Bao giờ cho đến tháng Ba...
'Bao giờ cho đến tháng Ba
Hoa gạo rụng xuống bà già cất chăn”
U tôi thường hay lẩm bẩm thế trong cái tiết nồm ẩm giao mùa.
Đám cưới ở quê tôi thường tổ chức quanh những ngày tết, cái tiết mưa phùn lạnh cắt thịt da được người ta điểm tô bằng mỡ màng rượu thịt, lại pháo đỏ râm ran và cỗ bàn nhặng xị. Ấy là quãng thời gian mà giai gái trong làng rộn ràng khăn áo.
Đã sang tháng Ba, hoa gạo cũng đã cuối mùa, từng chùm rụng xuống xác xơ chả còn thắm những mơ mòng như hồi tết nữa, đến hoa xoan cuối vườn cũng ít nhiều phai sắc tím nhớ nhung. Tất nhiên đã quá giêng rồi thì mùa cưới cũng vãn đi như thế.
Chị tôi những ngày xa xôi ấy cũng là hoa khôi trong làng, chị nhẹ nhàng và dịu dàng như u tôi. Quãng đó chắc chị chưa tới đôi mươi và nghe bảo trước đây cụ lang Phần đã nhắm cho con giai nhớn là anh Phúc, tất nhiên là thầy tôi đã gật đầu.
Chả biết anh Phúc mặt mũi ra sao, bởi từ nhỏ anh được gửi đi học trên tỉnh và nghe đâu anh đã thoát ly, mà thoát ly là gì tôi cũng chả biết nữa, thi thoảng thư về anh luôn nhắc hỏi đến chị tôi.
Tất nhiên chị tôi cũng vậy, chị thắc thỏm chờ một người mà chỉ biết nhõn cái tên, đôi khi mắt chị ánh lên tia hy vọng, đôi khi chỉ cúi đầu vân vê tà áo.
Mỗi mùa đông, chị thường tự đan len, đôi tay thon nhỏ thoăn thoắt không ngừng, cuộn len bị rút dần như thể chị dệt cả mùa đông vào chờ đợi, và như thế, bóng chị đã đóng khung bên cửa sổ. Và mỗi mùa tôi lại có thêm một chiếc áo len hoặc mũ len mới.
Rồi đến một tháng Ba, chị tự đan cho mình một chiếc khăn. Phần len được tháo ra từ chiếc áo mà tôi mặc chật. Ngoài sân u vẫn xuýt xoa rằng năm nay lạnh hơn năm trước, và rằng có vài đám mối mai sang dạm hỏi, và nhà bác Du bên chợ vẫn nài xin chị về làm dâu.
Chị vẫn cúi đầu tỉ mỉ từng mũi len, bên cửa sổ tóc chị vẫn ngan ngát mùi hoa bưởi, mùa Xuân ấy chị vừa chớm đôi mươi.
Rồi tết nữa lại sang, chị vấn tóc đi hội làng như vẫn thế, gái làng bằng tuổi chị giờ tay bế tay bồng, người trễ lắm cũng vừa theo chồng sang làng khác, chị lặng lẽ quàng chiếc khăn lên búi tóc, và đợi những tháng Ba.
Thế rồi trong đêm hội ấy, chị gặp anh, một người xa lạ. Anh nhìn chị không rời và chị cũng bối rối không dám ngẩng lên, dù chị biết anh vẫn đi theo sau chị.
Chị ngồi hát vu vơ bên cửa sổ, để gió lùa bên vai. U trách nhẹ, rằng chả biết tháng Ba này anh Phúc có về không, bởi anh đã nhỡ hẹn từ năm ngoái, tuổi xuân con gái có thì.
Chập tối, chị lại vội vàng vấn tóc, giục tôi nhanh chân đi hội cùng, và chị lại đứng đợi một người nào đó lẫn trong đám đông cũng đang đứng nhìn chị.
U tôi nhanh chóng biết chuyện, vì tôi thấy u lôi chị vào bếp mà dọa, rằng thì là mà chị đã có nơi có chỗ, đừng để thầy u bẽ mặt với người ta, chị lại cúi đầu rồi khóc.
Chị không còn đan len nữa, chị ngồi bên cửa sổ nhìn xa, những chùm hoa xoan tím rơi vụn vỡ trong mưa phùn nhuộm tím cả góc vườn hoang.
Chị cúi đầu nói với tôi mà như thể nói với chị: “tháng Ba mà vẫn lạnh, liệu anh Phúc có về không...”. Dẫu biết tôi vẫn trẻ con chả hiểu được chị nghĩ những gì, nhưng chị vẫn tự an ủi: “chắc anh Phúc mặt vuông, nhỉ!”. “Chắc là mắt sáng... à, chắc là vai rộng, nhỉ !” - Rồi chị thở dài.
Rồi chị ở nhà, dù hội làng đã gần tan, đêm nay người ta diễn nốt vở chèo dang dở, trống vẫn đánh thì thùng giục giã.
Chị ngồi bên bếp củi, nồi cám đã chín từ lâu. Tôi chả biết an ủi thế nào, nên cứ ngồi bên chị như một lẽ tất nhiên của cái tình ruột thịt.
Tôi chỉ lờ mờ đoán được chị đang nghĩ đến ngoài kia, nơi có người đang đợi chị, với cái nhìn đủ ấm cả mùa đông. Và tiếng trống cứ dồn lên từng hồi rộn rã.
Rồi chị lại mơ màng: “Chắc anh Phúc có mái tóc bồng bềnh...” “anh ấy sẽ mỉm cười nhìn chị, ừ, nụ cười ấy ấm áp...”.
Tôi thật thà mà bảo: Gớm, anh Phúc mà chị cứ ước giống như cái người chị gặp mấy đêm qua.
