Bao giờ đường Nguyễn Trãi nối dài thi công hoàn thành?
Đường Nguyễn Trãi nối dài, đoạn từ Quốc lộ 9 đến đường Trần Bình Trọng, thuộc địa bàn Khu phố 7, Phường 3, TP. Đông Hà được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch từ tháng 6/1999. Hơn 24 năm trôi qua nhưng đoạn đường dài chỉ hơn 472 m này đến nay vẫn còn dang dở, ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân cũng như trật tự, mỹ quan đô thị.
Hơn 20 năm sống với quy hoạch “treo”
Từ tháng 6/1999 đến năm 2021, thời điểm các cơ quan chức năng thực hiện công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) phục vụ thi công đường Nguyễn Trãi nối dài, cuộc sống của người dân trong vùng quy hoạch con đường này bị ảnh hưởng nặng nề.
Tổ trưởng Tổ dân phố 5A, Khu phố 7, Phường 3 Hoàng Đại Lý kể: Sau khi có thông báo của chính quyền về quy hoạch, người dân rất phấn khởi, đồng thuận, sẵn sàng cho công tác GPMB để triển khai dự án. Năm 2001, người dân được mời dự họp bàn công tác GPMB để chuẩn bị thực hiện dự án. Sau đó, cơ quan chức năng tiến hành đo vẽ, cắm mốc.
Sau nhiều năm không động tĩnh, đến khoảng năm 2011, người dân được mời họp lần hai để xác định, thống nhất tài sản trên đất. Đầu năm 2017, cơ quan chức năng thành phố lại một lần nữa đến cắm mốc, nắn đường và sơn đỏ cọc tiêu rồi đi và bà con lại tiếp tục chờ đợi...“Nghe Nhà nước mở đường ai cũng vui mừng nhưng quy hoạch xong rồi... để đó hơn 20 năm thì đúng là dân rất khổ”, ông Lý nói.
Gia đình ông Nguyễn Văn Cơ (60 tuổi) gồm 10 người, ba thế hệ tá túc trong căn nhà tập thể hai gian rộng hơn 100 m2 . Hơn 20 năm qua, gia đình ông rất cực khổ khi nhà ngày càng xuống cấp mà không thể sửa chữa, xây dựng mới.
“Tôi trước đây là công nhân Công ty C và được công ty hóa giá lại căn nhà tập thể này. Khu tập thể được xây dựng từ mấy chục năm trước nên hư hỏng trầm trọng. Nhà ở trong khu quy hoạch nên từ năm 1999 đến nay tôi chỉ cải tạo nhỏ phần mái để chống mưa dột còn các hạng mục khác xuống cấp thì đành chịu. Nhà chật hẹp, thấp trũng nên bức bí khi trời nắng, ngập nước đọng, bốc mùi hôi thối khi trời mưa nhưng không biết làm thế nào...”, ông Cơ nói.
Sống trong dãy nhà tập thể này, nhiều hộ cũng chịu cảnh giống ông Cơ. Không chịu nổi cảnh nhà cửa xuống cấp trầm trọng, lo lắng cho sự an toàn, sức khỏe một số người phải đi nơi khác thuê nhà ở... Người dân đã rất nhiều lần kiến nghị chính quyền và phản ánh ý kiến tại các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp. Vậy nhưng, sự vào cuộc giải quyết nguyện vọng người dân lại kéo dài hết năm này sang năm khác...
Từ khi công trình đường Nguyễn Trãi nối dài thực hiện công tác GPMB, triển khai thi công đến nay, trong 28 hộ dân bị ảnh hưởng, các cơ quan chức năng của TP. Đông Hà đã hoàn thành công tác bồi thường, bố trí tái định cư cho 24 hộ, còn 4 hộ đang chờ hoàn thiện các thủ tục để giao đất tái định cư.
“Cán bộ nói với tôi là thủ tục giao đất sẽ sớm hoàn thiện nhưng từ tháng 4/2023 đến nay vẫn chưa xong trong khi nhà ở đã xuống cấp rất trầm trọng, mùa mưa bão đã cận kề”, ông Nguyễn Văn Cơ ngao ngán nói.
Đường Nguyễn Trãi nối dài thi công dang dở
Công trình đường Nguyễn Trãi nối dài đã được UBND tỉnh phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật từ đầu năm 2011 với tổng mức đầu tư trên 7,6 tỉ đồng, nguồn vốn ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu. Thời gian thực hiện dự án năm 2011.
Tuy nhiên, sau đó trung ương không bố trí vốn nên chủ đầu tư mới triển khai được một số công việc (tổng giá trị khối lượng thực hiện được nghiệm thu trên 804 triệu đồng, đã giải ngân trên 732 triệu đồng từ nguồn ngân sách tỉnh và thành phố). Sau đó, dự án tạm dừng thực hiện từ năm 2013.
Ngày 29/12/2020, UBND thành phố Đông Hà ban hành Quyết định số 3000/QĐ-UBND phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng công trình đường Nguyễn Trãi nối dài với phạm vi, quy mô, tổng mức đầu tư có nhiều thay đổi so với dự án cũ để đầu tư thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2023.
