Bạo hành, ép trẻ em hút ma túy đối diện hình phạt nào?
Liên quan clip bé trai 3 tuổi nghi bị ép hút ma túy, luật sư cho rằng, trường hợp cưỡng ép trẻ em sử dụng trái phép chất ma túy là hành vi mất tính người, vi phạm pháp luật hình sự đến mức phải chịu chế tài nghiêm khắc của pháp luật.
Bé trai 3 tuổi nghi bị ép hút ma túy, có dấu hiệu bạo hành
Ngày 25/3, liên quan clip bé trai 3 tuổi nghi bị ép hút ma túy đá gây xôn xao mạng xã hội, Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TP Hồ Chí Minh đã lên tiếng và vào cuộc. Theo Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TP Hồ Chí Minh, qua hình ảnh và các thông tin ban đầu (đang được xác minh), vụ việc có dấu hiệu của sự bạo hành trẻ em. Hơn thế, trong đoạn clip này, bé trai có dấu hiệu nghi bị ép sử dụng ma túy. Đây là hành vi nguy hiểm, đặc biệt nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến tính mạng và sự an toàn của trẻ em.
Để đảm bảo sự an toàn cho trẻ, Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TP Hồ Chí Minh đề nghị Công an TP Hồ Chí Minh, Công an huyện Hóc Môn chỉ đạo, phối hợp xác minh, kịp thời phát hiện vụ việc, nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ em và xử lý thật nghiêm đối với đối tượng có các hành vi vi phạm quyền trẻ em một cách nghiêm trọng.
Trước đó, mạng xã hội xuất hiện một số clip ghi lại cảnh bé trai mặc bỉm ở cạnh người đàn ông có nhiều hình xăm. Người đàn ông nhiều lần chửi bới, cầm búa đe dọa, ép bé trai hút bình khí giống ma túy đá. Một tài khoản trên mạng sau đó thừa nhận bé trai là con mình và cho biết bé đang ở cùng mẹ và người tình ở huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh. Công an huyện Hóc Môn đã đến địa điểm được cho là nơi bé trai đang ở; tuy nhiên, cảnh sát cho biết đây là địa chỉ ma.
Ép trẻ em sử dụng ma túy là vi phạm pháp luật hình sự
Liên quan vụ việc, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Ủy viên Ban Chấp hành Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam cho biết: Cưỡng ép trẻ em sử dụng trái phép chất ma túy là hành vi không thể chấp nhận được bất kể vì nguyên nhân nào. Ép buộc trẻ em sử dụng trái phép chất ma túy là chuyện rất hiếm xảy ra bởi người trưởng thành, đặc biệt là người nghiện ma túy thường sẽ nhận thức rất rõ nguy hại của chất ma túy đối với sức khỏe con người, đối với trẻ em thì tác hại của ma túy còn lớn hơn gấp nhiều lần đối với người đã thành niên. Bởi vậy, đối tượng nào (là người nghiện ma túy) nhưng lại cưỡng ép trẻ em sử dụng trái phép chất ma túy thì đây là hành vi không thể tha thứ, là hành vi mất tính người, vi phạm pháp luật hình sự đến mức phải chịu chế tài nghiêm khắc của pháp luật.
Clip người đàn ông xăm mình, dọa nạt, ép buộc cháu bé còn rất nhỏ tuổi sử dụng vật dụng nghi là sử dụng ma túy là một vụ việc nghiêm trọng, có dấu hiệu tội phạm, bởi vậy cơ quan điều tra sẽ vào cuộc xác minh làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật. Cho dù đây không phải là hành vi ép buộc trẻ em sử dụng trái phép chất ma túy thì hành vi ép buộc trẻ em sử dụng dụng cụ giống như sử dụng trái phép chất ma túy cũng là hành vi vi phạm pháp luật, là hành vi bạo hành trẻ em gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Cơ quan điều tra sẽ làm rõ nguồn gốc của clip này, xác định danh tính của người đăng tải clip, mục đích đăng tải clip và nội dung clip này để có căn cứ giải quyết theo quy định pháp luật. Kết quả xác minh của cơ quan điều tra thì dù có phải là hành vi ép buộc sử dụng trái phép chất ma túy hay không, đối tượng này cũng vẫn sẽ bị xử lý bằng chế tài nghiêm khắc của pháp luật.
Trong trường hợp kết quả xác minh của cơ quan điều tra cho thấy đối tượng này đã cưỡng bức, ép buộc cháu bé còn rất nhỏ tuổi như vậy sử dụng trái phép chất ma túy thì đối tượng sẽ bị xử lý hình sự về tội cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy và hình phạt có thể tới 20 năm tù. Cụ thể tội danh và hình phạt được bộ luật hình sự quy định tại Điều 257 - Tội cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy.
