Bao giờ xóa sổ 'bóng ma doping' với thể thao Việt Nam?
Thể thao Việt Nam đang rúng động trước thông tin có tuyển thủ quốc gia dương tính với chất cấm (doping) khi thi đấu tại SEA Games 31.
Đặc biệt, một số kênh thông tin đã đề cập đến khả năng những tuyển thủ này thuộc đội tuyển điền kinh và có huy chương tại đại hội thể thao khu vực vừa qua.
Con số gây sốc
Ngày 22/4/2004, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban TDTT Nguyễn Danh Thái ký “Tuyên bố Copenhagen về Chống sử dụng chất kích thích trong thể thao” ở Hà Nội. Việt Nam thành quốc gia thứ 106 tham gia Tuyên bố này, đồng nghĩa việc công nhận Cơ quan phòng chống doping thế giới (WADA). Đến tháng 9/2022, đã có 193 quốc gia và vùng lãnh thổ ký vào Tuyên bố trên. Quyết định trên của ngành thể thao được đưa ra không lâu sau khi Việt Nam lần đầu phát hiện những trường hợp doping, tại SEA Games 22 trên sân nhà.
Ngày 15/9, một số kênh thông tin uy tín cho biết, lãnh đạo Bộ VH-TT&DL, Tổng cục TDTT xác nhận rằng, một số vận động viên đoàn thể thao Việt Nam và nước ngoài có kết quả xét nghiệm dương tính với doping tại SEA Games 31 trong mẫu kiểm tra lần 1 (mẫu A). Số vận động viên dương tính của Việt Nam có thể lên tới 6 người, trong đó có 2 vận động viên điền kinh.
Được biết, ngành thể thao đã làm việc với các vận động viên có mẫu A dương tính, yêu cầu họ làm bản tường trình sự việc để xem nhóm này ăn uống thế nào, dùng thuốc gì, bị ốm hay chấn thương... trong quá trình chuẩn bị và tham dự đại hội.
Ngành thể thao bước đầu cho biết thêm, dựa trên nguyện vọng của vận động viên và huấn luyện viên, nếu họ yêu cầu làm thêm một mẫu xét nghiệm nữa (mẫu B để đối chứng) thì ngành thể thao sẽ yêu cầu làm xét nghiệm lần 2 để đảm bảo kết quả chính xác.
Lãnh đạo ngành thể thao cũng hy vọng kết quả mẫu kiểm tra lần 2 (mẫu B) sẽ có kết quả khả quan hơn, nhưng trên thực tế, hầu hết các mẫu kiểm tra lần 2 đều có kết quả tương tự với kết quả kiểm tra lần 1. Ngoài ra, để được xét nghiệm mẫu lần 2, vận động viên sẽ phải đóng chi phí lên đến cả nghìn USD.
Theo quy trình, khi vận động viên lấy nước tiểu hay máu để kiểm tra doping, lượng nước đó được chia vào hai lọ khác nhau, một cái là mẫu A và một cái là mẫu B. Kết quả mẫu A có giá trị pháp lý.
Chỉ khi vận động viên có khiếu nại, họ sẽ phải đóng một khoản tiền lớn để được kiểm tra mẫu B. Khi đó, Cơ quan phòng chống doping thế giới (WADA) sẽ yêu cầu đại diện của liên đoàn quốc gia đó có mặt tại phòng thí nghiệm (tại SEA Games 31 là phòng thí nghiệm ở Thái Lan) để chứng kiến họ mở mẫu B.
Trường hợp không đến dự thì phải làm giấy ủy quyền cho người, tổ chức khác chứng kiến họ mở và xét nghiệm mẫu B.
Trước đó, SEA Games 31 diễn ra tại Việt Nam từ 12 - 22/5. Đại hội tổ chức 40 môn thi với 526 nội dung và có sự tham dự của khoảng 5.000 vận động viên đến từ 11 đoàn thể thao khu vực Đông Nam Á. Đoàn Việt Nam dự đại hội với 956 vận động viên, thi đấu ở tất cả các môn thi của đại hội.
Kết quả, Việt Nam giành 205 Huy chương Vàng, 125 Huy chương Bạc, 116 Huy chương Đồng và đứng đầu bảng tổng sắp huy chương đại hội. Riêng môn điền kinh đã lập kỷ lục, gây tiếng vang lớn khi giành đến 22 Huy chương Vàng và đứng đầu khu vực Đông Nam Á.
