Bảo hiểm tàu thuyền đảm bảo quyền lợi cho ngư dân hoạt động trên biển
Hiện nay, toàn tỉnh có 2.279 tàu thuyền với 6.280 thuyền viên. Trong đó, 2.092 tàu cá có chiều dài từ 6 m - dưới 15 m; 187 tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên. Trong tổng số 187 tàu thuyền có chiều dài từ 15 m trở lên đánh bắt hải sản vùng biển khơi thì có trên 130 tàu mua bảo hiểm tàu thuyền với trên 893 thuyền viên đóng bảo hiểm. Nhờ có bảo hiểm, các tổn thất trong quá trình hoạt động đánh bắt hải sản sẽ trở nên ít nghiêm trọng hơn, thậm chí không đáng kể đối với cộng đồng những người cùng tham gia bảo hiểm.
Ngư dân Bùi Đình Chiến (SN 1963), ở Khu phố 6, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh là chủ tàu vỏ thép Việt Chiến 09, mang số hiệu QT - 98888 TS. Mặc dù trước đây, gia đình đã có một tàu vỏ gỗ công suất máy 725 CV hành nghề lưới rê bùng nhùng, nhưng từ khi Chính phủ ban hành Nghị định 67, ông quyết tâm đóng mới tàu vỏ thép để phục vụ việc đánh bắt hải sản ở ngư trường khơi xa được tốt hơn và góp phần bảo vệ ngư trường, biển đảo quê hương.
Năm 2015, ông ký hợp đồng đóng tàu mới với Công ty Nguyễn Văn Tuấn (Thái Bình). Tàu vỏ thép dài 31m, cao 3,6 m, rộng 8m, công suất máy 829 CV của ông Chiến được đưa vào hoạt động vào đầu năm 2017 với tổng kinh phí 22 tỉ đồng.
Tàu vỏ thép của ông Chiến hành nghề lưới chụp, chủ yếu hoạt động ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Sau khi đưa vào hoạt động, tàu của ông tạo việc làm ổn định cho 10 lao động với thu nhập bình quân từ 8 - 10 triệu đồng/người/tháng. Để đảm bảo an toàn cho những chuyến vươn khơi, ngay sau khi tàu hoàn thành, ông Chiến đã mua bảo hiểm thân tàu và bảo hiểm tai nạn thuyền viên của Công ty Bảo Việt Quảng Trị.
“Năm đầu tiên, tôi đóng 100 triệu đồng tiền bảo hiểm. Qua thời gian giá trị chiếc tàu giảm xuống nên hiện nay, tôi mua bảo hiểm thân tàu 50 triệu đồng, bảo hiểm tai nạn thuyền viên cho 10 người hết 3 triệu đồng. Từ khi đi vào hoạt động đến nay, Công ty Bảo Việt Quảng Trị đã bồi thường cho tàu của tôi 2 lần. Lần đầu tiên tàu của tôi mất dù giảm xóc do lốc xoáy cuốn đứt. Lần thứ 2 là dây neo bị đứt cũng do lốc xoáy. Nếu không có bảo hiểm thì tôi phải tự trả khoảng 170 triệu đồng để sửa chữa. Nhờ đóng bảo hiểm nên tôi giảm bớt gánh nặng. Ngoài ra, vừa qua trong lúc đang hoạt động khai thác hải sản, một thuyền viên của tôi bị gãy tay. Sau đó, bảo hiểm đã hỗ trợ cho thuyền viên này 9 triệu đồng”, ông Chiến kể.
Cũng theo ông Chiến, việc mua bảo hiểm thân tàu và bảo hiểm tai nạn thuyền viên rất có lợi cho ngư dân. Tùy theo mức chủ tàu đóng bảo hiểm mà khi xảy ra rủi ro, tai nạn trong quá trình hoạt động khai thác hải sản sẽ được công ty bảo hiểm hỗ trợ, chi trả mức phù hợp.
Theo Công ty Bảo Việt Quảng Trị, năm 2021, toàn tỉnh có 72 tàu (chiều dài trên 15 m) mua bảo hiểm tại công ty với tổng phí bảo hiểm thân tàu 1,194 tỉ đồng, phí bảo hiểm tai nạn thuyền viên 120 triệu đồng. Trong năm này, công ty đã bồi thường cho 23 trường hợp bảo hiểm thân tàu với 584 triệu đồng; 7 trường hợp tai nạn thuyền viên với số tiền 62 triệu đồng. 9 tháng năm 2022, có 60 tàu mua bảo hiểm tàu thuyền với tổng phí bảo hiểm thân tàu 806 triệu đồng, bảo hiểm tai nạn thuyền viên 90 triệu đồng.
