Bao giờ miền Bắc hửng nắng, nhiệt độ ban ngày tăng lên trên 20 độ C?

Chuyên gia nhận định, trong tuần này, cả ngày và đêm nhiệt độ đều thấp, rất ít thời điểm có nắng. Phải sau ngày 30/1 nhiệt độ ban ngày mới tăng lên trên 20 độ C.

TS Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia cho biết: "Hiện miền Bắc đang hứng chịu một đợt rét dài. Dự báo, trong tuần này, cả ngày và đêm nhiệt độ đều thấp, rất ít thời điểm có nắng. Phải sau ngày 30/1 nhiệt độ ban ngày mới tăng lên trên 20 độ C, ban đêm và sáng sớm thì cũng phải từ ngày 26/1 mới có khả năng tăng lên trên 10 độ C, từ 28/1 có thể lên trên 13 độ C và từ 30-31/1 trên 15 độ C".

TS Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia

TS Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia

TS Hoàng Phúc Lâm khuyến cáo, đối với đợt không khí lạnh này, để bảo đảm sức khỏe cho học sinh, Sở Giáo dục và Đào tạo các địa phương đề nghị trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo, hiệu trưởng các nhà trường duy trì việc theo dõi thông tin về nhiệt độ ngoài trời của khu vực trong những ngày trời rét đậm, rét hại được phát trên các phương tiện thông tin đại chúng. Căn cứ vào thông tin này, hiệu trưởng các nhà trường trên địa bàn chủ động điều chỉnh giờ học hoặc cho học sinh nghỉ học (học sinh mầm non, tiểu học nghỉ học khi nhiệt độ ngoài trời dưới 10 độ C; học sinh trung học cơ sở nghỉ học khi nhiệt độ ngoài trời dưới 7 độ C).

Các trường không tổ chức hoạt động ngoài trời trong những ngày rét đậm, rét hại; không bắt buộc học sinh mặc đồng phục trong những ngày trời rét; tăng cường kiểm tra và sửa chữa kịp thời cửa các phòng học, phòng chức năng, phòng bán trú, phòng ăn... bảo đảm tránh gió lùa, đủ ánh sáng và giữ ấm cho học sinh.

Trong những ngày rét đậm, căn cứ điều kiện thời tiết của từng địa phương, các nhà trường có thể điều chỉnh thời gian học để học sinh không phải đến trường quá sớm. Trường hợp học sinh đến muộn vì lý do thời tiết, nhà trường cần linh hoạt giải quyết để học sinh được vào học.

Cùng với đó, rét hại có khả năng ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân; rét hại kèm theo mưa có khả năng ảnh hưởng tới các hoạt động tham quan, du lịch, an toàn của các phương tiện tham gia giao thông. Hình thái thời tiết này có khả năng ảnh hưởng tới gia súc, gia cầm; ảnh hưởng lớn tới quá trình sinh trưởng và phát triển của cây trồng.

Chuyên gia nhận định, trong tuần này, cả ngày và đêm nhiệt độ đều thấp, rất ít thời điểm có nắng. Phải sau ngày 30/1 nhiệt độ ban ngày mới tăng lên trên 20 độ C

Chuyên gia nhận định, trong tuần này, cả ngày và đêm nhiệt độ đều thấp, rất ít thời điểm có nắng. Phải sau ngày 30/1 nhiệt độ ban ngày mới tăng lên trên 20 độ C

Để chủ động ứng phó với rét đậm, rét hại đối với sản xuất nông nghiệp, bảo vệ sức khỏe của người dân, hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất đối với sản xuất kinh doanh, nhất là sản xuất nông nghiệp, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ ngành địa phương tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc Công điện số 1404/CĐ-TTg ngày 24/12/2023 về việc chủ động phòng, chống rét đậm, rét hại kéo dài, tập trung một số nhiệm vụ cụ thể sau:

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:

- Chủ động tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống rét và diễn biến thời tiết khắc nghiệt bảo đảm sức khỏe và an toàn cho người dân nhất là người cao tuổi, trẻ em và người yếu thế…

- Tập trung chỉ đạo tổ chức triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống đói, rét, dịch bệnh đối với cây trồng, vật nuôi, thủy sản nhằm giảm thiểu thiệt hại đối với sản xuất kinh doanh, nhất là sản xuất nông nghiệp.

- Chỉ đạo cơ quan chức năng của địa phương theo dõi chặt chẽ, cập nhật diễn biến thời tiết và thông báo, hướng dẫn nhân dân biết để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống rét, bảo đảm an toàn cho người, hạn chế thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp.

2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung chỉ đạo theo dõi sát diễn biến thời tiết, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện công tác phòng chống rét, dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, thủy sản và cây trồng; xây dựng và hướng dẫn kế hoạch sản xuất vụ Đông - Xuân, cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện thời tiết.

3. Bộ Y tế phối hợp với các cơ quan thông tin truyền thông phổ biến kiến thức, hướng dẫn, khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống rét hiệu quả, bảo đảm an toàn sức khỏe, tránh nguy cơ nhiễm độc khí khi đốt than, củi để sưởi ấm trong phòng kín; chỉ đạo lực lượng y tế tuyến cơ sở bảo đảm cơ số thuốc chữa bệnh cần thiết, tổ chức khám chữa bệnh cho người dân nhất là trong dịp Tết Nguyên đán.

4. Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo theo dõi chặt chẽ, dự báo, cảnh báo, cung cấp thông tin kịp thời về tình hình thời tiết, rét đậm, rét hại để cơ quan chức năng và cơ quan truyền thông truyền tải đến người dân biết và chủ động tích cực, triển khai các biện pháp ứng phó hiệu quả với rét đậm, rét hại, băng giá.

5. Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tấn báo chí ở Trung ương và địa phương tăng tần suất và thời lượng phát các bản tin dự báo thời tiết; đẩy mạnh tuyền truyền, phổ biến kiến thức về phòng chống đói, rét, dịch bệnh cho vật nuôi, thủy sản, cây trồng đến các cơ quan chức năng và người dân.

6. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ và các cơ quan thông tấn, báo chí của Trung ương và địa phương thường xuyên cập nhật thông tin về diễn biến của rét đậm, rét hại và gió mạnh trên biển trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết, chủ động phòng tránh.

Văn Ngân/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/bao-gio-mien-bac-hung-nang-nhiet-do-ban-ngay-tang-len-tren-20-do-c-post1073554.vov