Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: Nhiều quy định mới
Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 88/2020/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (TNLĐ, BNN) bắt buộc và Nghị định số 58/2020/NĐ-CP quy định lại mức đóng BHXH bắt buộc vào Quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN.
Khắc phục nhiều bất cập
Nghị định 88 quy định chế độ cho người lao động (NLĐ) phát hiện bị BNN khi đã nghỉ hưu, hoặc không còn làm việc trong các nghề, công việc có nguy cơ bị BNN. Căn cứ khoản 3, Điều 5 của Nghị định, NLĐ bị BNN, thân nhân NLĐ bị BNN được Quỹ BHXH về TNLĐ, BNN chi trả các chế độ theo quy định tại Mục 3, Chương III Luật ATVSLĐ đối với NLĐ tham gia BHXH bắt buộc. Đồng thời, hỗ trợ 100% chi phí khám, chữa BNN tính theo biểu giá khám, chữa BNN do Bộ Y tế ban hành tại thời điểm NLĐ khám, chữa BNN sau khi đã được BHYT chi trả.
Như vậy, so với Nghị định 37/2016/NĐ-CP, Nghị định 88 đã nâng mức hỗ trợ chi phí chữa BNN lên 100%, thay vì 50% như trước đây. Mặt khác, bổ sung thêm đối tượng được hưởng là “thân nhân NLĐ bị BNN”, thay vì chỉ giới hạn là NLĐ bị BNN như trước đây.
Nghị định 88 cũng quy định, NLĐ được hỗ trợ kinh phí chữa BNN theo quy định tại Luật ATVSLĐ 2015 khi có đủ các điều kiện như đã được chẩn đoán bị BNN tại cơ sở khám bệnh, chữa BNN; đã tham gia bảo hiểm TNLĐ, BNN đủ 12 tháng trở lên và đang tham gia tính đến tháng liền kề trước tháng đề nghị hỗ trợ kinh phí chữa BNN; có tham gia BHXH bắt buộc trong thời gian làm các nghề, công việc gây BNN.
Điều 21 Nghị định 88/2020/NĐ-CP quy định mức hỗ trợ kinh phí chữa BNN bằng 50% chi phí chữa BNN tính theo biểu giá chữa BNN tại thời điểm NLĐ chữa BNN theo quy định của Bộ Y tế sau khi đã được BHYT chi trả, nhưng không quá 15 triệu đồng/người.
Nghị định mới cũng bỏ điều kiện người sử dụng lao động (NSDLĐ) đã tổ chức khám, phát hiện BNN cho NLĐ theo quy định. Việc bỏ điều kiện này phù hợp với thực tế. Nếu giữ theo quy định cũ, nhiều NLĐ không được hưởng hỗ trợ kinh phí chữa BNN do nhiều đơn vị sử dụng lao động không tổ chức khám, phát hiện BNN cho NLĐ.
Điểm tựa an sinh cho người lao động
Nghị định 58 quy định lại mức đóng BHXH bắt buộc vào Quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN có những điểm mới căn bản so với Nghị định số 44/2017/NĐ-CP, là ngoài NSDLĐ theo khoản 3, Điều 2, Luật BHXH, bổ sung thêm đối tượng áp dụng là các cơ quan, tổ chức và cá nhân khác có liên quan đến việc thực hiện đóng vào Quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN trong BHXH bắt buộc.
Về mức đóng, bên cạnh mức đóng bình thường bằng 0,5% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH áp dụng chung cho các doanh nghiệp (DN), đơn vị sử dụng lao động, Nghị định 58 còn quy định mức đóng thấp hơn là bằng 0,3% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH được áp dụng đối với DN hoạt động trong các ngành nghề có nguy cơ cao về TNLĐ, BNN. Để được áp dụng mức đóng thấp hơn bình thường, DN cũng phải bảo đảm 3 điều kiện như: Trong vòng 3 năm tính đến thời điểm đề xuất không bị xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền, không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi vi phạm pháp luật về ATVSLĐ và BHXH.
Thực hiện việc báo cáo định kỳ TNLĐ và báo cáo về ATVSLĐ chính xác, đầy đủ, đúng thời hạn trong 3 năm liền kề trước năm đề xuất. Tần suất TNLĐ của năm liền kề trước năm đề xuất phải giảm từ 15% trở lên so với tần suất TNLĐ trung bình của 3 năm liền kề trước năm đề xuất, hoặc không để xảy ra TNLĐ tính từ 3 năm liền kề trước năm đề xuất.
Theo đại diện Phòng Việc làm - ATLĐ, Sở LĐ-TB&XH, Nghị định số 58 đã mang đến nhiều lợi ích cho NLĐ. Nếu không may quá trình làm việc xảy ra tai nạn, thì NLĐ được hưởng TNLĐ, BNN tùy theo tỷ lệ suy giảm khả năng lao động. Như vậy, chế độ TNLĐ, BNN sẽ bù đắp một phần tổn thất cho NLĐ mang tính thiết thực và hữu ích. Ngoài ra, đối với DN và đơn vị sử dụng lao động, việc chấp hành nghiêm quy định về đóng bảo hiểm TNLĐ, BNN vừa thể hiện tinh thần thượng tôn pháp luật, vừa giúp DN giảm chi phí tài chính khi chẳng may NLĐ bị TNLĐ, BNN, vì phần lớn chi phí đã được quỹ BHXH chi trả.
Bên cạnh đó, những DN, đơn vị sử dụng lao động có nguy cơ cao về TNLĐ, BNN được đóng mức thấp hơn mức bình thường, góp phần làm giảm gánh nặng tài chính cho họ.