Bao giờ sông Đáy thông dòng?
Lòng sông Đáy 10 năm qua vẫn hoang hóa với cây dại, cỏ dại, nước sông cuộn lên màu nước đen kịt với mùi hôi thối nồng nặc.
Nhiều năm nay, sông Đáy trở thành dòng sông chết do hàng chục nguồn xả thải từ sản xuất làng nghề, chăn nuôi, giặt là, nhuộm in hoa làm dòng sông chết mòn. Bao giờ sông Đáy xanh trong trở lại và người dân được sống chung với dòng sông quê? Đây là câu hỏi luôn được dư luận quan tâm.
Thời gian qua, chị Nguyễn Thị Thu (thôn Sơn Hà, xã Dương Hòa) cùng người dân vùng đất bãi thâm canh cây phật thủ đã phải khoan giếng lấy nước sạch để tưới và chăm bón cho cây. Không một hộ dân nào dám dùng nước sông Đáy ô nhiễm để tưới cho các loại cây ăn quả và hoa màu.
Chị Nguyễn Thị Thu chia sẻ: "Tôi làm vườn toàn dùng nước giếng khoan, không dùng nước ở sông vì ô nhiễm ảnh hưởng đến quả".
Ông Tạ Văn Định (thôn Đông Hạ, xã Dương Hòa) cho biết: "Sông ô nhiễm nặng, ai đi qua đây cũng phải bịt mũi, không chịu được mùi hôi thối này". Ông Nguyễn Hữu Long (thôn Sơn Hà, xã Dương Hòa) cũng cho hay: "Sông không có độ thông lưu nên sinh tắc nghẽn, ô nhiễm".
Sông Đáy ô nhiễm do hoạt động xả thải từ các trang trại chăn nuôi khu vực Phúc Thọ, làm miến, chế biến tinh bột miền bãi Dương Liễu, hoạt động sản xuất làng nghề La Phù… Nguồn thải chưa qua xử lý đã được xả thẳng vào lòng sông.
Sông Đáy chảy qua Hà Nội với chiều dài khoảng 88 km, hai phần ba lưu vực sông đã bị ô nhiễm, bị bóp nghẽn dòng chảy. Đã hơn 10 năm qua, lòng sông Đáy hoang hóa với cây dại, cỏ dại, không còn sự sống của loài thủy tộc. Nước sông cuộn lên màu nước đen kịt với mùi hôi thối nồng nặc.
Nguyễn Viết Thạo (thôn Đa Phúc, xã Quốc Oai) bày tỏ: "Dân chúng tôi sống quanh đây thấy sông ô nhiễm, mùi nồng nặc không thể nào chịu được. Một vài năm trước người ta bảo nạo vét lòng sông, một thời gian sau sông lại đầy tràn lên, dân chúng tôi chịu mùi cả ngày cả đêm, rất khó chịu".
Trong lúc chờ các giải pháp tổng thể, những dòng nước xả thải ra sông Đáy cần phải được ngăn chặn, loại bỏ rác thải xuống lòng sông. Điều này phụ thuộc vào ý thức của người dân và vai trò quản lý, giám sát của chính quyền địa phương.
Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/bao-gio-song-day-thong-dong-344398.htm