Bảo hiểm bắt buộc đối với xe máy: Cần đơn giản hóa thủ tục đòi bồi thường
Một số ý kiến cho rằng, bảo hiểm bắt buộc đối với xe máy là cần thiết nhưng cơ quan bảo hiểm cần 'đơn giản hóa' thủ tục khi đòi bồi thường, đồng thời có chế tài xử lý nghiêm đối với hành vi 'trốn' bảo hiểm.
Nên bỏ hay giữ bảo hiểm bắt buộc đối với xe máy?
Bảo hiểm bắt buộc đối với xe máy là chính sách an sinh xã hội của Chính phủ của nhiều quốc gia trên thế giới, nhằm bảo đảm nguồn hỗ trợ đủ lớn và kịp thời cho nạn nhân trong các vụ việc tai nạn giao thông; đồng thời góp phần tăng thu ngân sách cho nhà nước .
Tại Việt Nam, theo Thông tư 04/2021/TT-BTC, xe máy phải có bảo hiểm trách nhiệm dân sự (TNDS) bắt buộc. Mức phí có 3 loại: 1. Xe máy dưới 50 phân khối (dưới 50cc), xe máy điện: 60.500 đồng/năm; 2. Xe máy (mô tô) trên 50cc: 66.000 đồng/năm; 3. Xe phân khối lớn (trên 175cc), xe mô tô 3 bánh, các loại xe khác: 319.000 đồng/năm.
Đây là loại bảo hiểm được áp dụng ở Việt Nam từ năm 1988; không chi trả cho người mua bảo hiểm (chủ xe) mà chi trả cho nạn nhân (bên thứ ba) nếu không may xảy ra tai nạn.
Tuy nhiên, mới đây, nhiều cử tri tại một số địa phương như: Đồng Nai, Bình Dương, Quảng Ninh,… đều có chung đề xuất bỏ quy định bắt buộc tham gia bảo hiểm đối với mô tô, xe gắn máy; chuyển sang hình thức mua tự nguyện. Đồng thời, kiến nghị cơ quan quản lý phải tăng cường kiểm soát, "đơn giản hóa" việc chi trả bồi thường bảo hiểm khi xảy ra tai nạn.
Cử tri cho rằng, việc mua bảo hiểm nên chuyển sang hình thức tự nguyện; nếu không chỉ mang tính chất đối phó, còn thực tế nếu xảy ra tai nạn, thủ tục đòi bồi thường khó khăn, tỷ lệ được chi trả thường thấp.
“Quy định này không hợp lý và không cần thiết vì khi xảy ra tai nạn, hầu như không có chi trả tiền bồi thường cho người mua do thủ tục phức tạp và số tiền bồi thường không đáng kể”, cử tri Quảng Ninh cho biết.
Trả lời về vấn đề này, Bộ vẫn giữ nguyên quan điểm về việc cần thiết có bảo hiểm bắt buộc với xe gắn máy. Bộ Tài chính lấy ví dụ, nhiều nước vẫn áp dụng bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ ô tô, mô tô, xe máy như Ấn Độ, Trung Quốc, Singapore quy định tham gia giao thông khi không có bảo hiểm trách nhiệm dân sự với bên thứ ba là bất hợp pháp và có thể áp dụng hình phạt tù trong trường hợp tái phạm, vi phạm nhiều lần.
Bộ Tài chính đã đề xuất Chính phủ sửa đổi một số quy định liên quan đến bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới như: bổ sung quy định giảm phí bảo hiểm; tăng tỷ lệ chi hỗ trợ nhân đạo từ 25% lên 30%; thu hẹp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm; tiếp tục đơn giản hóa hồ sơ bồi thường bảo hiểm; bổ sung quy định doanh nghiệp bảo hiểm phải thực hiện ghi âm các cuộc gọi đến đường dây nóng để bảo đảm quyền lợi của bên mua bảo hiểm…
Cần đơn giản hóa thủ tục
Trả lời phỏng vấn báo chí, TS. Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho rằng, các vụ tai nạn giao thông xảy ra trong nhiều tình huống khác nhau. Người gây tai nạn cũng có thể bị thiệt mạng, hoặc không có khả năng tài chính để khắc phục những thiệt hại do họ gây ra.
