Bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc của chủ xe cơ giới: Những điểm mới cần lưu ý

Từ 1/3/2021, Nghị định 03/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới (thay thế Nghị định 103/2008/NĐ-CP) và Thông tư 04/2021 của Bộ Tài chính hướng dẫn chi tiết một số điều của Nghị định 03/2021 chính thức có hiệu lực.

Dưới đây là một số điểm mới đáng lưu ý về bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc của chủ xe cơ giới tại Nghị định 03/2021 và Thông tư 04/2021.

Bảo hiểm dân sự bắt buộc đối với xe máy.

Bảo hiểm dân sự bắt buộc đối với xe máy.

Được cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử

Tại khoản 4 Điều 6 Nghị định 03/2021, trường hợp cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử, doanh nghiệp bảo hiểm phải tuân thủ các quy định của Luật Giao dịch điện tử và các văn bản hướng dẫn thi hành; Giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử phải tuân thủ đầy đủ các quy định hiện hành và phản ánh đầy đủ các nội dung quy định tại khoản 3 Điều này.Như vậy, theo quy định mới, từ 1/3/2021, cá nhân mua bảo hiểm bắt buộc có thể được cấp Giấy chứng nhận điện tử.

Người tham gia giao thông phải luôn mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm còn hiệu lực (bản cứng hoặc bản điện tử) khi tham gia giao thông, xuất trình giấy tờ này khi có yêu cầu của lực lượng cảnh sát giao thông và cơ quan chức năng có thẩm quyền khác theo quy định của pháp luật.

Thời hạn bảo hiểm kéo dài tối đa 3 năm

Theo khoản 1 Điều 9 Nghị định 03/2021 thì thời hạn ghi trên giấy chứng nhận bảo hiểm như sau: Xe mô tô hai bánh, ba bánh, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe có kết cấu tương tự theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, thời hạn bảo hiểm tối thiểu là 1 năm và tối đa là 3 năm.

Đối với các xe cơ giới còn lại, thời hạn bảo hiểm tối thiểu là 1 năm và thời hạn tối đa tương ứng với thời hạn kiểm định an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường định kỳ. Trường hợp này thì thời hạn kiểm định phải có thời hạn trên 1 năm.

Các trường hợp thời hạn bảo hiểm dưới một năm, gồm: Xe cơ giới nước ngoài tạm nhập, tái xuất có thời hạn tham gia giao thông trên lãnh thổ nước Việt Nam dưới một năm; niên hạn sử dụng của xe cơ giới nhỏ hơn một năm theo quy định của pháp luật; xe cơ giới thuộc đối tượng đăng ký tạm thời.

Đồng thời, khoản 4, Điều 7 Nghị định 03/2021 còn quy định đối với các xe cơ giới được phép mua bảo hiểm có thời hạn khác một năm thì mức đóng bảo hiểm được tính dựa trên phí bảo hiểm và tương ứng với thời hạn được bảo hiểm.

Theo đó, phí bảo hiểm phải nộp được tính bằng phí bảo hiểm năm theo loại xe cơ giới chia cho 365 ngày rồi nhân với thời hạn được bảo hiểm (tính theo ngày).

Trường hợp thời hạn được bảo hiểm từ 30 ngày trở xuống, phí bảo hiểm phải nộp được tính bằng phí bảo hiểm năm theo loại xe cơ giới chia cho 12 tháng.

Tại khoản 1 Điều 10 Nghị định 103/2008 thì thời hạn ghi trên giấy chứng nhận bảo hiểm là một năm, trong một số trường hợp theo quy định tại khoản này thì thời hạn bảo hiểm có thể dưới một năm.

Phí bảo hiểm có thể cao hơn tối đa 15%

Khoản 3 Điều 7 Nghị định 03/2021 quy định căn cứ vào lịch sử tai nạn của từng xe cơ giới và năng lực chấp nhận rủi ro của mình, doanh nghiệp bảo hiểm chủ động xem xét, điều chỉnh tăng phí bảo hiểm; mức tăng phí bảo hiểm tối đa là 15% tính trên phí bảo hiểm do Bộ Tài chính quy định.

Trong khi đó, tại Nghị định 103/2008 không hề có quy định này.

Cần hiểu rõ về bảo hiểm trách nhiệm dân sự

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đình Cảnh (Công ty Bảo hiểm Hàng không) cho biết: “Bảo hiểm trách nhiệm dân sự có ý nghĩa là phía bảo hiểm sẽ trả cho chủ xe số tiền mà chủ xe đã bồi thường cho nạn nhân (gọi là bên thứ ba) trong vụ tai nạn giao thông. Nhiều người cho rằng mua bảo hiểm này không có ý nghĩa gì cả nhưng trên thực tế lại rất có ích cho chủ xe cơ giới. Trong trường hợp chủ xe không may qua đời sau tai nạn thì bên bảo hiểm sẽ đứng ra thay chủ xe để bồi thường cho bên thứ ba”.