WADA đưa ra những tiêu chuẩn hết sức khắt khe về mức độ hiện đại của phòng xét nghiệm (thông thường một phòng thí nghiệm phục vụ công tác xét nghiệm doping có mức đầu tư từ 200 - 300 tỉ đồng), có hệ thống máy móc có thể phát hiện được ít nhất từ 140 - 160 chất cấm (hiện Việt Nam có 1 máy, chỉ phát hiện được 40 chất); về số lượng mẫu mà mỗi phòng xét nghiệm bắt buộc phải thực hiện trong một năm (tối thiểu từ 300 - 500 mẫu). Cả 3 tiêu chuẩn cơ bản này Việt Nam đều chưa thể đáp ứng.
Đáng chú ý, ngay trước thềm SEA Games 31, 17 vận động viên đội tuyển thể hình Việt Nam được yêu cầu xét nghiệm doping trước khi dự đại hội theo quy định của Liên đoàn Thể hình quốc tế.
Trong 17 mẫu xét nghiệm, có đến 6 mẫu cho kết quả dương tính với doping. Tổng cục TDTT đã loại những vận động viên này khỏi danh sách dự SEA Games 31. Tất cả 6 vận động viên có kết quả mẫu A dương tính với doping đều không yêu cầu làm mẫu kiểm tra lần 2 là mẫu B. Các vận động viên đang đứng trước án phạt nặng vì hành vi phi thể thao của mình.
Sau vụ việc của đội tuyển thể hình, một lãnh đạo Liên đoàn cử tạ - thể hình Việt Nam cho hay, công tác phòng chống doping ở Việt Nam mới dừng ở mức là tuyên truyền, giáo dục vận động viên. Công tác quản lý vận động viên còn lơ là.
Điển hình như trường hợp á quân cử tạ ASIAD 2018 Trịnh Văn Vinh bị dính doping năm 2019 với lý do tự đi tiêm thuốc trị đau lưng mà ban huấn luyện của đơn vị không hề hay biết. Ngoài ra, việc trang bị kiến thức phòng chống doping cho các vận động viên chưa được chú trọng. Danh mục thuốc cấm của WADA luôn cập nhật nhưng chúng ta không nắm rõ.
Có phải vì thiếu hiểu biết?
Theo thông tin đến ngày 19/9, có thêm 1 vận động viên của tuyển điền kinh Việt Nam dương tính với chất cấm tại xét nghiệm mẫu A, nâng tổng số vận động viên của đội bị nghi ngờ sử dụng doping tại SEA Games 31 lên thành 3 người, gần bằng số vận động viên Việt Nam dính doping tại SEA Games 22 năm 2003 (4 người). Và sắp tới, con số này còn có thể cao hơn, “bóng ma doping” có thể lan sang các đội tuyển quốc gia khác.
Trên thực tế, không chỉ các ca bị phát hiện tại hai kỳ SEA Games do Việt Nam đăng cai, trong gần 2 thập kỷ qua đã có không dưới 20 vận động viên Việt Nam có kết quả xét nghiệm dương tính với doping.
Năm 2008, “búp bê” thể dục dụng cụ Đỗ Thị Ngân Thương bị phát hiện sử dụng doping tại Olympic Bắc Kinh và bị ban tổ chức trục xuất khỏi đại hội ngay lập tức. Đến năm 2010, Hoàng Anh Tuấn (Huy chương Bạc Olympic 2008 môn cử tạ) bị xác định sử dụng doping khi tham dự Giải cử tạ vô địch thế giới tại Thổ Nhĩ Kỳ. Tuấn đã bị cấm thi đấu 2 năm và phải nộp phạt 5.500 USD vì dùng doping và chi phí yêu cầu làm xét nghiệm lần 2 (mẫu B).
Năm 2019, Trịnh Văn Vinh, Nguyễn Thị Phương Thanh (cử tạ) được xác định dương tính với doping. Cả hai bị Liên đoàn Cử tạ thế giới (IWF) cấm thi đấu 4 năm và phải nộp phạt 5.000 USD/người…
Vấn đề đặt ra ở đây là thể thao Việt Nam phải làm gì để tiến tới xóa sổ hoàn toàn tình trạng sử dụng doping?
Hiện, ngành thể thao Việt Nam có một đơn vị quản lý công tác doping là Trung tâm Doping và Y học thể thao trực thuộc Tổng cục TDTT. Được thành lập hơn một thập niên qua nhưng do thiếu tài chính, trung tâm này hoạt động cầm chừng và đến nay vẫn chưa có hệ thống máy móc để có thể xét nghiệm được doping. Vì thiếu kinh phí, dẫn đến trang thiết bị lạc hậu, cũ kỹ nên việc xét nghiệm doping cho vận động viên trong nước gần như “buông xuôi”.
