Bảo hiểm Xã hội cần sớm làm chủ công nghệ để phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn

Sáng ngày 9/12/2022, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc - Chủ tịch Hội đồng Quản lý Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tham dự và chủ trì Kỳ họp quý IV năm 2022 của Hội đồng.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc - Chủ tịch Hội đồng Quản lý Bảo hiểm xã hội Việt Nam chủ trì Kỳ họp quý IV năm 2022 của Hội đồng. Ảnh: BH

Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc - Chủ tịch Hội đồng Quản lý Bảo hiểm xã hội Việt Nam chủ trì Kỳ họp quý IV năm 2022 của Hội đồng. Ảnh: BH

Tham dự kỳ họp có: Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Quản lý (HĐQL) Bảo hiểm xã hội (BHXH), Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh; Phó Chủ tịch chuyên trách HĐQL BHXH Nguyễn Văn Cường.

Tại kỳ họp, thay mặt HĐQL, ông Nguyễn Văn Cường - Phó Chủ tịch chuyên trách HĐQL đã báo cáo về hoạt động của HĐQL trong năm 2022.

BHXH Việt Nam cần có đánh giá tổng thể, chi tiết về những vấn đề này, đưa ra các giải pháp; trong đó BHXH Việt Nam cần đặc biệt quan tâm đẩy mạnh, tiếp tục đổi mới công tác truyền thông, phát huy hơn nữa vai trò của các đoàn thể từ trung ương đến địa phương trong tiếp cận tuyên truyền, vận động người dân, người lao động tham gia BHXH, BHYT một cách bền vững, hướng tới các nhóm dư địa lớn.

Ông Cường cho biết, qua kiểm tra tại các địa phương cho thấy, tiềm năng và dư địa của nhóm người tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), BHXH tự nguyện còn lớn. Tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi làm việc tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đạt thấp so với chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết số 28-NQ/TW.

Tỷ lệ bao phủ BHYT có xu hướng giảm so với cuối kỳ năm 2021. Số người đề nghị hưởng BHXH một lần có chiều hướng gia tăng tại các BHXH tỉnh, thành phố. Tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, BHYT, BHTN còn xảy ra ở một số địa phương, đơn vị khám chữa bệnh (KCB) BHYT...

Phó Chủ tịch chuyên trách HĐQL BHXH Nguyễn Văn Cường báo cáo tại kỳ họp. Ảnh: H.T

Phó Chủ tịch chuyên trách HĐQL BHXH Nguyễn Văn Cường báo cáo tại kỳ họp. Ảnh: H.T

Vẫn còn tình trạng số được quyết toán thấp hơn số chi sau giám định do vượt tổng mức thanh toán và không được quyết toán; công tác quản lý, đăng ký KCB BHYT ban đầu, thanh quyết toán chi phí KCB giữa cơ quan BHXH và cơ sở KCB còn vướng mắc.

Số người đề nghị hưởng BHXH một lần có chiều hướng gia tăng tại BHXH các tỉnh, thành phố; tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, BHTN, BHYT còn xảy ra ở một số địa phương, đơn vị khám chữa bệnh BHYT…

Sau khi nghe báo cáo, các thành viên HĐQL BHXH Việt Nam đánh giá cao những kết quả ngành BHXH Việt Nam đã đạt được, tuy nhiên, các thành viên cũng nhận định, còn không ít khó khăn, thách thức trong thực hiện nhiệm vụ của ngành thời gian tới như: Thị trường lao động suy giảm, tình trạng thất nghiệp hiện đang có xu hướng gia tăng sẽ ảnh hưởng lớn tới việc thực hiện các chính sách BHXH, BHTN. Bên cạnh đó, tình trạng nợ BHXH, BHYT, nhận BHXH 1 lần vẫn tiếp diễn phức tạp, để lại nhiều hệ lụy, khiến nhiều người lao động không đủ điều kiện nhận lương hưu, ảnh hưởng đến an sinh xã hội lâu dài…

Vì vậy, theo các thành viên, BHXH Việt Nam cần có đánh giá tổng thể, chi tiết về những vấn đề này, đưa ra các giải pháp; trong đó BHXH Việt Nam cần đặc biệt quan tâm đẩy mạnh, tiếp tục đổi mới công tác truyền thông, phát huy hơn nữa vai trò của các đoàn thể từ trung ương đến địa phương trong tiếp cận tuyên truyền, vận động người dân, người lao động tham gia BHXH, BHYT một cách bền vững, hướng tới các nhóm dư địa lớn.

