Bao giờ khách Việt Nam thoải mái trả tiền bằng mã QR ở nước ngoài?

Rất ít du khách Việt biết rằng họ có thể thanh toán bằng tiền đồng qua quét mã QR tại khoảng tám triệu điểm chấp nhận thanh toán tại Thái Lan. Các tiện ích sẽ được mở rộng hơn khi Việt Nam tham gia dự án thanh toán xuyên biên giới đang được chuẩn bị triển khai ở sáu nước ASEAN trong năm nay.

Khách Việt có thể quét mã QR để trả tiền tại 8 triệu điểm thanh toán ở Thái Lan. Ảnh: Somchai Nguyễn

Khách Việt có thể quét mã QR để trả tiền tại 8 triệu điểm thanh toán ở Thái Lan. Ảnh: Somchai Nguyễn

Kết nối thanh toán bán lẻ sử dụng mã QR giữa Việt Nam và Thái Lan chính thức hình thành cuối tháng 3-2021. Đây là một phần trong khuôn khổ hợp tác giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Thái Lan với Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) và Công ty Chuyển mạch Thái Lan (NITMX) làm trung gian liên thông.

Tốc độ mở rộng chậm

Hiện có 40 ngân hàng Việt Nam liên kết thanh toán mã QR. Nhưng chỉ khoảng 10 ngân hàng cung cấp dịch vụ thanh toán xuyên biên giới qua mã QR tại Thái Lan do triển khai theo tốc độ của dự án song phương.

TPBank là ngân hàng Việt Nam đầu tiên “đưa dịch vụ ngân hàng số ra khỏi biên giới Việt Nam” – như lời của Tổng giám đốc TPBank Nguyễn Hưng phát biểu khi khai trương cuối tháng 3-2021. Những ngày đầu, với mã QR qua ứng dụng TPBank Quickpay, du khách Việt có thể thanh toán trực tiếp bằng tiền đồng tại các điểm thanh toán của Bangkok Bank. Tỷ giá chuyển đổi trực tiếp từ đồng baht Thái sang tiền đồng mềm hơn so với việc dùng đô la làm trung gian thanh toán.

Ngược lại, du khách Thái có thể dùng ứng dụng của Bangkok Bank quét mã VietQR để thanh toán bằng tiền baht cho hàng hóa, dịch vụ tại các điểm chấp nhận thanh toán của TPBank tại Việt Nam.

Giai đoạn đầu của dự án, chỉ có năm ngân hàng Việt Nam tham gia, gồm TPBank, BIDV, Sacombank, VietinBank và Vietcombank. Các ngân hàng Thái Lan gồm có: Bangkok Bank, Siam Commercial Bank, Kasikorn, Bank of Ayudhya và Krung Thai Bank. Đến nay, số ngân hàng thương mại và số điểm tiếp nhận tại hai nước đã được mở rộng.

Hiện du khách Việt Nam có thể quét mã QR tại gần 8 triệu điểm chấp nhận thanh toán tại các điểm tham quan, trung tâm mua sắm ở Thái Lan – theo thông cáo của Nam Á Bank. Ngân hàng này nói hạn mức giao dịch trong ngày lên đến 50 triệu đồng. Phí giao dịch là 0,2% giá trị quy đổi, tối thiểu là 5.000 đồng/lần, chưa thuế VAT.

Thái Lan hiện là điểm du lịch được chuộng nhất hay phổ biến nhất với người Việt Nam với khoảng hơn một triệu lượt khách trong năm 2019. Năm nay, lượng khách Việt đến Thái Lan tuy không nhiều như trước, song tính đến giữa tháng 5 vừa qua vẫn đứng top 6 trong lượng khách quốc tế đến xứ chùa vàng với hơn 84.000 lượt khách.

So với thanh toán bằng tiền mặt và thẻ tín dụng, thỏa thuận thanh toán bằng mã QR không biên giới Việt Nam – Thái Lan tạo nhiều thuận lợi cho du khách và người bán lẻ tại hai nước.

Đối với du khách Việt, đó là sự an toàn và thuận tiện. Khách không phải ra ngân hàng để đổi sang đô la Mỹ hay baht Thái với số lượng khá hạn chế, hoặc gặp rủi ro hơn khi mua ngoại tệ ở các tiệm vàng. Kế đến là tiết kiệm phí chuyển đổi ngoại tệ. Cuối cùng là hạn mức quét QR 50 triệu đồng là khá hợp lý, dù rằng thấp hơn nhiều so với hạn mức QR trong nước là 500 triệu đồng/giao dịch và mức tối đa của ví điện tử là 20 triệu đồng mỗi ngày hoặc 100 triệu đồng mỗi tháng.

Càng mở rộng càng phức tạp

Các tiện ích thanh toán bằng mã QR cũng được mở rộng hơn vào cuối năm nay khi Việt Nam dự kiến cùng với Singapore và Philippines gia nhập mạng lưới thanh toán xuyên biên giới trong khu vực có tên ASEAN QR Code. Hiện chỉ có Malaysia, Indonesia và Thái Lan kết nối trong hệ thống khu vực này.

