Bao giờ tuyến y tế cơ sở ở Tiền Giang, Bến Tre mới hết phải 'gồng mình'
Từ khi xảy ra dịch Covid-19 đến nay, tuyến y tế cơ sở đã chứng tỏ rõ vai trò của mình, thế nhưng tuyến này đang thiếu thốn đủ thứ, từ nguồn nhân lực cho đến cơ sở vật chất.
Nhớ lại lúc cao điểm chống dịch Covid-19 vừa qua, chị Trần Thị Kim Vân, cán bộ trạm y tế xã Thanh Bình, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang nước mắt lại tuôn trào do xúc động về những tháng ngày gian khổ, vượt qua hiểm nguy, để hoàn thành nhiệm vụ.
Chị Vân cho biết, trạm y tế chỉ có 6 nhân sự phụ trách 6 ấp với hơn 10.000 dân nên vào cao điểm chống dịch đã quá tải, cán bộ, nhân viên của trạm phải gồng gánh công việc với nhau, tạm quên trách nhiệm với gia đình.
“Thì phải cố gắng hết sức thôi, vì trạm ở đây đa phần là nữ có con nhỏ rất sợ. Thí dụ như bản thân em bỏ con ở nhà 1 mình, còn mấy em khác phải gửi con cho nội, ngoại. Trong lúc trực mà ai có công việc gia đình thì sẽ nhờ chị em khác hỗ trợ. Sợ lắm, ca đầu tiên tới trạm, anh chị em phải ở lại trạm hết. Mình rất sợ không biết virus lây kiểu nào. Con cái phải đi gửi, ở đây cả tuần lễ ổn định rồi mới rước con về chăm sóc. Trên 90% anh chị em đuối lắm, giai đoạn đó muốn nghỉ nhưng mà nghĩ đến sức khỏe bà con nên cố gắng thôi”, chị Vân chia sẻ.
Hầu hết trạm y tế ở xã, phường, thị trấn ở Tiền Giang và Bến Tre, chỉ có từ 6 đến 7 biên chế nhưng phải thực hiện nhiều công việc như: thực hiện công tác tuyên truyền, tư vấn cho bệnh nhân và người dân, tham gia tiêm phòng vaccine, xét nghiệm tầm soát, truy vết F1, F0; lập hồ sơ xử lý các F1, F0; phun khử khuẩn các khu vực có ổ dịch, phục vụ trạm y tế lưu động và các nhiệm vụ khác được giao... Một khối lượng công việc rất lớn nhất là thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát, lực lượng này phải làm việc với công sức 2-3 lần so với ngày thường, cả đêm tối, rất vất vả.
Dược sĩ Nguyễn Thị Ngọc Nhã, trạm y tế xã Tam Phước, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre cho biết, dù là nhân viên hợp đồng, đã 58 tuổi, sức khỏe yếu nhưng lúc dịch bệnh bùng phát cũng phải “ra trận” như các nhân viên y tế khác, không ngại gian nguy làm tròn nhiệm vụ của người ở tuyến đầu chống dịch.
“Tôi phụ tiêm ngừa, phát thuốc cho F0, đi đưa quyết định F0, tham gia với nhóm F0, phát hiện những trường hợp có triệu chứng thì khuyên nhủ, tư vấn cho họ đến trạm khai báo hoặc thử test vậy đó. Ngay lúc đó mình quên đi, mình thấy người bệnh bình thường, đến khi về nhà nhớ lại thấy sợ. Cực khổ nhất là đi phụ tiêm ngừa, rất nguy hiểm vì mình đo huyết áp, tư vấn, những người lớn tuổi mình phải dẫn dắt người ta đến chỗ ngồi nói chung là tiếp xúc rất gần đến tối mới được về nhà”, dược sĩ Nguyễn Thị Ngọc Nhã bày tỏ.
Do dịch bệnh Covid-19 bùng phát, lây lan nhanh, nhiều trạm y tế chưa được trang bị đủ các phương tiện, trang thiết bị cần thiết, các chế độ thù lao, ngoài giờ đến nay vẫn chưa được giải quyết. Đặc biệt, nguồn nhân lực tại nhiều trạm y tế xã, nhất là lĩnh vực dự phòng còn mỏng, thiếu thốn nên áp lực công việc rất lớn, thậm chí quá tải.
Tại tỉnh Bến Tre một số trạm y tế chưa có bác sĩ, cán bộ y tế dự phòng... nên hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân nhất là phòng dịch còn gặp khó khăn. Trong thời điểm “chống dịch như chống giặc”, nhiều nhân viên y tế phải ăn, ở tại trạm để làm nhiệm vụ, tạm gác mọi công việc gia đình. Thậm chí có không ít nhân viên y tế trở thành F0, sức khỏe giảm sút nhưng vẫn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ của người thầy thuốc.
Hiện nay, dù dịch bệnh đang được kiểm soát, nhưng cán bộ y tế ở cơ sở vẫn chưa được nghỉ ngơi mà tiếp tục là lực lượng chủ lực, tuyến đầu để phòng chống dịch trong tình hình mới.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Tán, Giám đốc Sở y tế tỉnh Bến Tre, dù công việc của cán bộ, nhân viên ngành y tế gần đây rất vất vả thậm chí đuối sức nhưng đến nay, chưa có trường hợp nào xin nghỉ việc. Ngành y tế nỗ lực khắc phục khó khăn nhất là y tế cơ sở đang thiếu về nhân sự, cơ sở vật chất.
“Nếu xét theo nhu cầu dịch xảy ra, Bến Tre rất thiếu biên chế, chủ yếu là y tế cơ sở. Tôi mong muốn Chính phủ có chính sách cho y tế cơ sở về nguồn nhân lực bổ sung thêm biên chế, tính lại cơ cấu, tăng cường người thêm cho ở dưới cơ sở; ngoài ra là trang thiết bị và cơ sở vật chất. Chúng tôi cũng đã động viên anh em yêu ngành, yêu nghề. Tỉnh Bến Tre cũng mừng là không có trường hợp nào bỏ ngang, trên dưới đồng lòng, quyết chiến”, bác sĩ Nguyễn Văn Tán cho biết thêm.
Sau đợt dịch cuối năm 2021, chính quyền các địa phương đã nhìn nhận và đánh giá đúng vai trò, nhiệm vụ quan trọng của tuyến y tế cơ sở; trong đó có các giải pháp khắc phục những khó khăn, hạn chế để trạm y tế xã, phường, thị trấn thực sự là những “pháo đài” chống dịch.
Ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, ngành y tế Tiền Giang cơ bản đáp ứng công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tuy nhiên trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn phức tạp, đội ngũ cán bộ, y tế phục vụ công tác dự phòng còn thiếu thốn, nhất là cấp cơ sở. Hướng tới địa phương sẽ có giải pháp bổ sung lực lượng này.
“Ngành y tế đang thiếu rất trầm trọng đội ngũ cán bộ y tế khu vực, y tế dự phòng. UBND tỉnh đã làm việc với Sở Y tế và thời gian tới có những cơ chế chính sách, khuyến khích các học sinh, sinh viên thi vào học những ngành y tế cộng đồng và y tế công cộng để tăng cường công tác phòng chống dịch thì mới hiệu quả”, ông Vĩnh cho hay./.