"Nếu những vấn đề này không được giải quyết, người bị nạn không có nguồn tài chính để được hỗ trợ kịp thời, thì các vấn đề về công bằng, về an sinh xã hội cũng sẽ bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng", ông Minh nhấn mạnh.
Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với chủ xe cơ giới được đặt ra là để bảo vệ quyền lợi của các nạn nhân trong các vụ tai nạn giao thông do xe cơ giới gây ra. Tuy nhiên, trong trường hợp vẫn giữ nguyên quy định, thì phải đơn giản hóa thủ tục chi trả và có chế tài với hàng chục triệu xe “trốn” mua bảo hiểm, đảm bảo quy định pháp luật đã ban hành phải thực thi nghiêm.
Bên cạnh đó, cũng những ý kiến cho rằng nên bỏ loại hình bảo hiểm này bởi không đem lại hiệu quả trên thực tế. "Tôi nghĩ nên bỏ bảo hiểm bắt buộc đối với xe máy, ưu tiên bảo hiểm tự nguyện, dựa trên sự thỏa thuận giữa các công ty bảo hiểm và người dân. Việc mua bảo hiểm tự nguyện xuất phát từ nhu cầu thực tế của người dân nên sẽ lựa chọn được hình thức phù hợp. Bên cạnh đó, người dân mua bảo hiểm tự nguyện cho xe cơ giới cũng sẽ tạo động lực cho các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm cung cấp những sản phẩm bảo hiểm thích hợp với nhu cầu của khách hàng, mang lại lợi ích thiết thực cho xã hội", anh Nguyễn Việt H. (30 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) bày tỏ.
Thế nhưng, với thực tế thu nhập và thị hiếu của đa số người sử dụng xe máy, việc bỏ bảo hiểm bắt buộc chưa chắc đã giúp người dân chuyển sang mua bảo hiểm tự nguyện. Khi nhiều người dân lựa chọn không mua một loại bảo hiểm nào, gánh nặng có thể sẽ bị đẩy về phía Nhà nước và chính các gia đình có người thân gặp nạn.
Hầu hết những ý kiến cho rằng nên bỏ bảo hiểm bắt buộc đối với xe máy còn xuất phát từ việc hồ sơ bồi thường bảo hiểm khá “rườm rà”, gây khó khăn cho các bên trong vụ việc tai nạn. Cụ thể, những tài liệu như: tài liệu chứng minh thiệt hại về tài sản, các tài liệu liên quan của cơ quan Công an, biên bản giám định xác định nguyên nhân và mức độ tổn thất do doanh nghiệp bảo hiểm tạo lập… khó thu thập đầy đủ. Do đó, trong nhiều vụ việc tai nạn không gây chết người, người gây tai nạn và nạn nhân thường mặc dù đã đóng bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc nhưng vẫn lựa chọn tự thỏa thuận bồi thường thiệt hại về người và tài sản.
Tuy nhiên, sau khi Nghị định 03/2021/NĐ-CP và Thông tư 04/2021/TT-BTC được ban hành, đã mang đến nhiều điểm thay đổi vượt trội, tập trung vào việc đơn giản hóa thủ tục, hồ sơ bồi thường, tạo điều kiện cho việc chi trả bồi thường bảo hiểm được thực hiện nhanh chóng, tiết kiệm thời gian và công sức cho các bên liên quan.
Khi xảy ra tai nạn, chủ xe chỉ cần gọi hotline thông báo cho công ty bảo hiểm để được hướng dẫn, hoặc để công ty bảo hiểm cử người tới giám định, hướng dẫn, sau đó thu thập các giấy tờ, hồ sơ luôn có sẵn trong quá trình sửa chữa khôi phục tài sản, điều trị thương tật, chi phí bồi thường tử vong của bên thứ ba cung cấp cho công ty bảo hiểm là được bồi thường.
Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, những cải tiến trong thủ tục, hồ sơ bồi thường cũng như luôn chú trọng việc nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng của các doanh nghiệp bảo hiểm là điều kiện tiên quyết để người dân tin tưởng tham gia bảo hiểm.