Bảo hiểm bắt buộc đối với xe máy điện: Hợp lý nhưng cũng phải thực tế
Nếu dự thảo Thông tư được thông qua, Thông tư này sẽ thay thế Thông tư số 22/2016/TT-BTC ngày 16-2-2016 quy định Quy tắc, điều khoản, biểu phí và mức trách nhiệm bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự (TNDS) của chủ xe cơ giới và một số Thông tư khác của Bộ Tài chính.
Bộ Tài chính vừa hoàn thành dự thảo Thông tư quy định chi tiết thi hành Nghị định của Chính phủ về bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới. Dự thảo đã bổ sung thêm mức phí của xe máy điện là 55.000 đồng. Trong dự thảo Thông tư lần này, nội dung đáng chú ý là nâng mức trách nhiệm bảo hiểm với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng do xe cơ giới gây ra. Mức trách nhiệm bảo hiểm này quy định trong Thông tư số 22/2016/TT-BTC là 100 triệu đồng/vụ.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, mức bồi thường này chưa theo kịp với biến động ngày càng tăng về giá dịch vụ khám, điều trị, chăm sóc y tế và chi phí sửa chữa, thay thế tài sản bị thiệt hại trong các vụ tai nạn do xe cơ giới gây ra. Do vậy, trong dự thảo Thông tư, mức bồi thường này được tăng lên là 150 triệu đồng/vụ (tăng thêm 50 triệu đồng so với quy định hiện nay). Như vậy, nếu dự thảo được thông qua, xe máy điện cũng phải mua bảo hiểm bắt buộc TNDS.
Nhận định về vấn đề này, luật sư Nguyễn Hồng Thái (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, cần khẳng định xe máy điện là một loại xe cơ giới. Xe cơ giới được hiểu là các loại xe có động cơ, chạy bằng các loại nhiên liệu như xăng, dầu, điện… mà không phải chạy bằng sức người (xe đạp, xe xích lô…) hay sức vật kéo (xe trâu, bò kéo…). Do đó, việc Bộ Tài chính quy định bổ sung xe máy điện vào danh mục xe cơ giới là có cơ sở pháp lý, phù hợp với quy định của Luật Giao thông đường bộ 2008.
Hiện tại, Nghị định 103/2008/NĐ-CP và Thông tư 22/2016/TT-BTC đã có quy định về bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới, nhưng không quy định rõ về bảo hiểm đối với xe máy điện. Đồng thời, biểu phí bảo hiểm xe cơ giới ban hành theo Thông tư 22 cũng không quy định chủ sở hữu xe máy điện phải mua Bảo hiểm xe cơ giới.
Điều này có thể xuất phát từ thực tiễn sử dụng xe máy điện khoảng 10 năm trở về trước trong nhân dân không nhiều, các vấn đề pháp lý liên quan đến loại xe này như đăng ký quản lý, sở hữu, trách nhiệm của chủ xe khi tham gia giao thông… chưa phát sinh nhiều nên Chính phủ và các cơ quan hữu quan chưa đặt ra các quy định quản lý cụ thể.
Tuy nhiên, khoảng thời gian gần đây, khi loại xe này trở nên phổ biến hơn, nhất là đối với các lứa tuổi học sinh, sinh viên thì việc quản lý là cần thiết. Đặc biệt trong bối cảnh số lượng các vụ tai nạn giao thông do xe máy điện gây ra càng ngày càng tăng, hậu quả từ các vụ tai nạn này cũng rất nghiêm trọng.
Vì vậy, việc bổ sung quy định về mua bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe máy điện là phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, giúp bù đắp một phần cho bên thứ ba bị thiệt hại do xe máy điện gây ra.
Nói về tính khả thi của việc mua bảo hiểm TNDS bắt buộc đối với xe máy điện, luật sư Thái khẳng định: “Tính khả thi của quy định này khi được thông qua và đi vào thực hiện còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, chủ yếu ở khâu quản lý đăng ký”.
Theo luật sư Thái, hiện nay, mặc dù đã có quy định các loại xe máy điện muốn lưu thông thì phải đăng ký cấp biển số xe. Tuy nhiên, thực tế có rất ít chủ xe thực hiện nghiêm túc quy định này. Trong khi đó, việc mua bảo hiểm cơ xe cơ giới lại gắn với đích danh từng xe theo biển số đăng ký, đặt ra vấn đề khó quản lý đối với việc mua bảo hiểm đầy đủ của chủ xe máy điện.
Luật sư Thái đưa ra kiến nghị, để giải quyết các tình trạng trên, các cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền, thắt chặt quản lý để người dân nâng cao ý thức khi sử dụng xe máy điện tham gia giao thông, để từ đó tự giác đăng ký biển số xe, mua bảo hiểm xe cơ giới.
Đồng thời, cũng góp phần giải quyết các bất cập và khó khăn chung trong việc quản lý bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với các xe máy cũng như các loại xe cơ giới khác.