Bao giờ 'người biết thương người'?

Ở thế kỷ văn minh này, có bao giờ em nghĩ rằng một ngày nào đó bỗng dưng cái đập nước phục vụ cuộc sống lương dân cũng bị 'tấn công'? Điều nhân tai khủng khiếp và tang thương đó làm sao mà nghĩ đến hay tưởng tượng ra vì làm người, ai lại lộng thiên đến độ tạo ra thứ họa chỉ thấy bởi 'thiên tai'?

Những quả bom

Khi đập nước thủy điện khổng lồ trên sông Dnipro (ở châu Âu) bị cho nổ tung để biến 18 tỷ mét khối nước thành “quả bom” tàn khốc nhấn chìm miền hạ lưu nhằm gây hoảng loạn, mất nhuệ khí, sợ sệt buông xuôi thì có cảm giác con người bây giờ không còn gì không dám làm nữa. Cả thế giới chấn động, nỗi sợ lây lan, vượt châu lục, đến mọi miền xứ xa xăm.

Đâu đó cái lý thuyết: “Làm cho con người hoảng sợ là cách dễ nhất để họ cúi đầu, và cứ thế chúng ta cai trị họ!” lại trỗi dậy. Mọi lý thuyết về cơ chế vận hành của cái “ác” không bao giờ lỗi thời hay bị vứt đi. Chỉ là càng hậu sinh con người càng sử dụng nó tinh vi hơn, thâm độc, dưới nhiều “lớp vỏ bọc” hơn.

Số phận con người hiện đại bèo bọt hơn tổ tiên “lạc hậu” của mình buổi nào. Thời gọi là “lạc hậu” đó không có hăm dọa hủy diệt, triệt đường sinh tồn, trừng phạt hay xóa sổ. Ta nghe em tự hào sống khá hiện đại và thế giới loài người đang tiên tiến mà ta buồn cười. Buồn cười như em có dây chuyền, vàng bạc đá quý mà không dám đeo mỗi khi chạy xe trên phố. Buồn cười như các nước không có vũ khí hạt nhân luôn phập phồng không biết quốc gia và nhân dân mình rồi sẽ ra sao, tồn tại thế nào khi chung sống với những nước hàng xóm có “đồ chơi” khủng.

Để “chiến thắng”, người ta sẵn sàng hành động tối ác, hủy diệt. Bỗng nhiên, các đập nước trở thành con tin, vũ khí! Mà em biết không, trái đất này có đến hàng triệu đập nước được con người xây nên!

Loài người đang thanh bình giả vờ, yêu thương nhau giả vờ, tôn trọng nhau giả vờ, cầu chúc nhau độc lập, thịnh vượng và công bằng giả vờ.

Thời ma mị của từ ngữ và giao đãi, để dựng nên ảo giác thanh bình cùng sự tử tế.

Muôn hình kiểu đế quốc.
Muôn hình kiểu xâm lăng.
Muôn hình kiểu thực dân.
Muôn hình kiểu chư hầu.
Muôn hình kiểu nô lệ.
Muôn hình kiểu bán mình.
Muôn hình kiểu bá quyền.
Muôn hình kiểu phong kiến mới.
Muôn hình kiểu hoàng đế mới.
Muôn hình kiểu cộng hòa.

Ước mơ về sự công bằng - tươi đẹp - và bác ái của “đại đồng” chợt như ta nghĩ về những hành tinh lạ xa xăm trong Thái dương hệ, cách trở trần gian nhiều triệu năm ánh sáng.

Lời dọa “nghiền nát”

Nay, ngày càng rõ ra, chỉ các quốc gia có vũ khí hạt nhân mới bất khả xâm phạm, bảo đảm vẹn toàn lãnh thổ (hay cho chiếc ngai vàng của kẻ trị vì, nhóm người cai trị) - trong bàn cờ thế giới. Chưa bao giờ việc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân để nghiền nát, hủy diệt quốc gia khác, cộng đồng khác lại quyết liệt, căng nóng như bây giờ.

Cả loài người đang bị bạo hành tâm trí.
Nước giàu chế bom nguyên tử.
Nước nghèo khó cũng chế bom nguyên tử!