Rồi như thể chị cũng cười, trong ánh mắt chị lung linh những ánh lửa hắt ra từ bếp củi. Thật lâu mới thấy chị cười.
Đêm ấy là đêm cuối hội làng, chị bỏ bữa từ trưa chỉ ngồi dấm dứt, u tôi dằn dỗi ngon ngọt chán rồi cũng thở dài.
Từng cơn rét ngọt lùa vào khe liếp, chị ngồi đó lặng im, đêm cứ thế dày thêm, tiếng trống tiếng chiêng không rộn nữa, nghĩa là hội làng đang vãn dần, chị khóc tấm tức với u.
Rồi bất ngờ u bảo: Hội cũng đã tan, sau đêm nay thì ai cũng về nhà nấy, thôi thì tôi cho chị ra gặp người ta lần nữa cho bõ cái vấn vương.
Tất nhiên là u bắt phải có tôi đi kèm để trông chừng cho chị. Sau thoáng ngỡ ngàng, chị dắt tay tôi mà băng đi như chạy, chửa bao giờ tôi thấy chị vội vàng đến thế, chị em tôi chạy ngược lối người ta đang về, cho đến tận đình làng mới biết chạy chân trần khi dẫm lên những bông hoa gạo lạnh lẽo.
Không phải đợi chờ, bởi anh đã đứng đấy từ lâu. Anh tiến đến chỗ chị em tôi vội vã như thể cũng biết sau đêm này chị tôi không đến nữa.
Anh đến thật gần nhìn chị tôi như thể đã đợi trăm năm.
Chị cúi đầu rồi rưng rưng bật khóc, nỗi niềm như thể chiếc lò xo bị kìm nén vừa bật lên nức nở.
Không biết thời gian đã dừng lại tự khi nào, không một chiếc lá rơi hay cơn gió nào đi ngang, cho đến khi anh bảo rằng ngày mai sẽ sang nhà gặp thầy u tôi mà thưa chuyện.
Chị lắc đầu rồi choàng lên cổ anh chiếc khăn len, như một lời chia ly, rồi quày quả bỏ về, vừa đi vừa gạt nước mắt.
U tôi quẩy gánh rau ra chợ sớm để kịp về làm cơm đãi khách, vì thầy tôi bảo nhà cụ lang Phần sẽ sang thưa chuyện trầu cau, coi như tháng Ba này chị tôi sẽ có nơi có chỗ.
Chị không buồn không vui, đã mấy ngày từ sau đêm hội ấy, chị héo hon như những bông hoa cuối mùa.
Rồi nhà trai đến mang theo những ồn ào từ xa, hàng xóm xôn xao ngó nghiêng qua hàng rào để ngóng xem mặt mũi anh Phúc ra sao.
Thầy u tôi đón họ từ ngoài ngõ, và chị vẫn đứng im lìm trong buồng, giấu mặt trong chiếc khăn tay, lầm lũi và cam chịu.
Vừa thấy nhà trai vào đến sân, thầy tôi với cụ Phần còn đương hồ hởi thì tôi đã nhanh nhảu ngó tìm anh Phúc, người mà chị tôi phải gạt nước mắt chờ đến hôm nay.
Không tin nổi vào mắt mình, tôi chạy nhanh vào buồng mà khua chân múa tay bảo với chị: Anh Phúc đến rồi, mắt toét, chân vòng kiềng...
Chị nhìn tôi rồi dửng dưng vuốt lại nếp áo.
Chạy vào lần nữa tôi lại kể: Xấu trai và nom như phường đánh bả gà, tiếc cho chị quá!
Chị vẫn chả nói gì, tôi biết chị đang buồn lắm, nói thêm chị lại khóc tủi thân.
Thầy tôi và cụ Phần thì đắc ý lắm, cứ gật lia lịa với nhau, anh Phúc ngồi im, thi thoảng nhìn phía tôi hất hàm cười.
Sau dăm hồi trà nước và mâm cơm đã chuẩn bị gần tươm tất, cuộc chuyện đã êm xuôi, thầy tôi cao hứng mời cụ Phần thưởng ngoạn vườn cây thuốc quý bên vườn, sau nhiều năm dày công sưu tầm. Chỉ chờ lúc đó, tôi nhanh tay kéo anh Phúc một mạch ra cửa sổ phía chị, rồi gọi nhỏ.
Như một phản xạ tự nhiên, chị đưa tay kéo ngang cửa liếp, anh đứng trước mặt chị và nở nụ cười ấm áp, trên cổ vẫn quàng chiếc khăn len.
Chị đứng nhìn anh trân trân rồi òa khóc, những giọt nước mắt hạnh phúc ngỡ ngàng, chị chạy ào về phía anh mà đấm ngực anh thùm thụp trước sự kinh ngạc của nhiều người, anh cười hiền lành rồi nắm tay chị thật chặt như thể một lần nữa chị lại chạy đi.
Tháng Ba.
Chị tôi lấy chồng đận ấy tháng Ba, nhanh chóng, ngọt ngào và viên mãn, chị đi theo anh nhiều nơi, những lúc khó khăn hay những nơi vất vả, chưa bao giờ thấy họ xa nhau.
Anh chị vẫn thường về thăm thầy u tôi sau tết, và vào đúng tiết tháng Ba.
Những lúc lang thang trên lối cũ, chị vẫn bảo: “Với chị, tháng Ba vốn nhiều kỷ niệm, là ngã rẽ của số phận và hạnh phúc ngọt ngào”.
Và tất nhiên, u cũng kể rằng: u sinh chị vào đúng tháng Ba...
Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/bao-gio-cho-den-thang-ba-299015.html