Bao giờ học sinh được đồng loạt đến trường?

'Thay vì phong tỏa toàn trường trong thời gian dài, thì chỉ nên phong tỏa lớp học, tầng học, tòa nhà khi xuất hiện học sinh là F0', Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nêu quan điểm.

Nhiều địa phương thay đổi phương án đến trường

Hiện tại, thực tế diễn ra tại nhiều địa phương, khi trường có học sinh là F0 đã cho toàn bộ học sinh các cấp từ mầm non đến THPT trên địa bàn tạm thời nghỉ học cho đến khi có thông báo mới.

Vì vậy, nhiều tỉnh thành thay đổi phương án dạy học, chuyển từ trực tiếp sang trực tuyến và ngược lại để thích ứng với tình hình dịch.

Tại Đà Nẵng, các trường học cấp độ dịch ở cấp độ 1 và 2 được dạy học trực tiếp; ở cấp độ 3 dạy học trực tiếp kết hợp với dạy học trực tuyến; ở cấp độ 4 không được tổ chức dạy và học trực tiếp, chỉ tổ chức dạy học trực tuyến.

Đối với học sinh ở tại địa bàn cấp độ 3, 4 (cấp xã, phường) và vùng cách ly y tế trên địa bàn thành phố Đà Nẵng không được tham gia hoạt động dạy học trực tiếp.

Tại Tiền Giang, học sinh khối lớp 9 và 12 trên địa bàn huyện Tân Phú Đông trở lại trường từ ngày 8/11.

Tại Hải Phòng, sáng 8/11, 3 trường trên địa bàn huyện Kiến An là THPT Trần Hưng Đạo, THPT An Lão, THCS An Tiến cho học sinh nghỉ học, chuyển sang dạy học trực tuyến do có trường hợp F0, F1, F2.

Quận Kiến An cũng tạm thời cho học sinh các trường, cơ sở giáo dục trên địa bàn tạm thời nghỉ học từ 8/1 đến khi có thông báo mới. Trường THCS Hồng Bàng, quận Hồng Bàng, thông báo cho học sinh tạm dừng đến trường. Trường chuyển sang dạy học trực tuyến từ 9/11.

Tại Hải Dương, từ 8/11, học sinh các cấp ở thành phố Hải Dương chuyển sang học online, trẻ mầm non nghỉ học. Cùng ngày, học sinh các trường mầm non, tiểu học, THCS ở xã Bình Xuyên, huyện Bình Giang, và xã Cẩm Hoàng (Cẩm Giàng) trở lại trường sau thời gian tạm dừng đến lớp.

UBND tỉnh Nam Định ra công văn về việc thực hiện biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn các huyện Ý Yên, Nam Trực, Giao Thủy, Mỹ Lộc.

Theo đó, tất cả cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS, THPT công lập và ngoài công lập, trung tâm ngoại ngữ trên địa bàn 4 huyện này tạm dừng đến trường, chuyển sang dạy học trực tuyến đến khi có thông báo mới...

Ông Dương Trí Dũng, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết, thành phố đã ban hành quy chế an toàn trường học để thực hiện. Sở cũng đã có hướng dẫn các trường thực hiện công tác đảm bảo an toàn cho học sinh khi mở cửa trường trong thời gian tới.

Hiện các trường học, cơ sở giáo dục cũng đã sẵn sàng để đón học sinh đi học trở lại. Dù vậy, khi cho học sinh đi học trở lại, ông Dũng kiến nghị với Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT cần có hướng dẫn cụ thể đối với việc xử lý khi phát hiện các trường hợp F0, F1, F2… trong lớp học.

Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cũng cho biết, diễn biến dịch COVID-19 trên địa bàn Hà Nội đã thay đổi, số ca mắc trong những ngày gần đây tăng nhiều lần so với khi xây dựng kế hoạch nên phải điều chỉnh để bảo vệ an toàn sức khỏe cho học sinh.

Vì vậy, ở Hà Nội chỉ duy nhất một số trường học của huyện Ba Vì được đi học trực tiếp trở lại từ ngày 8/11, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho hay, việc mở lại trường học duy nhất tại huyện Ba Vì do địa phương này có độ an toàn cao hơn các quận, huyện, thị xã khác của thành phố.

"Thành ủy, UBND thành phố đã thống nhất cao về sự cần thiết đối với việc cho học sinh trở lại trường học. Hà Nội sẽ mở lại toàn bộ hệ thống giáo dục và đào tạo nhưng cách làm là đi từng bước để bảo đảm an toàn cao nhất cho trẻ em", ông Cương cho hay.

Sẽ không chờ tiêm vắc xin mới cho trẻ đến trường?

Chất vấn Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, sáng 10/11, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) nêu vấn đề ở thành phố, người lớn đã đi làm nhưng trẻ em chưa được đến trường.

Bà Thủy đặt câu hỏi, liệu có sự thận trọng quá mức cần thiết khiến trẻ em gặp thiệt thòi do phải học trực tuyến nhiều tháng nay, gây khó khăn cho gia đình có trẻ nhỏ học ở nhà?.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị các địa phương không vì lo lắng dịch bệnh quá mà hạn chế việc học tập trực tiếp và không thể đợi chờ vắc xin mới cho trẻ đến trường.

Ông Long đề nghị, các địa phương không vì lo lắng quá về dịch bệnh mà hạn chế việc học tập trực tiếp, nhất là với trẻ em đầu cấp như lớp 1.

Ông cũng cho biết, bộ đã có hướng dẫn đối với trường học để vừa cho học sinh đến lớp vừa đảm bảo các biện pháp về phòng, chống dịch COVID-19.

Phát hiện F0 có nghỉ học toàn trường?

Tại Hội nghị triển khai công tác đảm bảo an toàn phòng chống dịch trong cơ sở giáo dục đào tạo do Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Y tế tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, hiện 105/134 quốc gia mở cửa trường học, thích nghi với dịch COVID-19.

Do đó, các địa phương ở nước ta cần linh hoạt trong việc quyết định cho học sinh trở lại trường, căn cứ vào cấp độ dịch của các địa bàn cấp tỉnh, huyện, thậm chí đến từng đơn vị cấp xã.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Y tế, học sinh đi học trở lại, nếu trường học xuất hiện F0, thì cần lập tức khoanh vùng, sàng lọc F0, F1 và tổ chức cách ly tại nhà hoặc tập trung với các đối tượng này.

“Tuy nhiên, thay vì thực hiện phong tỏa toàn trường trong thời gian dài, thì chỉ nên phong tỏa lớp học, tầng học, tòa nhà có F0. Sau 24h khử khuẩn, vệ sinh lớp học, tầng học, tòa nhà đó, nhà trường có thể tổ chức hoạt động tại khu vực này", Thứ trưởng Tuyên nhấn mạnh.

Ông Tuyên cũng đề nghị Sở Y tế, Sở GD&ĐT các địa phương rà soát lại, yêu cầu các trường xây dựng kế hoạch phòng chống dịch trong tình hình hiện nay.

Đỗ Hợp

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/bao-gio-hoc-sinh-duoc-dong-loat-den-truong-post1391952.tpo