Pandu Patria Sjahrir, người đứng đầu nhóm làm việc của Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN về hệ thống thanh toán khu vực, nói với Nikkei Asia rằng: “Mã QR ASEAN sẽ giúp hệ thống thanh toán liền mạch hơn. Các chuyên gia ngân hàng Indonesia ước tính sử dụng mã QR giảm chi phí giao dịch lên tới 30%”.

Các chuyên gia công nghệ thanh toán cũng nói với Kinh tế Sài Gòn rằng việc kết nối với từng nước trong khu vực ASEAN và hệ thống chung của khu vực cần thời gian. Họ giải thích rằng phải mất một thời gian dài để thảo luận khung pháp lý song phương và triển khai hợp tác.

Phó tổng giám đốc Napas Nguyễn Đăng Hùng nói rằng tiêu chuẩn VietQR do Napas và các ngân hàng trong nước triển khai không chỉ tuân thủ tiêu chuẩn cơ sở về mã QR của Ngân hàng Nhà nước mà còn phù hợp với tiêu chuẩn thẻ chip quốc tế EMV (do ba tổ chức thanh toán thẻ Europay, Mastercard và Visa thiết lập). Khi sử dụng thẻ chip EMV tại một thiết bị đọc thẻ, thẻ sẽ tạo ra một chuỗi mã hóa duy nhất chỉ dành riêng cho giao dịch đó. Vì thế, khả năng chống gian lận rất cao.

Nhưng việc hình thành mạng lưới thanh toán đa quốc gia ở ASEAN không đơn giản, nhất là về mặt công nghệ bên cạnh vấn đề pháp lý đa phương.

Chuyên gia Andrew McCormack từ trung tâm BIS Innovation Hub thuộc Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), giải thích rằng trên toàn cầu có rất nhiều sáng kiến kết nối hệ thống thanh toán giữa các nước. Tuy vậy, phần lớn đều là những kết nối song phương. Chẳng hạn, trong khu vực ASEAN hiện có các thỏa thuận song phương, như Campuchia – Thái Lan, Malaysia – Singapore hay Malaysia – Indonesia. Các thỏa thuận song phương này triển khai chậm từ một đến hai năm so với thỏa thuận Việt Nam – Thái Lan.

McCormack nói các kết nối song phương rất khó để mở rộng. Bởi mỗi một kết nối đều yêu cầu hai bên có những cuộc đàm phán pháp lý phức tạp và cần một dự án kỹ thuật riêng để tích hợp hạ tầng thanh toán.

Mô hình sẽ ngày càng trở nên phức tạp hơn nếu có thêm thành viên tham gia. Chẳng hạn kết nối đa phương đầu tiên ở ASEAN được lập giữa Malaysia, Indonesia và Thái Lan. “Nếu có ba quốc gia, bạn cần ba liên kết. Nếu có bốn quốc gia, bạn cần sáu liên kết. Và nếu có năm quốc gia, bạn cần đến 10 liên kết. Mức độ phức tạp sẽ tăng lên theo hướng phi tuyến tính”, ông McCormack nhấn mạnh.

Tuy nhiên, hiện có năm nước Đông Nam Á – gồm Indonesia, Thái Lan, Singapore, Malaysia và Philippines – đã tham gia hệ thống thanh toán đa phương Nexus của BIS. Nexus sẽ tiêu chuẩn hóa các các hệ thống thanh toán nội địa tức thì (IPSs) của mỗi nước và cho phép các hệ thống IPS kết nối với nhau thông qua một cổng Nexus Gateways.

Dự án Nexus được triển khai trong năm 2022 và được ngân hàng trung ương của năm nước trên ủng hộ nhằm thiết lập các liên kết thanh toán giữa năm nền kinh tế lớn nhất ASEAN trong giai đoạn 2022-2025. Trang mạng của BIS nói trong tương lai gần, các khoản thanh toán liền mạch theo thời gian thực có thể sẽ được triển khai rộng rãi hơn trên toàn khu vực.

Như vậy, khả năng Việt Nam sớm trở thành thành viên thứ sáu là có, nhưng thời điểm khi nào là chưa rõ.

Chẳng hạn, từ 2017, ứng dụng của Grab chỉ dùng ví Moca và Moca ban đầu chỉ kết nối chưa đến 10 ngân hàng. Từ tháng 3-2023, Grab chính thức hợp tác với ZaloPay.

Trước sự lấn át của các ví AliPay và WeChatPay trong làn sóng “tour 0 đồng” của khách Trung Quốc trước 2019, các ngân hàng và các ví điện tử tại Việt Nam chỉ nghĩ đến làm “đại lý” cho hai gã khổng lồ trên, mà không chịu hợp sức. Các nhà phân tích đang mong chờ vai trò kết nối lớn hơn của Napas trong việc tham gia ASEAN QR Code trong khu vực và trở thành đối tác với gã khổng lồ toàn cầu như AliPay, WeChatPay…

Ricky Hồ

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/bao-gio-khach-viet-nam-thoai-mai-tra-tien-bang-ma-qr-o-nuoc-ngoai/