Nghiêm cấm công dân sử dụng trái phép chất ma túy
Theo luật sư Đặng Văn Cường, ma túy là chất gây nghiện và bị nhà nước cấm sử dụng. Người sử dụng trái phép chất ma túy sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, năng lực nhận thức, khả năng điều khiển hành vi, ảnh hưởng đến khả năng lao động, làm việc, khánh kiệt kinh tế và gây ra nhiều hậu quả nguy hại cho xã hội. Bởi vậy các quốc gia đều nghiêm cấm việc công dân sử dụng trái phép chất ma túy. Ở Việt Nam, chất ma túy là chất cấm.
Luật Phòng chống tác hại ma túy quy định: “Chất ma túy là chất gây nghiện, chất hướng thần được quy định trong danh các danh mục do Chính phủ ban hành”. Vì vậy, các chất được xác định là chất ma túy sẽ nằm trong danh mục các chất mà Chính phủ quy định. Hiện nay danh mục các chất ma túy được quy định kèm theo Nghị định 57/2022/NĐ-CP. Bởi vậy, nếu người nào sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, tổ chức sử dụng, ép buộc, dụ dỗ người khác sử dụng trái phép chất ma, chiếm đoạt trái phép chất ma túy thì sẽ bị xử lý hình sự với chế tài nghiêm khắc.
Khoản 5, Điều 5 Luật Phòng chống ma túy cũng quy định các hành vi bị nghiêm cấm; trong đó có hành vi: "Sử dụng, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy; cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy; chứa chấp, hỗ trợ việc sử dụng trái phép chất ma túy.".
Trong xã hội, trẻ em là đối tượng đặc biệt, được nhà nước quan tâm và có những quy định pháp luật đặc biệt, nhiều quy định riêng để bảo vệ trẻ em. Theo quy định của pháp luật trẻ em thì trẻ em là người dưới 16 tuổi, đây là người ở độ tuổi còn chưa phát triển đầy đủ về thể chất, tinh thần, đang trong quá trình hình thành nhân cách. Bởi vậy việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em được thực hiện theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, đặc biệt là quy định của Luật Trẻ em, Công ước quốc tế về Quyền trẻ em và các văn bản pháp luật có liên quan.
Luật Trẻ em nghiêm cấm mọi hành vi bạo hành, xâm hại trẻ em, nghiêm cấm các hành vi mua chuộc, dụ dỗ, ép buộc trẻ em sử dụng rượu, bia, thuốc lá và các chất gây nghiện khác. Cụ thể, khoản 9, Điều 6 Luật Trẻ em năm 2016 quy định các hành vi bị cấm; trong đó có hành vi: "Bán cho trẻ em hoặc cho trẻ em sử dụng rượu, bia, thuốc lá và chất gây nghiện, chất kích thích khác, thực phẩm không bảo đảm an toàn, có hại cho trẻ em.".
Bởi vậy, trong vụ việc này, cơ quan chức năng sẽ làm rõ dụng cụ mà các đối tượng này sử dụng có phải là dụng cụ sử dụng trái phép chất ma túy hay không và sẽ làm rõ em bé này có dương tính với chất ma túy hay không. Việc xác định nguồn gốc clip, danh tính của những người có trong clip và xác định đây có phải là hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, ép buộc sử dụng trái phép chất ma túy hay không không khó.
Sau khi xác định được người đăng tải clip, cơ quan chức năng sẽ làm rõ được danh tính của những người có hình ảnh trong clip, có thể tiến hành khám xét khẩn cấp để thu giữ các phương tiện đồ vật, tiến hành xét nghiệm đối với người đàn ông này và cháu bé để xác định những người này có dương tính với chất ma túy hay không.
Trong trường hợp kết quả xác minh cho thấy cháu bé dương tính với chất ma túy do hành vi của người đàn ông đã ép buộc trẻ em sử dụng trái phép chất ma túy, cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối tượng này về Tội cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy theo Điều 257 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt là phạt tù từ 15 năm đến 20 năm tù.
Trường hợp kết quả xác minh cho thấy cháu bé đã dương tính với chất ma túy, cơ quan điều tra cũng sẽ phối hợp với gia đình và cơ quan chức năng để tiến hành khám, điều trị, can thiệp bằng các biện pháp y tế để giảm thiểu đến mức thấp nhất những tổn thương, ảnh hưởng đến sức khỏe của cháu bé…
Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng sẽ làm rõ đối tượng trong clip này có hành vi mua bán, tàng trữ, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy hay không để xử lý theo quy định của pháp luật. Trường hợp có căn cứ cho thấy ngoài hành vi cưỡng ép cháu bé sử dụng trái phép chất ma túy, đối tượng này còn có hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, tàng trữ trái phép chất ma túy hoặc mua bán trái phép chất ma túy thì những hành vi này đều là hành vi vi phạm pháp luật hình sự. Theo đó, đối tượng này cũng sẽ bị xử lý với các tội danh tương ứng theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/bao-hanh-ep-tre-em-hut-ma-tuy-doi-dien-hinh-phat-nao.html