Ông Cảnh phân tích thêm, tại Nghị định 103/2008 chỉ quy định chung chung như sau: “Trường hợp cần thiết, doanh nghiệp bảo hiểm phải tạm ứng ngay những chi phí cần thiết và hợp lý trong phạm vi trách nhiệm bảo hiểm nhằm khắc phục hậu quả tai nạn”.Tuy nhiên, theo khoản 2 Điều 14 Nghị định 03/2021 thì trong vòng 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo của bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm về vụ tai nạn, doanh nghiệp bảo hiểm phải tạm ứng bồi thường đối với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng.

Cụ thể, đối với trường hợp đã xác định được vụ tai nạn thuộc phạm vi bồi thường thiệt hại thì phía bảo hiểm sẽ bồi thường 70% mức bồi thường bảo hiểm theo quy định/1 người/1 vụ đối với trường hợp tử vong; 50% mức bồi thường bảo hiểm theo quy định/1 người/1 vụ đối với trường hợp tổn thương bộ phận được điều trị cấp cứu. Còn đối với trường hợp chưa xác định được vụ tai nạn thuộc phạm vi bồi thường thiệt hại thì phía bảo hiểm sẽ bồi thường 30% mức trách nhiệm bảo hiểm theo quy định trường hợp tử vong; 10% mức trách nhiệm bảo hiểm theo quy định/1 người/1 vụ đối với trường hợp tổn thương bộ phận được điều trị cấp cứu.

Theo Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 04/2021, phí bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đối với xe máy và xe ô tô 1 năm như sau: Xe mô tô 2 bánh từ 50 cc trở xuống phí bảo hiểm là 55.000 đồng, trên 50 cc là 60.000 đồng. Đối với xe ô tô không kinh doanh vận tải loại dưới 6 chỗ ngồi là 437.000 đồng; Loại xe từ 6 đến 11 chỗ ngồi là 794.000 đồng; Loại xe từ 12 đến 24 chỗ ngồi là 1.270.000 đồng.

Đáng lưu ý, với Nghị định 03/2021 và Thông tư 04/2021, chủ xe máy điện phải có trách nhiệm mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc của chủ xe cơ giới với mức phí là 55.000 đồng.

Ông Cảnh cũng lưu ý, để đảm bảo quyền lợi, người mua bảo hiểm nên gọi ngay vào đường dây nóng của công ty bảo hiểm trong trường hợp chẳng may gây tai nạn. Đây là cách để bảo vệ tài chính của mình và bảo vệ cả người thứ ba.

Cùng bàn về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Văn Dũng (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) nhận định: Trên thực tế, bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới là sự thỏa thuận giữa bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm. Điều kiện bồi thường bảo hiểm cũng phải tuân theo các nội dung trong hợp đồng bảo hiểm.

Cũng theo Luật sư Dũng, hiện nay, cùng với sự gia tăng số lượng xe thì các vụ tai nạn cũng nhiều hơn; số người thiệt mạng, bị thương hoặc tàn phế theo đó tăng lên,… tạo ra gánh nặng về kinh tế cho cả chủ xe, người bị nạn, gia đình và xã hội.Chính vì lẽ đó, việc sở hữu cho bản thân một bảo hiểm trách nhiệm dân sự sẽ giảm bớt phần nào gánh nặng đối với các chủ xe cơ giới, nếu không may có tai nạn xảy ra.

Luật sư Dũng nhấn mạnh, trên thực tế, việc giải quyết hậu quả của những vụ tai nạn giao thông thường rất phức tạp và mất nhiều thời gian vì một số lý do như: Sau khi gây tai nạn một phần do hoảng sợ, một phần do thiếu trách nhiệm, lái xe đã bỏ trốn để mặc cho nạn nhân phải chịu hậu quả; Lái xe quá nghèo, không đủ khả năng tài chính để bồi thường thiệt hại cho người thứ ba cũng như cho chủ xe; Sau tai nạn lái xe bị thiệt mạng không thể bồi thường cho nạn nhân được.Do đó, để đảm bảo bù đắp những thiệt hại sau những vụ tai nạn, thì việc tham gia bảo hiểm xe cơ giới là hoàn toàn cần thiết. Phía công ty bảo hiểm sẽ bù đắp các thiệt hại của chính chủ xe cũng như thay mặt chủ xe bồi thường cho bên thứ ba, giúp họ nhanh chóng khắc phục hậu quả tai nạn và sớm ổn định cuộc sống./.

Hà Phong

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/bao-hiem-trach-nhiem-dan-su-bat-buoc-cua-chu-xe-co-gioi-nhung-diem-moi-can-luu-y-119701.html