Phó Giám đốc Công ty Bảo Việt Quảng Trị Trần Nguyễn Trường Sơn cho hay, từ đầu năm 2022 đến nay, Công ty Bảo Việt Quảng Trị đã bồi thường thiệt hại cho 11 trường hợp bảo hiểm thân tàu với số tiền 640 triệu đồng; 7 trường hợp tai nạn thuyền viên với số tiền 80 triệu đồng. Trong đó, có nhiều trường hợp nhận được số tiền bồi thường lớn. Từ số tiền này, các chủ tàu mua sắm lại ngư lưới cụ, tu sửa, đóng mới tàu thuyền để phục vụ đánh bắt, khai thác hải sản.
Đơn cử như trường hợp của ông Đinh Văn Trinh, chủ tàu QT - 93377 TS ở xã Triệu An, huyện Triệu Phong bị hỏng máy vào cuối năm 2018 được bồi thường 252 triệu đồng. Sau đó, tháng 3/2019 tàu của ông Trinh bị cháy và chìm trong lúc khai thác hải sản, được Công ty Bảo Việt Quảng Trị bồi thường 4 tỉ đồng. Hay như tàu QT - 91999 TS của ngư dân Bùi Đình Huệ ở thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh bị hư hỏng máy chính được bồi thường 425 triệu đồng...
Ông Trần Nguyễn Trường Sơn cho biết thêm, thời gian qua, Công ty Bảo Việt Quảng Trị thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức tuyên truyền, phổ biến và vận động người dân mua bảo hiểm tàu thuyền để bảo đảm quyền lợi cho họ trong quá trình hoạt động khai thác, đánh bắt hải sản.
Tuy nhiên, vì lý do khách quan như: thu nhập của ngư dân không ổn định, lực lượng lao động biển thường xuyên thay đổi, chi phí nhiên liệu tăng cao... khiến cho nhiều tàu cá trên địa bàn tỉnh hoạt động cầm chừng, hiệu quả thấp. Vì vậy, một số ngư dân không thể mua bảo hiểm tàu thuyền theo quy định hoặc mua với tỉ lệ phí thấp.
Theo Chi cục Thủy sản, những năm qua, Sở Nông nghiệp & PTNT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản hướng dẫn về tăng cường công tác quản lý tàu cá, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động khai thác hải sản. Sở Nông nghiệp & PTNT cũng có văn bản số 1975/SNN-TS ngày 14/9/2021 về việc tăng cường công tác bảo đảm an toàn để giảm thiểu sự cố gây thiệt hại về người và tài sản trên biển. Trong đó, đề nghị các đơn vị tăng cường thông tin tuyên truyền đối với tàu cá hoạt động trên biển, nhất là vùng biển khơi phải mua bảo hiểm thân tàu và bảo hiểm tai nạn thuyền viên.
Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản Phan Hữu Thặng cho biết, thời gian tới, đơn vị sẽ triển khai các giải pháp để đảm bảo an toàn cho ngư dân trong hoạt động khai thác hải sản. Thường xuyên kiểm tra tình trạng kỹ thuật của tàu cá trước khi đưa tàu ra khơi hoạt động. Hướng dẫn thuyền trưởng tàu cá khi điều khiển tàu hành trình, khai thác, neo đậu trên biển phải thường xuyên bố trí người cảnh giới và sử dụng tín hiệu, vật hiệu cảnh báo để chủ động tránh đâm va trên biển. Chủ tàu phải có trách nhiệm mua bảo hiểm thân tàu và các loại bảo hiểm bắt buộc khác cho thuyền viên và người làm việc trên tàu cá theo quy định.
Chi cục sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan phổ biến cho ngư dân biết trong quá trình đóng mới, cải hoán không được lắp đặt trên tàu các loại máy kém chất lượng, máy ô tô (động cơ ô tô, máy kéo được thủy hóa), các máy tàu không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Thực hiện nghiêm việc kiểm tra an toàn kỹ thuật hằng năm theo quy định.
Bên cạnh đó, tổ chức trực ban 24/7 vận hành hệ thống giám sát hành trình tàu cá để theo dõi, giám sát tàu cá hoạt động trên biển, kịp thời cung cấp thông tin và cảnh báo cho tàu cá về tình hình thời tiết trên biển; hướng dẫn ngư dân tránh trú bão an toàn và kết nối với các cơ quan chức năng có liên quan để kịp thời hỗ trợ ngư dân khi cần thiết.