Sau khi nghe các thành viên HĐQL tham gia ý kiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch HĐQL, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã yêu cầu BHXH Việt Nam, trên cơ sở báo cáo kết quả đầu tư từ quỹ bảo hiểm năm 2022 và phương án đầu tư năm 2023, thực hiện hình thức đầu tư, mức đầu tư và quản lý trong đầu tư theo đúng quy định của pháp luật; đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch.

Để thuận lợi cho việc theo dõi quỹ, Bộ trưởng cũng đề nghị BHXH Việt Nam phải có báo cáo cụ thể, thường xuyên về hình thức đầu tư, mức đầu tư, lãi suất thực hiện đầu tư về HĐQL.

Đặc biệt về việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, BHXH Việt Nam đã đi sớm nhất về CNTT, nhưng hiện nay lại chưa làm chủ được công nghệ. Do đó, Bộ trưởng đề nghị BHXH Việt Nam cần sớm chủ động làm chủ công nghệ, áp dụng vào thực hiện công tác chi trả, thanh quyết toán cơ sở KCB, cơ quan lao động để phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.

Đồng thời, BHXH Việt Nam cần tiếp tục xây dựng cơ chế chính sách và hoàn thiện tính pháp lý để việc triển khai nhiệm vụ quản lý và phục vụ nhân dân, doanh nghiệp…, đẩy mạnh phát triển người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT tự nguyện đảm bảo an sinh xã hội.

BHXH Việt Nam cần sớm chủ động làm chủ công nghệ, áp dụng vào thực hiện công tác chi trả, thanh quyết toán cơ sở KCB, cơ quan lao động để phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.

Về dự toán ngân sách và quyết toán, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc yêu cầu BHXH Việt Nam cần thực hiện công khai, đảm bảo sự minh bạch; xây dựng dự toán sát với tình hình thực tế và có báo cáo thường xuyên về HĐQL để các thành viên theo dõi, nắm bắt. Đối với thanh quyết toán chi phí KCB cần chủ động nghiên cứu và đưa ra các giải pháp giải quyết những tồn tại để xử lý sớm, tránh kéo dài; nội dung vượt thẩm quyền của BHXH Việt Nam cần báo cáo ngay các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

“Với những tồn tại, vướng mắc, đề xuất kiến nghị tại các báo cáo, BHXH Việt Nam cần phối hợp với các bộ, ngành trung ương và địa phương tháo gỡ kịp thời, tránh để kéo dài tồn đọng nhiệm vụ. Ngoài ra, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát các nhiệm vụ chuyên môn để ngăn chặn kịp thời những hành vi gian lận và trục lợi” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐQL, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh phát biểu tại kỳ họp. Ảnh: B.H

Phó Chủ tịch Thường trực HĐQL, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh phát biểu tại kỳ họp. Ảnh: B.H

Thay mặt BHXH Việt Nam, ông Nguyễn Thế Mạnh - Phó Chủ tịch thường trực HĐQL, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết sẽ tiếp thu các ý kiến của thành viên HĐQL và tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chuyên môn hoàn thiện và tổ chức triển khai, đưa ra các giải pháp trong thực hiện nhiệm vụ năm 2023. Đồng thời, ông Nguyễn Thế Mạnh cũng đề nghị HĐQL thông qua Đề án Chiến lược phát triển ngành BHXH Việt Nam đến năm 2030; quyết toán tài chính năm 2021; dự toán thu, chi năm 2023 và Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2023-2025.../.

Vân Hà

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/bao-hiem-xa-hoi-can-som-lam-chu-cong-nghe-de-phuc-vu-nguoi-dan-doanh-nghiep-tot-hon-118376.html