Bảo hiểm TIC tham vọng dẫn đầu mảng bảo hiểm xe cơ giới
Sau khi về tay Tasco, bảo hiểm TIC được tái cơ cấu với tham vọng chiếm lĩnh mảng bảo hiểm xe cơ giới ngay trong năm nay.
Công ty TNHH Tasco Auto là tên mới của SVC Holdings kể từ ngày 23/1, bước đi chiến lược tiếp theo của Tasco trong quá trình hoàn thiện mô hình kinh doanh tích hợp theo chiều dọc, tiến đến tham gia chuỗi giá trị cao hơn của ngành công nghiệp ô tô.
Trong hệ sinh thái phân phối ô tô Tasco, sau loạt trạm BOT là hệ thống phân phối ô tô mới Tasco Auto, chuỗi phân phối ô tô cũ Carpla và có thêm một mảng mới là bảo hiểm Tasco (tên gọi tắt là bảo hiểm TIC).
Bảo hiểm TIC tiền thân là Công ty bảo hiểm Groupama Assurances Mutuelles (Pháp), một trong những nhà bảo hiểm xe cơ giới của nước ngoài đầu tiên vào thị trường Việt Nam từ năm 2001.
Sau quá trình đàm phán kéo dài suốt cả năm 2022 và nửa đầu năm 2023, Tasco và Groupama đi đến thỏa thuận cuối cùng về việc Tasco tiếp quản hãng bảo hiểm nước ngoài làm ăn không hiệu quả.
Ngày 29/9/2023, Bộ Tài chính có công văn phê duyệt thay đổi pháp nhân toàn diện đối với bảo hiểm TIC, thay đổi địa điểm trụ sở chính từ TP.HCM ra Hà Nội, thay đổi người đại diện pháp luật.
Người chịu trách nhiệm cao nhất ở TIC từ ngày 29/9/2023 là ông Đỗ Văn Tuấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc TIC.
Theo công bố của TIC, doanh nghiệp đặt mục tiêu trở thành doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ có vốn điều lệ lớn nhất thị trường vào năm 2024 (5.000 tỷ đồng).
Ngoài ra, TIC không giấu diếm tham vọng dẫn đầu về thị phần và dịch vụ trong lĩnh vực bảo hiểm xe cơ giới tại Việt Nam, dẫn đầu về công nghệ bảo hiểm (Insurtech) trong năm nay.
Cơ sở để TIC đặt mục tiêu tham vọng là bởi trong hệ sinh thái của Tasco hiện sở hữu trực tiếp và gián tiếp tới 86 đại lý ô tô, phân phối xe mới cho 14 thương hiệu, gồm Toyota, Ford, Mitsubishi và thương hiệu xe sang Volvo, doanh thu của mảng ô tô vượt 1 tỷ USD mỗi năm.
Trong vòng 5 tháng cuối năm 2023, thông qua đơn vị thành viên là Greenlynk Automotives, Tasco đã hoàn thành việc đàm phán, ký kết, các thủ tục đăng kiểm, xây dựng showroom, xây dựng đội ngũ để đưa Lynk & Co, thương hiệu ô tô hạng sang từ Trung Quốc về Việt Nam.
Tasco Auto cũng bỏ vốn lập chuỗi Carpla, nền tảng phân phối ô tô cũ với nhiều tiện ích độc đáo từ online đến offline. Hiện tại, Carpla có 6 siêu thị xe cũ trên toàn quốc với 1.500 kỹ thuật viên.
Theo các chuyên gia bảo hiểm, thế mạnh của Tasco quản lý vận hành hệ thống thu phí tự động VETC, ứng dụng điện thoại của VETC sẽ là nguồn cơ sở dữ liệu quan trọng về loại phương tiện, tần suất đi lại…giúp bảo hiểm TIC rút ngắn thời gian tiếp cận khách hàng mục tiêu.
Ngoài ra, hệ thống đại lý bán xe mới với tổng thị phần khoảng 13,5% toàn ngành, sẽ cung cấp cho TIC tệp khách hàng bảo hiểm xe mới từ 50 - 70 nghìn chiếc mỗi năm.
Tuy nhiên, khó khăn đối với bảo hiểm TIC là mạng lưới đại lý hiện chưa bao phủ toàn quốc, ngoài một chi nhánh mới lập ở TP.HCM.
Đội ngũ giám định viên bảo hiểm cũng là điểm yếu hiện tại của TIC cần được bổ sung để đáp ứng các quy định mới của Luật kinh doanh bảo hiểm và nghị định 67/2023 về bảo hiểm bắt buộc.