Bao giờ miền Bắc hết rét, miền Nam hết mưa trái mùa?

Thiên tai năm nay đến sớm, từ tháng 2 trên Biển Đông đã có áp thấp nhiệt đới, hiện mưa trái mùa đang hoạt động trên diện rộng ở Nam Trung bộ, Nam bộ và Tây Nguyên. Ở phía Bắc, trời rét đậm, mưa buốt cả ngày.

Miền Bắc rét đậm, mưa gió kéo dài

Ngày 25-2, Hà Nội và các tỉnh miền Bắc chìm trong mưa lạnh suốt cả ngày, nhiệt độ giảm sâu xuống chỉ còn 13 độ C do nằm sâu trong tâm khối không khí lạnh ẩm ướt. Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia liên tục cảnh báo, qua theo dõi hình ảnh vệ tinh và radar thời tiết, có lớp mây dày đặc bao phủ toàn bộ miền Bắc, gây mưa tầm tã.

 Dải mây lớn bao trùm miền Bắc đến chiều tối 25-2 chưa tan. Ảnh: WINDY

Dải mây lớn bao trùm miền Bắc đến chiều tối 25-2 chưa tan. Ảnh: WINDY

Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết (Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia) nhận định mưa rét ở phía Bắc sẽ tiếp diễn đến hết đêm 25-2 và sáng 26-2. Tuy nhiên, từ trưa và chiều 26-2, mưa sẽ giảm dần, nhiệt độ bắt đầu tăng lên. Đến ngày 27-2, miền Bắc có khả năng đón nắng vào buổi trưa và chiều, thời tiết ấm dần trở lại.

 Mưa gió, rét buốt và tắc đường ở Hà Nội

Mưa gió, rét buốt và tắc đường ở Hà Nội

Liên quan tình trạng nồm ẩm kéo dài, ông Hưởng cho biết, hiện tượng này có thể còn tiếp diễn đến hết tháng 3. Sang tháng 4, khi không khí lạnh giảm tác động và áp thấp phía Tây hoạt động mạnh hơn, tình trạng nồm mới có thể kết thúc hoàn toàn.

Mưa trái mùa đang gây thiệt hại tại nhiều khu vực

Vào thời điểm này hàng năm, thời tiết ở miền Nam thường khô ráo, thậm chí nắng nóng với nền nhiệt cao đặc trưng của mùa khô. Tuy nhiên, năm nay, các diễn biến khí tượng lại hoàn toàn khác biệt. Từ giữa tháng 2, TPHCM và nhiều tỉnh ở Nam bộ bất ngờ hứng chịu những cơn mưa lớn, với lượng mưa vượt xa các kỷ lục trước đó từ 2 đến 3 lần.

Miền Trung cũng đang trải qua những ngày mưa kéo dài, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân. Tại khu vực Nam Trung bộ, mưa lớn giữa cao điểm mùa khô đã khiến nhiều cánh đồng lúa và sắn chìm trong nước, gây thiệt hại nghiêm trọng. Trong khi đó, Tây Nguyên - vùng đất vốn quen với cái nắng gay gắt vào thời gian này lại liên tục hứng chịu những trận mưa dầm kéo dài.

 Mưa trái mùa gây ngập úng ở Bình Định và khu vực Nam Trung bộ

Mưa trái mùa gây ngập úng ở Bình Định và khu vực Nam Trung bộ

Dự báo, mưa trái mùa sẽ tiếp diễn ở Trung Trung bộ và Nam Trung bộ. Các chuyên gia thời tiết lý giải, nguyên nhân của đợt mưa bất thường này có thể là do áp thấp nhiệt đới xuất hiện quá sớm ngay từ đầu năm 2025 đã làm gián đoạn hệ thống áp cao cận nhiệt đới, tạo ra những vùng nhiễu động khí quyển kéo dài hơn bình thường.

Còn theo chuyên gia khí tượng Lê Thị Xuân Lan, lượng mưa ghi nhận tại miền Trung và Tây Nguyên trong thời gian qua đã đạt mức kỷ lục, một hiện tượng rất hiếm gặp vào tháng 2. Trước đó, khu vực Nam bộ cũng từng trải qua những trận mưa bất thường. Nguyên nhân sâu xa được cho là do La Nina xuất hiện muộn. Dù không quá mạnh, hiện tượng này vẫn gây ra sự xáo trộn lớn trong thời tiết toàn cầu, từ châu Âu đến châu Mỹ, châu Phi và châu Á.

Theo dữ liệu từ Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, từ nay đến ngày 20-3, dải thấp xích đạo có xu hướng gia tăng cường độ, tác động mạnh đến các tỉnh phía Nam. Do đó, Trung bộ và Nam bộ có thể tiếp tục xuất hiện các đợt mưa rào rải rác, thậm chí kèm theo dông, với lượng mưa cao hơn mức trung bình nhiều năm khoảng 5-15 mm.

Đáng chú ý, trong tháng 2 này, Biển Đông đã xuất hiện áp thấp nhiệt đới - hiện tượng hiếm thấy vào thời điểm này trong các năm qua. Theo các mô hình dự báo, vào khoảng ngày 10-3, có khả năng sẽ hình thành thêm một áp thấp nhiệt đới khác ở khu vực Nam Biển Đông.

Thiệt hại do thiên tai tại các địa phương

Theo báo cáo nhanh của Chi cục Thủy lợi và Phòng chống thiên tai tỉnh Điện Biên, trận dông lốc kèm mưa đá xảy ra trong các ngày 21 và 22-2 vừa qua đã khiến 2 người bị thương, 39 ngôi nhà hư hỏng và 11ha hoa màu, cây ăn quả bị thiệt hại.

Còn theo Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), tại Quảng Nam và Phú Yên, mưa lớn từ ngày 22-2 đến nay đã khiến 4.364ha lúa vụ Đông Xuân bị ngập úng, cùng với 1.277ha hoa màu và cây ăn quả chịu thiệt hại nặng. Các địa phương đang khẩn trương triển khai các biện pháp bảo vệ sản xuất, thống kê và đánh giá mức độ thiệt hại.

 Mưa đá ở tỉnh Điện Biên, ngày 21-2

Mưa đá ở tỉnh Điện Biên, ngày 21-2

Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã yêu cầu các tỉnh miền Bắc và Trung bộ chủ động ứng phó với rét đậm, rét hại và gió mạnh trên biển theo Công điện số 11/CĐ-TTg ngày 7-2-2025 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, các tỉnh ở ĐBSCL và TPHCM cần chuẩn bị phương án ứng phó với đợt xâm nhập mặn cao điểm theo Công điện số 15 và văn bản số 1246 ngày 20-2-2025.

Dự báo thời tiết ngày 26-2 theo Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia:

Đông Bắc bộ và Bắc Trung bộ: Đêm 25 và sáng 26-2 có mưa rào, một số nơi có dông. Sau đó, mưa giảm, sáng sớm có sương mù nhẹ, trưa chiều hửng nắng. Trời rét, có nơi rét đậm, rét hại.

Từ Quảng Bình đến Khánh Hòa: Mưa rào rải rác trong đêm 25 và ngày 26-2, sau đó mưa giảm.

Các khu vực khác: Chiều tối và đêm có mưa rào nhẹ, ban ngày trời nắng.

PHÚC HẬU

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/bao-gio-mien-bac-het-ret-mien-nam-het-mua-trai-mua-post783427.html