Bao giờ doanh nghiệp trong nước mới làm chủ thị trường điện toán đám mây?
Thị trường đầy tiềm năng trong khi doanh nghiệp Việt Nam mới chiếm dưới 20% con số mà người dùng đang chi trả. Như vậy, chúng ta còn khoảng khai thác rộng về thị trường. Tuy nhiên việc các doanh nghiệp trong nước làm chủ thị trường vấn là câu hỏi quá khó trong lúc này.
Chia sẻ tại Tọa đàm chủ đề “Thúc đẩy điện toán đám mây Make in Vietnam”ông diễn ra tại Hà Nội vào chiều ngày 24/11/2020, ông Lê Hoài Nam - Phó Giám đốc Viettel IDC cho biết: Viettel là một trong các doanh nghiệp chủ chốt của nhà nước kinh doanh dịch vụ viễn thông và CNTT. Với dịch vụ điện toán đám mây, thị trường phát triển khá nhanh trong những năm gần đây. Riêng Viettel, tốc độ phát triển của dịch vụ cao gấp đôi bình thường từ 60 đến 80%. Thị trường đầy tiềm năng trong khi doanh nghiệp Việt Nam mới chiếm dưới 20% con số mà người dùng đang chi trả. Như vậy, chúng ta còn khoảng khai thác rộng về thị trường.
Đối với dịch vụ, Việt Nam mới cung cấp chủ yếu dịch vụ hạ tầng điện toán đám mây, còn dịch vụ phần mềm trên nền hạ tầng điện toán đám mây chưa khai thác được nhiều dù mảng này mới đem lại doanh thu và tăng trưởng lớn. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) ứng dụng điện toán đám mây rất nhanh, đặc biệt trong thời dịch bệnh đã bùng nổ dịch vụ trực tuyến. Điện toán đám mây có lợi ích triển khai rất nhanh, đáp ứng nhanh nhu cầu của họ. Đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, có thuận lợi về chính sách nhà nước thúc đẩy, nhu cầu khách hàng bắt đầu hiểu hơn lợi ích của điện toán đám mây và mức độ tin tưởng nhất định với nhà cung cấp trong nước về độ an toàn dữ liệu, chăm sóc, hỗ trợ. Thị trường điện toán đám mây trong thời gian tới hứa hẹn còn nhiều cơ hội để phát triển.
Còn ông Hoàng Anh, Giám đốc Kinh doanh CMC Cloud cho biết, CMC coi thị trường trong nước là trọng tâm phát triển thời gian tới. Chúng ta có hơn 700.000 doanh nghiệp SMEs nhưng số lượng ứng dụng điện toán đám mây còn rất nhỏ. Thị trường hoàn toàn có khả năng phát triển, tăng trưởng đột phá.
Theo ông Tống Mạnh Cường, Giám đốc sản phẩm, Công ty VNPT IT, VNPT thời gian vừa rồi tăng trưởng mạnh phần mềm nhưng không tăng trưởng hạ tầng, có những thời điểm sụt giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện có 2 tập khách hàng sử dụng dịch vụ đám mây, tập thứ nhất giống như người dùng iPhone, Mac, khi có dòng mới ra mọi người sẵn sàng “đặt gạch” mua ngay nhưng tập khách hàng này đã lên dịch vụ đi trước. Tập khách hàng còn lại tương đối lớn chưa được khai phá như các cơ quan. Nhiều đơn vị ngại đi thuê dịch vụ so với việc sử dụng dịch vụ. Tại một số địa bàn, họ chưa mặn mà với việc sử dụng dịch vụ đám mây công cộng. Hi vọng thời gian tới, với các hoạt động thúc đẩy liên minh điện toán đám mây, đẩy nhận thức về đám mây mạnh lên thì khách hàng mới sẵn sàng chuyển đổi lên môi trường công cộng thay vì cá nhân. Các dịch vụ cá nhân chưa thể đáp ứng được lợi ích như dịch vụ đám mây công cộng.
Thị trường điện toán đám mây về tay các doanh nghiệp ngoại
Chia sẻ lý do tại sao các doanh nghiệp trong nước mới chỉ chiếm lĩnh được 20% thị phần dịch vụ đám mây, còn lại 80% thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài, ông Lê Hoài Nam cho hay, nhu cầu điện toán đám mây phải xét đối tượng khách hàng, như SMEs và startup cần công nghệ đáp ứng hầu như đầy đủ những thứ họ cần, họ cần một hệ sinh thái cung cấp đầy đủ các dịch vụ. Song dịch vụ đám mây ở Việt Nam chưa đủ năng lực xây dựng hạ tầng tốt như Amazon. Vì phát triển nhanh, cần nhiều công cụ và môi trường để phát triển phần mềm, nhiều doanh nghiệp thuê ngay dịch vụ đám mây của nước ngoài. Họ chưa phát triển mạnh nên rào cản như đường truyền, chi phí, hỗ trợ kỹ thuật không phải vấn đề lớn nên chấp nhận giai đoạn đầu dùng dịch vụ đám mây nước ngoài.