Bốn năm một lần, đại hội TDTT toàn quốc là sân chơi gần như duy nhất được tổ chức xét nghiệm doping với số lượng hạn chế. Liên đoàn Bóng đá Việt Nam có xét nghiệm doping cho vận động viên dự giải bóng đá chuyên nghiệp nhưng các chất làm xét nghiệm chủ yếu là chất gây nghiện và mỗi năm cũng chỉ có vài chục cầu thủ được xét nghiệm.
Trong khi đó, thể thao đỉnh cao Việt Nam có 41 môn, mỗi năm mỗi môn tổ chức từ 3 - 6 giải quy mô từ trẻ cho đến vô địch quốc gia. Như vậy, trung bình có khoảng từ 123 - 246 giải được tổ chức trong phạm vi toàn quốc.
Chính từ sự lỏng lẻo trong khâu kiểm soát, và chế tài chỉ có thể áp dụng theo “án tại hồ sơ” đã trở thành môi trường thuận lợi cho căn bệnh thành tích vốn vẫn ăn sâu vào tiềm thức của nhiều nhà quản lý, lãnh đạo ngành thể thao.
Tất nhiên, không có bất cứ “mệnh lệnh”, hay “chỉ thị” nào cho các vận động viên dùng chất cấm để nâng cao thành tích. Nhưng những “ý đồ xấu” luôn ngầm hiểu rằng, có thành tích mới có nhiều tiền, có thêm tiền đầu tư. Nhiều người khoác áo đội tuyển quốc gia vừa phải lo duy trì vị trí để bảo đảm nguồn thu nhập thường xuyên và đồng thời phấn đấu có thành tích quốc tế để có nhiều tiền thưởng.
Nhiều năm qua, công tác phổ biến kiến thức trong sử dụng doping được ngành thể thao quan tâm nhiều hơn. Vận động viên luôn được yêu cầu chỉ ăn uống những thực phẩm tại các trung tâm huấn luyện thể thao, uống thuốc theo sự chỉ định của bác sĩ khi có vấn đề về sức khỏe. Dù vậy, hầu hết các trường hợp vận động viên Việt Nam dương tính với doping khi giải trình đều cho rằng họ vô tình vướng vào doping do… tự ý mua thuốc uống ở hiệu thuốc.
Và có thực tế là nếu vận động viên không sử dụng thực phẩm chức năng thì khó có thành tích nhưng thực trạng là nhiều loại thực phẩm chức năng lại có chứa chất cấm mà huấn luyện viên hay vận động viên đôi khi không thể nắm bắt hết được.
Để xóa sổ “bóng ma doping”, đã đến lúc ngành thể thao phải hành động quyết liệt, mạnh mẽ.
Thông tư số 17 về phòng chống doping do Bộ VH-TT&DL ban hành tuy nêu rõ vai trò và trách nhiệm của các liên đoàn và hiệp hội thể thao nhưng cũng đã có nhiều quy định không còn phù hợp với thực tế, khiến việc kiểm soát vận động viên trong việc sử dụng thuốc, thực phẩm chức năng… gặp nhiều khó khăn.
Bộ VH-TT&DL và ngành thể thao cần xây dựng chiến lược xã hội hóa để có nguồn tài chính phục vụ công tác phòng chống doping. Việc tăng cường giáo dục, nâng cao tri thức về doping cho huấn luyện viên, vận động viên là hoạt động phải được tiến hành thường xuyên, không mang tính đối phó.
Thể thao Việt Nam cần hướng đến mục tiêu “nền thể thao trong sạch” và “nói không với chất cấm” trong hội nhập quốc tế. Xóa sạch doping khỏi thể thao không dễ, nhưng ít nhất, không còn để xảy ra những vụ việc đáng xấu hổ vì “thiếu hiểu biết” và “bệnh thành tích”.
Sau khi SEA Games 31 kết thúc, bác sĩ Nguyễn Văn Phú - Giám đốc Trung tâm Doping và Y học thể thao - cho biết có 800 đến 1.000 vận động viên được kiểm tra doping tại SEA Games 31. Các vận động viên được chọn kiểm tra doping dựa trên hai yếu tố: Thành tích thi đấu và nguy cơ trong việc sử dụng doping.
Có 20 chuyên gia quốc tế từ Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, Indonesia... đến Việt Nam để giám sát, giúp Việt Nam tiến hành thực hành lấy mẫu trong những ngày đầu tiên. 145 cán bộ của trung tâm, Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an), tình nguyện viên được huy động để tiến hành lấy mẫu kiểm tra doping. Có 35 trạm lấy mẫu được thiết lập ở 12 tỉnh, thành và sự hỗ trợ của đội ngũ tình nguyện viên.