Cụ thể, công trình này có tổng chiều dài 472,43 m, rộng 16 m, mặt đường 8 m, vỉa hè mỗi bên 4 m cùng các hạng mục phụ trợ..., tổng mức đầu tư 24 tỉ đồng, trong đó chi phí bồi thường, GPMB (tạm tính) trên 15,46 tỉ đồng; chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án (QLDA) đầu tư xây dựng thành phố Đông Hà; nguồn vốn đầu tư từ ngân sách tỉnh và thành phố.
Đến ngày 6/4/2022, UBND thành phố Đông Hà ban hành Quyết định số 634/QĐ-UBND về phê duyệt điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi dự án này với quy mô thiết kế không đổi nhưng tổng mức đầu tư tăng lên 44 tỉ đồng, trong đó chi phí GPMB trên 35,46 tỉ đồng. Nguồn vốn đầu tư từ ngân sách tỉnh 17 tỉ đồng, ngân sách thành phố 27 tỉ đồng. Lý do điều chỉnh là tính toán lại chi phí GPMB phù hợp với thực tế hiện trạng khu vực. Xác định lại khối lượng bồi thường GPMB, điều chỉnh hệ số giá đất cụ thể do giá cả thị trường chuyển nhượng, đấu giá đất nhiều biến động tăng so với các năm trước.
Có mặt tại công trình đường Nguyễn Trãi nối dài vào đầu tháng 9/2023, phóng viên nhận thấy phần mặt đường thi công dang dở, ngổn ngang đất đá, ống cống, ống nước; đoạn gần giữa chiều dài của đường vẫn chưa được GPMB; riêng từ đoạn đấu nối với Quốc lộ 9 vào khoảng 150 m đã được rải đá dăm... Mặc dù vậy, trên toàn tuyến không có biển báo, cọc tiêu cảnh báo, đảm bảo an toàn cho việc đi lại của người dân.
“Công trình này thi công rất ì ạch rồi nhà thầu rút hết máy móc, nhân lực và đến nay thì mọi thứ dường như “án binh bất động”. Đường thi công dang dở ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt, sinh kế của người dân cũng như làm mất mỹ quan đô thị. Mong muốn của người dân là các cơ quan chức năng cần gấp rút giải quyết các khó khăn, vướng mắc để sớm thi công hoàn thành con đường này”, Khu phố trưởng Khu phố 7, Phường 3 Trần Văn Toàn nói.
Tìm hiểu vấn đề này tại Ban QLDA đầu tư xây dựng thành phố Đông Hà, phóng viên được biết, sau khi được bàn giao mặt bằng đợt 1 vào giữa tháng 10/2022, Công ty Cổ phần Xây dựng tổng hợp Quảng Trị đã triển khai thi công hạng mục san nền và thi công hệ thống thoát nước dọc công trình đường Nguyễn Trãi nối dài. Từ tháng 6/2023 đến nay, công trình ngừng thi công.
“Nguyên nhân là do còn 4 hộ gia đình chưa hoàn thiện các thủ tục để giao đất tái định cư. Hiện, Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố đang lập phương án giao đất tái định cư đối với 4 hộ gia đình này để tham mưu UBND thành phố quyết định. Bên cạnh đó, việc đấu nối đường Nguyễn Trãi nối dài với Quốc lộ 9 phải có ý kiến của Khu Quản lý đường bộ II nên UBND thành phố, Sở Giao thông vận tải đã có văn bản, hồ sơ gửi đơn vị này đề nghị giải quyết theo quy định. Khi hoàn thành những việc này, đường Nguyễn Trãi nối dài sẽ thi công trở lại”, Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng thành phố Đông Hà Thái Vĩnh Hải cho hay.
Trả lời câu hỏi của phóng viên thời điểm nào những vấn đề trên sẽ được giải quyết, ông Thái Vĩnh Hải cho biết: đối với việc giao đất tái định cư cho 4 hộ dự kiến hoàn thành vào đầu tháng 10/2023, còn việc đồng ý chủ trương cho đấu nối đường Nguyễn Trãi nối dài với Quốc lộ 9 thì chưa biết lúc nào vì phụ thuộc vào Khu Quản lý đường bộ II.
Cũng cần phải nói thêm rằng, không chỉ công trình đường Nguyễn Trãi nối dài, trên địa bàn Đông Hà hiện có không ít công trình hạ tầng giao thông do tỉnh, thành phố đầu tư qua rất nhiều năm thi công nhưng vẫn còn dang dở, chưa biết bao giờ mới hoàn thành. Thực tế này làm lãng phí nguồn lực đầu tư của Nhà nước, gây bức xúc trong Nhân dân và mất trật tự, mỹ quan đô thị.
Nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng này là do quá trình chuẩn bị đầu tư không kỹ lưỡng, thiếu bài bản, chưa sát với thực tế; không lường trước được các khó khăn, vướng mắc có thể phát sinh, nhất là công tác GPMB; công tác thẩm định kinh nghiệm, năng lực nhà thầu thi công hạn chế, chưa sâu sát. Năng lực quản lý, điều hành, ý thức, trách nhiệm trong triển khai thực hiện của chủ đầu tư chưa cao.