Vậy là giấc mơ giải trừ vũ khí nguyên tử trên toàn cầu ngày càng xa vời, không thực tế. Và, có ai ngờ giờ đây tự dưng trên trái đất này các đập thủy điện bỗng trở thành nỗi lo, là những quả bom kinh khiếp trong tay bất cứ quốc gia nào khi nước nọ với nước kia cơm không lành canh không ngọt. Một giai đoạn lịch sử mà “nhân tai” còn rợn gáy hơn cả thiên tai!

Những “ông trùm” châu lục

Có những cuộc chiến tranh vì sinh tồn.
Có những cuộc chiến tranh vì lòng tham.
Và có thứ chiến tranh vì khát máu.
Nên, có thứ chiến tranh chính nghĩa (tự vệ) và thứ chiến tranh vô đạo (xâm chiếm).
Có thứ chiến tranh vì bá tánh, có thứ chiến tranh vì mỗi chiếc ngai vàng.
Kiểu gì thì cũng phải giết người, giết đồng loại!

Bức tranh Guernica - thông điệp phản kháng chiến tranh của danh họa Picasso.

Quốc gia nào có lịch sử đế quốc oai hùng trong quá khứ thì không bao giờ muốn mất đi “hào quang dĩ vãng” đó. Họ nuối tiếc, phải gầm rú lên như con sư tử đầu đàn ở thảo nguyên khi về già, như hoa hậu cuối đời ngồi ngắm lại ảnh mình buổi thanh xuân. Họ không muốn bị soán ngôi, càng không muốn kẻ nào nơi xa nhảy vào làm “đại ca” ở không gian quen thuộc của họ, cho dù kẻ khác đó oai vệ, được thế gian nể phục hơn, xứng đáng hơn. Thế giới có mấy trăm quốc gia nhưng chỉ có vài “ông trùm”, vài tay chơi muốn “chủ xị” bầu trời, mặt đất, đại dương lẫn lòng đất.

Trái đất này nó cứ luẩn quẩn mãi vậy thôi, rằng kẻ thì đi “nhân bản” dân chủ, kẻ thì đi nhân bản “độc tài”, bởi đơn giản sự tồn tại của chính từng kẻ phụ thuộc vào “sinh thái không gian xu hướng xã hội” đó.

“Trò chơi” bất tận

Khi luật pháp quốc tế luôn không được coi trọng và tuân thủ thì thực chất loài người đang như một bầy sói hoang sống ở đô thị, cho dù có khoác lên lớp vỏ giả hình văn minh hay luôn tự mỹ miều ở từ ngữ.

Loài khỉ đang sống trong các rừng già kia không có tăng chi tiêu quốc phòng, khai thác mọi tài nguyên thiên nhiên của tạo hóa, hay ra tay lẫn hăm dọa hủy diệt cộng đồng khác.

Thực chất cho đến thời gọi là hiện đại và văn minh này, chưa bao giờ lãnh thổ nước nào được bình yên thật. “Văn minh” và “hiện đại” là phải luôn rình rập nhau, rình rập từ lãnh thổ, lãnh hải, bầu trời, khoáng sản, nguồn nước, tài nguyên, nhân công, thị trường, công nghệ...? Các quốc gia luôn nghe lén nhau, theo dõi nhau, nắm nội tình, kiểm soát, hữu hảo và kiềm chế nhau, kể cả khi là quốc gia “bạn bè”.

“Văn minh” là luôn tìm cách can dự vào nội sự nước khác.

“Văn minh” là từ lâu đài, dinh thự, bến xe, chợ búa, nhà vệ sinh, đến hẻm cùng, xó thôn, ruộng đồng… trên khắp địa cầu này phải gắn hết camera.

Có vài quốc gia muốn mọi quốc gia khác sinh tồn trong sự “ban cho” của mình. Lịch sử có những kỳ cục tréo ngoe mà nhiều khi khoa học không lý giải được, tỷ như có những kẻ chỉ số IQ rất thấp nhưng cũng cứ tưởng mình thông minh hơn dân chúng, những kẻ đại ác mà tự cho mình là người đạo đức, những kẻ đần độn mà vẫn “được” làm vua…

Thế giới đầy tham tàn, tranh đua, sân hận, thù oán, và dối gian. Đang như thế ở từng quốc gia với nhau. Oán thù từ nhiều thập niên trước, nhiều thế kỷ trước, thậm chí nhiều ngàn năm trước cũng chưa phôi phai, không cho nó được xóa nhòa. Tình thương nhân loại với nhau thật ra không có, không xuyên suốt, ngoài những hy hữu, khoảnh khắc, bất chợt.

