộ nội vụ vào bộ khác được không?

Trước đó, khi trả lời các đại biểu về thực thi công vụ, tổ chức bộ máy, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân khẳng định, trong thực thi công vụ, Bộ Nội vụ luôn gương mẫu làm trước. Trường hợp tuyển dụng sai, tuyển dụng không đúng, cho làm lại.

Về tinh giản biên chế, Bộ Nội vụ luôn phải làm ít nhất bằng hoặc tốt hơn đơn các vị khác. Cụ thể, vừa qua Bộ đã có chủ trương tinh giảm 12,5%, nhưng Chính phủ đề nghị cứ thực hiện theo chủ trương chung trước. “Tinh giản biên chế được chúng tôi làm nghiêm minh. Đồng thời có quy chế ứng xử viên chức, điều chỉnh hành vi cho đúng”, Bộ trưởng cho hay.

Văn Kiên

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/bao-gio-bo-chung-chi-ngoai-ngu-tin-hoc-nhu-bo-truong-da-hua-1747486.tpo