Bao giờ hết cảnh 'đào đường đón Tết'?
Cứ vào dịp cuối năm, người dân tại nhiều địa phương ở TPHCM lại phải đối mặt với tình trạng đường sá bị đào xới, vỉa hè ngổn ngang để phục vụ việc sửa chữa, nâng cấp. Điều này gây ra không ít bức xúc, ảnh hưởng đến sinh hoạt và giao thông của người dân.
Vậy các Sở ngành thành phố đã có những biện pháp nào nhằm hạn chế đào đường, rào chắn từ những công trình hiện hữu ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân?
Ghi nhận tại các tuyến đường trung tâm TP. HCM như Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Phùng Văn Cung... không khí thi công diễn ra hết sức khẩn trương. Vỉa hè bị đục phá, gạch đá ngổn ngang, khiến việc đi lại của người đi bộ gặp nhiều khó khăn.
Nhiều hàng quán buôn bán hai bên đường cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng do bụi bặm, mất mỹ quan.
Tình trạng này cũng diễn ra tương tự ở các quận vùng ven như Thủ Đức, Bình Tân, Gò Vấp... Các tuyến đường huyết mạch như Nguyễn Duy Trinh, Tỉnh Lộ 10... cũng đang trong quá trình "thay áo mới". Điều này gây ra tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng, đặc biệt là vào giờ cao điểm.
Nhiều người dân bày tỏ sự bức xúc: "Xe cộ đi rất là nguy hiểm, xe té lên té xuống. Bây giờ người ta làm ăn sao, người ta nhờ cuối năm để buôn bán kím ăn thôi mà bây giờ mặt đường, bụi bặm vậy sao bắn."
"Ảnh hưởng nhiều từ việc đi lại rồi buôn bán. Tôi nghe nói là tết tây là ổn ổn xíu mà tết tây mới xong, mà tôi không biết là 29 hay mùng 1 tết chúng tôi mới có mặt bằng trở lại."
"Khi sửa chữa vỉa hè thì ảnh hưởng người đi bộ, mà sửa đường thì ảnh hưởng đến giao thông."
Không chỉ những công trình mới phát sinh mà cả những công trình thi công nhiều năm qua vẫn chưa thể về đích cũng khiến nhiều người bức xúc. Vào mỗi khung giờ cao điểm nút giao An Phú (Tp Thủ Đức) lại trở thành điểm nóng khi dòng xe cộ lưu thông bị bó hẹp bởi rào chắn công trình.
Trong khi đó cầu Tân Kỳ Tân Quý (Quận Bình Tân) cũng rơi vào tình cảnh tương tự khi rào chắn công trình vẫn án ngữ trong suốt thời gian dài. Anh Dũng (ngụ tại quận Bình Tân) cũng bày tỏ sự bất bình: "Những giờ cao điểm thì có xe tải xe lớn họ đi, thêm vào đó là công nhân họ đi nữa nên kẹt xe nhiều. Mong muốn chung là nếu như có cầu hoàn thành thì đi thuận tiện rồi tốt hơn chứ."
Trước những bức xúc của người dân, ông Trần Võ Anh Minh, Phó Trưởng Phòng Quản lý hạ tầng kỹ thuật phương tiện giao thông và ứng dụng khoa học công nghệ, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cho biết, việc thi công các công trình hạ tầng giao thông vào cuối năm là do nhiều yếu tố khách quan, như: khối lượng công việc lớn, thời tiết thuận lợi cho thi công vào mùa khô…
Tuy nhiên, theo ông Trần Võ Anh Minh, Sở GTVT cũng khẳng định đang nỗ lực để hạn chế tối đa việc đào đường vào dịp cuối năm, bằng nhiều giải pháp: “Để hạn chế việc đào đường, rào chắn công trình thi công dịp cuối năm, Đặc biệt dịp lễ tết, Sở GTVT đã có nhiều giải pháp cụ thể như việc quản lý chặc chẽ việc cấp phép thi công. Trước các dịp lễ tết từ 7 đến 10 ngày Sở GTVT đều có thông báo tạm ngưng đào đường để các đơn vị chủ động dọn dẹp vệ sinh, hoàn trả mặt bằng và thu gọn rào chắn thi công.
Đối với các công trình trọng điểm thì phải có kế hoạch tồn tại rào chắn thi công xuyên tết phải có văn bản báo cáo Sở GTVT sau đó sở sẽ đi kiểm tra cụ thể từng trường hợp mới được phép tháo dỡ, thu gọn rào chắn”.
Có thể thấy, việc sửa chữa, nâng cấp hạ tầng giao thông là cần thiết, tuy nhiên, việc tập trung thi công vào thời điểm cuối năm, khi nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân tăng cao, đã gây ra nhiều bức xúc.
Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa, lựa chọn thời điểm thi công hợp lý, đẩy nhanh tiến độ và có biện pháp giảm thiểu tối đa sự ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/bao-gio-het-canh-dao-duong-don-tet-post1145746.vov