Bao giờ sông Tích thông dòng?

Là dự án trọng điểm của thành phố Hà Nội, nhưng hơn 10 năm triển khai, sông Tích vẫn chưa thể thông dòng. Vì sao có tình trạng này và bao giờ sông Tích thông dòng đang là vấn đề dư luận quan tâm.

Chủ đầu tư đã đào được 18km lòng sông Tích phía thượng nguồn.

Vướng mặt bằng cản tiến độ

Ngày 6-10-2010, UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 4927/QĐ-UBND phê duyệt dự án Tiếp nước, cải tạo khôi phục sông Tích từ Lương Phú, xã Thuần Mỹ, huyện Ba Vì. Với tổng mức đầu tư 6.914,3 tỷ đồng, dự án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong phòng, chống thiên tai, tạo động lực cho các huyện: Ba Vì, Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ và thị xã Sơn Tây phát triển kinh tế - xã hội bền vững...

Trao đổi về tiến độ thực hiện dự án, đại diện Ban Duy tu các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn (đơn vị được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội giao làm đại diện chủ đầu tư) cho biết, tính đến ngày 2-4, đơn vị thi công đã cơ bản hoàn thành công việc xây dựng cống đầu mối, kênh dẫn thượng, hạ lưu cống để lấy nước từ sông Đà vào sông Tích; đào được 18km lòng sông; xây dựng được 7 cầu giao thông bắc qua sông, 4 trạm bơm tưới, 29 cống điều tiết nước; đắp xong 18km bờ hữu và 13,5km bờ tả sông Tích...

Theo quyết định phê duyệt dự án, chủ đầu tư còn phải nạo vét mở rộng 9,6km lòng dẫn và đắp hai bờ sông Tích tương ứng; xây dựng 11 cầu giao thông, 4 trạm bơm và 35 cống tiêu...

Như vậy, sau 10 năm triển khai, dự án Tiếp nước, cải tạo, khôi phục sông Tích từ Lương Phú, xã Thuần Mỹ, huyện Ba Vì vẫn chưa hoàn thành, chậm tiến độ so với yêu cầu của thành phố tới gần 6 năm.

Giải thích về việc này, Giám đốc Ban Duy tu các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Đinh Công Sơn cho biết, nguyên nhân chủ yếu là do công tác giải phóng mặt bằng trên địa bàn huyện Ba Vì rất chậm. Đến thời điểm này, huyện Ba Vì mới bàn giao được 232,34ha, còn 54,84ha chưa bàn giao. Hơn nữa, do mặt bằng không liền tuyến nên nhà thầu gặp rất nhiều khó khăn trong việc tập trung máy móc, thiết bị thi công để đẩy nhanh tiến độ.

Thừa nhận chậm giải phóng mặt bằng ảnh hưởng tiến độ hoàn thành dự án, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Ba Vì Phùng Hữu Lộc cho biết, huyện Ba Vì chưa có bản đồ địa chính chính quy nên việc xác định nguồn gốc sử dụng đất gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, nhiều hộ gia đình không nhất trí với chính sách bồi thường, hỗ trợ về đất đối với diện tích không có giấy tờ, không nhất trí với chế độ bồi thường về công trình, vật kiến trúc trên đất.

Về dự án này, ông Nguyễn Huy Hùng ở xã Thụy An (huyện Ba Vì) trao đổi với phóng viên Báo Hànôịmới: “Tiến độ xây dựng công trình như hiện nay là quá chậm, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp, môi trường, giao thông, đời sống sinh hoạt của người dân địa phương..., chúng tôi rất mong công trình sớm hoàn thành”. Nhiều người dân ở các xã: Thụy An, Cẩm Lĩnh, Thuần Mỹ... của huyện Ba Vì cũng có ý kiến tương tự.

10,5ha đất thuộc địa bàn xã Tiên Phong (huyện Ba Vì) sẽ được bàn giao trong tháng 4-2021 để thi công lòng sông.

Thông dòng sông Tích trong năm 2022

Ngày 24-3, Văn phòng UBND thành phố Hà Nội đã ban hành thông báo truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền giao huyện Ba Vì bàn giao toàn bộ mặt bằng cho chủ đầu tư trước ngày 30-4 phục vụ thi công dự án.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước và là chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm toàn diện trong quá trình thực hiện và chủ trì tham mưu xử lý các vướng mắc liên quan dự án Tiếp nước, cải tạo, khôi phục sông Tích từ Lương Phú, xã Thuần Mỹ, huyện Ba Vì.

“Nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, huyện Ba Vì đã yêu cầu Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện tập trung nhân lực hoàn thành phương án chi tiết bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng toàn bộ diện tích còn lại. Các xã: Tiên Phong, Cam Thượng, Vật Lại đẩy nhanh công tác xác minh nguồn gốc đất, thời điểm xây dựng công trình, tính hợp pháp của công trình đối với diện tích còn lại; đồng thời, tăng cường tuyên truyền, vận động, thuyết phục các hộ gia đình, cá nhân nhận tiền và bàn giao mặt bằng; chủ động thiết lập hồ sơ đối với các hộ không nhất trí nhận tiền và bàn giao đất để thực hiện cưỡng chế thu hồi đất ngay sau khi đã thực hiện đầy đủ các quy trình...”, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng nêu giải pháp.

Về vấn đề này, ông Đinh Công Sơn thông tin thêm: Ngay sau khi được bàn giao mặt bằng liền tuyến, Ban Duy tu các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn sẽ chỉ đạo nhà thầu tập trung thi công hoàn thành các hạng mục công trình còn lại, phấn đấu hoàn thành dự án trước ngày 31-12-2022. Trong quá trình thực hiện, Ban sẽ phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, nhà thầu thi công và các đơn vị liên quan để kịp thời giải quyết các khó khăn vướng mắc, giảm thiểu ảnh hưởng của dự án đối với công tác sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân...

Việc hoàn thành dự án Tiếp nước, cải tạo, khôi phục sông Tích từ Lương Phú, xã Thuần Mỹ, huyện Ba Vì không chỉ có giá trị lớn trong công tác phòng, chống và giảm rủi ro do thiên tai mà còn tạo thuận lợi cho người dân địa phương phát triển kinh tế, xã hội theo hướng bền vững. Vì vậy, để sớm thông dòng sông Tích, ngoài sự quan tâm của thành phố, sự nỗ lực của các cơ quan nhà nước thì cũng rất cần sự chung sức, đồng lòng của người dân, nhất là địa phương có dự án.

Kim Nhuệ

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/kinh-te/995597/bao-gio-song-tich-thong-dong