Bạo hành trẻ em: Vết thương tinh thần khó lành
Bạo hành trẻ em luôn là vấn đề gây nhức nhối và ám ảnh trong xã hội hiện nay. Tuy chưa có con số thống kê cụ thể nhưng thực tế cho thấy, số vụ bạo hành trẻ em đang có chiều hướng phức tạp cả về tính chất và mức độ vi phạm, để lại những hậu quả vô cùng nghiêm trọng không chỉ về thể xác mà còn là vết thương về tinh thần hằn sâu trong tâm trí của trẻ.
Những vụ việc đau lòng
Một trong những vụ việc đau lòng phải kể đến đó là cô trông trẻ nhét giẻ vào miệng bé trai 12 tháng tuổi tại lớp mầm non tư thục Sao Việt (Thái Bình), xảy ra vào tháng 6/2021. Mặc cho cháu bé đang khóc lóc giãy giụa, người phụ nữ này còn dùng tay giữ chặt khiến bé càng thêm hoảng sợ. Người có hành vi nhét giẻ vào miệng cháu bé là Lê Thị Lành (SN 2002, trú tại xã Vũ Lăng, huyện Tiền Hải, Thái Bình), đang là sinh viên năm thứ 2, không phải là giáo viên và cũng không có hợp đồng làm việc với nhóm trẻ này. Với hành vi này, Lê Thị Lành bị tuyên phạt 21 tháng tù về tội "Hành hạ người khác".
Tại Hà Nội, một trường hợp thương tâm đó là bé gái 6 tuổi ở Bắc Từ Liêm (Hà Nội) bị bố ruột dùng đũa, thanh tre và cán chổi đánh vào chân, tay, mông và lưng dẫn đến tử vong. Còn tại Bình Dương, bé trai 12 tuổi bị cha dượng là Lê Hoài Nam (29 tuổi, tạm trú tại Bình Quới B, phường Bình Chuẩn) thường xuyên đánh đập, quát mắng. Dù khóc lóc van xin, liên tục gọi "ba, ba" nhưng cháu bé vẫn bị người đàn ông này chửi bới, đe dọa, đấm đá tới tấp, thậm chí có lúc người này còn nhấc bổng bé trai lên ném xuống.
Thực trạng đáng đau lòng khác đó là các bé gái bị cha dượng xâm hại. Trong số đó có thể kế đến vụ việc cháu Nguyễn Hải B. (12 tuổi), bị mẹ ruột là Hoàng Thị Thu Huyền (SN 1987, ở phường Hà Cầu, quận Hà Đông, Hà Nội) nhiều lần ngược đãi, hành hạ bằng việc dùng tay hoặc các vật dụng như ống nhựa, gậy gỗ, dây điện... để đánh đập , cha dượng là Phạm Thanh Tùng (31 tuổi, trú tại Vạn Phúc, Hà Đông) xâm hại.
Mới đây nhất, sự việc khiến dư luận lên án mạnh mẽ đó là bé gái 8 tuổi bị người tình của bố bạo hành dẫn đến tử vong tại TP.HCM. Vụ việc gây sốc và khiến dư luận vô cùng căm phẫn. Bên cạnh lên án hành vi tàn bạo của người phụ nữ, nhiều ý kiến cũng lên tiếng chỉ trích sự dửng dưng, máu lạnh của cha ruột nạn nhân.
Mới đây, Võ Nguyễn Quỳnh Trang (26 tuổi, quê Gia Lai), người phụ nữ bạo hành bé gái 8 tuổi, đã bị Công an quận Bình Thạnh (TP.HCM) khởi tố bị can, bắt tạm giam 2 tháng về tội hành hạ người khác. Người cha trong vụ việc là Nguyễn Kim Trung Thái (36 tuổi, ngụ quận 1, TP HCM) cũng bị bắt khẩn cấp để điều tra về hành vi giúp sức cho người tình trong việc bạo hành bé gái.