Lý do thứ hai, với doanh nghiệp lớn như các hãng hàng không chẳng hạn, khi khởi nghiệp hệ thống quản lý, toàn bộ phần mềm mua của nước ngoài. Sau vài năm, họ chuyển dịch dần do bên nước ngoài, khách hàng vào chậm, sự cố lệch giờ và chi phí vận hành của nước ngoài cao nên phải tối ưu cả về trải nghiệm khách hàng và chi phí mới chuyển dần về Việt Nam. Thực tế không doanh nghiệp nào dùng một đám mây mà dùng nhiều hoặc lai ghép vì các hệ ứng dụng của họ phát triển qua nhiều giai đoạn khác nhau. Không thể thuyết phục họ nên chuyển lên hết một nền tảng. Đây là một rào cản. Với hạ tầng đám mây của công ty trong nước, khách hàng dè dặt vì ngoài lợi ích giảm chi phí, tốc độ tăng lên thì vấn đề an toàn như thế nào, support ra sao, trách nhiệm đến đâu; khi gặp sự cố lớn có khả năng khôi phục dữ liệu hoặc giảm tỉ lệ gián đoạn dịch vụ hay không…
Ông Hoàng Anh cũng nhận định rằng, hạ tầng số như cloud ở Việt Nam thua nhà cung cấp nước ngoài, chủ yếu là câu chuyện hệ sinh thái. Bản chất của doanh nghiệp khi muốn đưa toàn bộ dịch vụ lên đám mây thì họ mong muốn có đủ thành phần, tính năng cần thiết để vận hành hệ thống. Việt Nam mạnh nhất phần hạ tầng còn tính năng hạn chế, CMC đang cố gắng khắc phục, đẩy mạnh để tạo ra hệ sinh thái đáp ứng hầu như toàn bộ nhu cầu của doanh nghiệp khi đưa hệ thống CNTT vào vận hành.
“Câu hỏi quá khó”
Vậy bao giờ thì các doanh nghiệp trong nước có thể làm chủ, dẫn dắt thị trường Việt Nam? Ông Lê Hoài Nam cho rằng: Bộ TT&TT và các Cục chuyên ngành đã nhìn ra vấn đề ngay từ đầu cần hỗ trợ doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, hỗ trợ định hướng người dùng. Bằng mọi cách phải làm được, ví dụ trước đây không ai nghĩ mình có thể chế tạo được thiết bị 5G hay hệ thống VOCS ngang tầm quốc tế. Viettel tin rằng, các doanh nghiệp khác cũng sẽ vượt lên chính mình và đi theo luồng động lực hứng khởi ấy.
Về chính sách, chỉ cần nhà nước thay đổi cho phù hợp thực tế, thậm chí trong một quý đã phải có chính sách mới cho doanh nghiệp phát triển. Tư duy chính sách phải như cơm ăn nước uống, liên tục đáp ứng. Chính sách ra đời phải đón đầu, thúc đẩy hơn là để quản. Mục tiêu lớn của câu lạc bộ khi thành lập là các doanh nghiệp hợp nhau lại, vạch ra khó khăn cần giải quyết để cùng đưa lên cơ quan quản lý nhà nước tìm ra giải pháp hữu hiệu: quản lý hiệu quả và giảm thiểu chi phí cho doanh nghiệp. Hi vọng những doanh nghiệp đã đầy đủ thành phần sẽ có tiếng nói hoàn chỉnh hơn cho các cơ quan quản lý hoạch định chính sách.
Ông Tống Mạnh Cường đánh giá: "Đây là câu hỏi quá khó!". Về mặt chính sách, Chính phủ nên có hoạt động thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số thực sự. Đó là cái cầu để đơn vị cung cấp dịch vụ vào. Ví dụ, nếu Chính phủ thực hiện công tác cung cấp Cổng dịch công quốc gia, sẽ có đơn vị cung ứng. Cloud có 3 hình thức: hạ tầng để cõng ứng dụng, dữ liệu… Chính phủ cũng phải xây dựng hạ tầng đám mây của Chính phủ để đưa tất cả dịch vụ lên. Đó cũng là cơ hội của các doanh nghiệp, khi có người dùng, khi có cầu thì cung mới lên được. Cầu chưa có thì cung phải loay hoay. Chính phủ, các bộ ban ngành cần thúc đẩy cho các doanh nghiệp, đặc biệt là khối đơn vị hành chính sự nghiệp công. Ví dụ, các Sở TT&TT là những đơn vị đi đầu chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin triển khai đám mây công cộng. Như thế, doanh nghiệp mới có đất để diễn.
Bổ sung thêm về vấn đề chính sách, theo ông Bùi Hoàng Anh: các chính sách của Chính phủ cần theo hướng thúc đẩy hỗ trợ nhiều hơn là quản lý, kèm theo quyết tâm chuyển mình thật sự của các bộ ban ngành thì doanh nghiệp phía dưới dễ làm hơn.
Ở góc độ chính sách, theo ông Vũ Thế Bình, Tổng thư ký Hiệp hội Internet (VIA), tiêu chí tiêu chuẩn kỹ thuật rõ ràng và khả thi là điều rất tốt. Nhưng quan trọng là kích cầu, các cơ quan, hộ tiêu dùng có chính sách chuyển đổi sang đám mây, có ưu tiên sử dụng dịch vụ giải pháp của doanh nghiệp trong nước hay không. Phải tạo niềm tin cho các doanh nghiệp, bởi doanh nghiệp chỉ thấy thương hiệu lớn thì dùng chứ không quá quan tâm dịch vụ của nước ngoài hay trong nước. Đây là những giải pháp giúp bước đầu nâng cao năng lực tự chủ điện toán đám mây cho Việt Nam.