Bao giờ công văn hết làm khổ doanh nghiệp

Chuyện doanh nghiệp khổ sở do các thông tư hướng dẫn của cơ quan này không thống nhất với cơ quan kia, thậm chí không đúng với văn bản pháp luật không phải là lạ.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế của VCCI kể, Hiệp hội Sắn Việt Nam vừa phải có đơn kêu cứu khẩn cấp gửi Thủ tướng cho rằng, ngành sắn đang phải đối mặt với khó khăn rất lớn và có nguy cơ sụp đổ toàn ngành khi Tổng cục Thuế có công văn chỉ đạo dừng hoàn thuế giá trị gia tăng đối với tinh bột sắn.

Đây là việc đang xảy ra, các doanh nghiệp xuất khẩu sắn đang rồng rắn đi kêu cứu khắp các cơ quan. Lý do là tại công văn trên, Tổng cục Thuế chỉ đạo các cục Thuế địa phương xác minh khách hàng nước ngoài, trong khi pháp luật hiện hành về hoàn thuế giá trị gia tăng không có quy định hồ sơ hoàn thuế phải có xác nhận của khách hàng nước ngoài mới đủ điều kiện được hoàn.

Các doanh nghiệp cho biết họ không có nghĩa vụ cũng như năng lực xác minh đối tác nước ngoài khi ký hợp đồng.

Các doanh nghiệp hầu như không thể có ý kiến gì trong quá trình soạn thảo thông tư, cũng như các công văn chỉ đạo, điều hành của các bộ, ngành. Ảnh: Lê Anh Dũng

Các doanh nghiệp hầu như không thể có ý kiến gì trong quá trình soạn thảo thông tư, cũng như các công văn chỉ đạo, điều hành của các bộ, ngành. Ảnh: Lê Anh Dũng

Sự việc vẫn đang được các bên xử lý nhưng cho dù kết quả thế nào, thì việc công văn, chỉ đạo “to” hơn quy định pháp luật, làm khổ doanh nghiệp, thậm chí làm điêu đứng cả một ngành, như trong trường hợp của doanh nghiệp xuất khẩu sắn, diễn ra bao năm qua vẫn còn nguyên.

Ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cảm thấy lo ngại vì “vấn đề không mới” này.

“Bản chất vấn đề này là sự tùy tiện trong cách làm thông tư, cách chỉ đạo bằng các văn bản hành chính của các bộ, ngành, địa phương. Nếu không giải quyết dứt điểm, nếu vẫn tiếp tục vắng bóng Tòa hành chính thì môi trường đầu tư kinh doanh không thể an toàn, không thể chi phí thấp và người kinh doanh sẽ luôn bất an đối mặt với nguy cơ bất cứ lúc nào cũng có thể là sai”, ông Cung thẳng thắn.

Phải nói rõ, với đặc thù của hệ thống văn bản pháp luật của nước ta, phần lớn quy định tại luật, pháp lệnh, nghị định sẽ không thể áp dụng ngay trên thực tế mà phải chờ thông tư hướng dẫn, thậm chí phải giải thích tại các công văn.

Một quy định tốt ở thông tư (hướng dẫn rõ ràng, phù hợp với tinh thần của các quy định tại nghị định, pháp lệnh, luật) sẽ tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng cũng có thể ngược lại.

Vì công văn hướng dẫn nhanh chóng, phù hợp với các quy định của căn bản quy phạm pháp luật sẽ giúp doanh nghiệp nhận biết/hiểu rõ quy định của pháp luật, góp phần đảm bảo sản xuất kinh doanh thông suốt, ngược lại sẽ tạo ra lúng túng, vướng mắc trong áp dụng pháp luật và ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.

Rõ ràng, chất lượng của thông tư, công văn sẽ tác động lớn đến môi trường đầu tư, kinh doanh. Hoạt động cải cách thể chế có hiệu quả hay không một phần phụ thuộc vào chất lượng của các dạng văn bản này.

Nhưng thực tế thời gian qua, hoạt động cải thiện môi trường kinh doanh tập trung nhiều vào các văn bản cấp luật hoặc nghị định, trong khi chất lượng của văn bản hướng dẫn như thông tư, công văn ít được quan tâm hơn.

Nhưng đây lại là văn bản có số lượng áp đảo. Theo thống kê trong 5 năm qua, số lượng thông tư chiếm hơn 68% tổng số lượng văn bản quy phạm pháp luật được ban hành. Tính trung bình, mỗi luật có 6,8 nghị định, 1,8 quyết định của Thủ tướng và có tới 25,8 thông tư, 1,9 thông tư liên tịch hướng dẫn.

Song, các doanh nghiệp hầu như không thể có ý kiến gì trong quá trình soạn thảo thông tư, cũng như các công văn chỉ đạo, điều hành của các bộ, ngành, nên khi có khúc mắc trong thực thi, thường rơi vào tình thế “chờ được vạ thì má đã sưng”.

“Cần có chế tài về trách nhiệm của các cơ quan soạn thảo, nhưng tôi vẫn chờ đợi sự có mặt nhiều hơn của Tòa hành chính, các quy định rộng hơn về quyền khởi kiện của các bên liên quan với các quy định trong thông tư, nghị định chứ không chỉ là công văn hành chính. Đây sẽ là công cụ để người dân, doanh nghiệp bảo vệ lợi ích của mình”, ông Cung đặt vấn đề.

Ông cũng cho rằng, đây là cách căn bản giải quyết tận gốc vấn đề, nếu không, năm nào Báo cáo Dòng chảy pháp luật của VCCI sẽ còn phải nhắc đi nhắc lại những câu chuyện cũ và nỗi khổ của doanh nghiệp thì sẽ ngày càng tăng lên.

Trần Hoàng Anh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/dachieu/bao-gio-cong-van-het-lam-kho-doanh-nghiep-827289.html