Những điều lành thiện, tử tế, hòa thuận, công bằng đang bị sự hung dữ, cái ác, lòng tham triệt tiêu. Phải “cùng ác, cùng (cơ chế) xấu như ta thì được tồn tại, thừa nhận, được bảo trợ, bảo hộ”. Đến độ giết người cũng trở thành một… nghề, với sự ra đời của các công ty quân sự tư nhân mà công việc chủ yếu là được “thuê” đi bắn người, gây chiến các kiểu…

*

An ninh thế giới đang rối như nồi canh hẹ. Thân phận dân chúng trên trái đất bọt bèo như những đàn nai thiên di trên thảo nguyên kiếp người. Phẩm giá của các quốc gia, lịch sử lâu đời của các dân tộc, nhân phẩm của con người bỗng một ngày bị rẻ rúng và thật tội nghiệp.

Vài ba nhà lãnh đạo ở vài ba quốc gia đang muốn chia chác “quyền hành” trên thế giới, vẽ lại “ bản đồ” thế giới, dù bá tánh không cần đến điều đó. Họ đua nhau kéo bè kéo nhóm, tạo dựng vây cánh, khiến các quốc gia hiện ra như những “xóm làng”, hoặc các băng hội.

Người ta dùng các giảo thuật tinh vi để đạt các mục tiêu chính trị.
Người ta ve vãn để đạt các mục tiêu chính trị.
Người ta dùng chiến tranh để đạt các mục tiêu chính trị.
Người ta dùng tiền để đạt các mục tiêu chính trị.
Người ta buôn bán chính trị, bố thí lợi vặt, và vinh danh sự ngây thơ.
Thế giới ngập ngụa rác chính trị, là “bãi chiến trường của những trò chơi chính trị”.
Bá tánh tự vẽ lại bản đồ khổ đau của mình.

*

Trong cuộc sinh tồn, em hãy nhìn vào đặc tính bản chất của từng quốc gia, dân tộc, “độ” thiện lành hay tham ác và “chiến lược quốc gia” của từng dân tộc trong suốt hành trình xuyên lịch sử của họ, để mà chơi, hiểu, hợp tác, và chung sống. Con người căn cốt chỉ “yêu” lợi ích cho bản thân mình, cộng đồng mình, không gian sinh tồn mình chứ không “yêu” sự công bằng, không quý trọng sự thật đâu.

Tầm thường là đặc điểm của con người. Con người chỉ chú ý đến những quốc gia nhiều tiền giàu mạnh chứ ít để ý những quốc gia lành mạnh hay quốc gia tử tế (hay những quốc gia văn minh nhưng đã lụi tàn); để ý đến quốc gia nhiều bom đạn chứ không để ý đến quốc gia hiền lành bao dung, chuộng chan hòa thay cho chiến trận, không muốn phát triển súng đạn...

Nhân loại vẫn không có tiếng nói chung, chẳng thể thật thà và thương nhau. Con người dường như chưa từng sống rốt ráo đúng với tư cách một sinh vật duy nhất có hệ thống giáo dục, có nhân tính và thế giới tâm hồn phong phú, vượt qua các loài bình thường còn lại. Nhiều ngàn năm vẫn còn bận rộn, đối phó cho sự tồn tại, lo cho xác phàm. Ước mơ nhiều ngàn năm của chúng sinh bình thường là được sống mà không có hiếp đáp, chiến tranh, được tôn trọng, được bỏ phiếu tự chọn người điều hành cộng đồng vẫn luôn là điều xa xỉ.

Trong kinh Nikaya của Phật giáo có dẫn lời Đức Phật dự báo về thời mạt pháp ở cõi người.

Kinh thánh của các tôn giáo thờ God thì có đề cập đến ngày tận thế. Ấy cũng là nằm trong lý thuyết về “hiệu ứng cánh bướm” hay bao trùm hơn là thuộc về luật nhân - quả trong Trời Đất, trần gian này đó mà.

Con người ở đâu cũng muốn bình yên, nhưng con người có cho con người bình yên bao giờ…

Nguyễn Hàng Tình

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/bao-gio-nguoi-biet-thuong-nguoi-40131.html