Nhiều hệ quả tiêu cực
Theo các chuyên gia, bạo hành trẻ em để lại nhiều hệ quả vô cùng tiêu cực, không chỉ làm thể chất suy kiệt khiến trẻ còi cọc, chậm phát triển, bệnh tật, ốm đau… mà còn hằn sâu vết thương tâm trí nghiêm trọng, khiến tâm lý trẻ luôn trong tình trạng lo sợ, tự ti, rụt rè, nhút nhát.
Đặc biệt, đối với những trường hợp có hành vi bạo hành với trẻ là người thân trong gia đình như bố, mẹ thì lòng tự trọng của trẻ lại càng bị tổn thương, sẽ làm cho trẻ có suy nghĩ “xung quanh mình không có ai tốt cả, vì đến người thân nhất của mình còn có hành vi xấu”.
Khi bị bạo hành nhiều, trẻ rất có thể thay đổi hành vi ứng xử. Có trẻ đang hiền lành, hòa nhã, lễ phép bỗng trở nên thô lỗ, nóng nảy, cục cằn và hung bạo. Ngược lại, có nhiều trẻ khi bị bạo hành sẽ thu mình lại, sống khép kín, cô lập, hay buồn phiền suy nghĩ, luôn thấy tự ti, ngại giao tiếp, không dám đưa ra suy nghĩ của bản thân và rất dễ lâm vào tình trạng trầm cảm.
Nghiêm trọng hơn, việc bạo hành làm trẻ mất niềm tin vào người lớn, tình yêu thương. Khi trưởng thành có thể trở nên cục súc, nóng nảy dễ có hành vi bạo lực. Chưa hết, việc bố, mẹ hoặc người thân có hành vi bạo hành với trẻ, hậu quả lâu dài, hành vi đó còn trở thành tấm gương cho trẻ học và noi theo. Và rồi, khi trẻ lớn lên, trở thành bố - mẹ cũng sẽ lại bạo hành với con mình. Đây chính là hành vi bạo hành theo kiểu… di truyền.
Nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng bạo hành đau lòng xảy ra với các em nhỏ này, theo một số chuyên gia, đó là do sự suy thoái về lối sống, đạo đức của người lớn, các bậc làm cha, làm mẹ, làm thầy cô. Cùng với đó, trình độ nhận thức, hiểu biết về pháp luật của một bộ phận người lớn còn rất kém, nhiều người làm cha mẹ không hiểu, biết về quyền của trẻ em đã được pháp luật quy định và liên tục vi phạm. Bên cạnh đó, hoàn cảnh gia đình, kinh tế khó khăn, mâu thuẫn gia đình, cha mẹ bị cuốn vào tệ nạn xã hội, ma túy, cơ bac... cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến bạo hành trẻ em.
Chia sẻ về giải pháp hạn chế nạn bạo hành trẻ em, các chuyên gia cho rằng cần phải tuyên truyền sâu rộng, thường xuyên, liên tục đến từng gia đình, nhà trường, khu dân cư để họ hiểu, nhận thức rõ các quy định của pháp luật về bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Đồng thời cần trang bị cho các bậc làm cho mẹ kỹ năng ứng xử văn hóa trong gia đình, giúp họ nhận thức rõ hơn hệ lụy đi kèm với hành vi bạo hành trẻ.
Ngoài ra, cần có các chế tài xử lý nghiêm khắc, mang tính răn đe cao hơn nữa đối với những trường hợp vi phạm. Song, điều quan trọng nhất vẫn là sự vào cuộc, chung tay góp sức, sự tố giác, đấu tranh kịp thời của toàn xã thì việc phòng ngừa, chấm dứt các vụ việc bạo hành trẻ em mới đạt hiệu quả cao nhất.
Nguồn Công Lý: https://congly.vn/bao-hanh-tre-em-vet-thuong-tinh-than-kho-lanh-201660.html