Bảo hiểm Xã hội Hà Tĩnh đầu tư CNTT, cắt giảm nhiều thủ tục hành chính
24 năm xây dựng và trưởng thành, BHXH tỉnh Hà Tĩnh ngày càng đến gần hơn với người dân. Trong bước đi mới, đơn vị đang tập trung đầu tư phát triển công nghệ thông tin (CNTT), hiện đại hóa hành chính nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động.
Để hiện đại hóa hành chính, BHXH tỉnh xác định việc ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan đơn vị là vô cùng quan trọng. Ông Phan Văn Thân – Trưởng phòng CNTT BHXH tỉnh cho biết: “Công tác ứng dụng CNTT, cải cách hành chính luôn được BHXH tỉnh quan tâm triển khai quyết liệt từ nhiều năm qua. Các văn bản, kế hoạch được tham mưu và ban hành đều gắn với việc ứng dụng CNTT để nâng cao năng suất lao động, hiệu quả quản lý và đẩy mạnh CCHC. BHXH tỉnh cũng tự hào luôn là đơn vị đi đầu trong thực hiện các kế hoạch, nhiệm vụ chung về cải cách hành chính của ngành”.
Có được kết quả đó, BHXH tỉnh đã ban hành văn bản quan trọng như: hướng tới hỗ trợ các đơn vị sử dụng lao động thực hiện giao dịch điện tử; ngừng các phần mềm nghiệp vụ cũ, ứng dụng chính thức các nghiệp vụ trên phần mềm quản lý nghiệp vụ tập trung (phần mềm 3S); triển khai, chạy thử, vận hành và nghiệm thu thiết bị mạng WAN của ngành; tập huấn thực hiện giao dịch điện tử các chế độ ngắn hạn BHXH vv… Trong lĩnh vực giao dịch điện tử, BHXH Hà Tĩnh luôn tăng cường cải cách hành chính trên tất cả các lĩnh vực nghiệp vụ của ngành.
Từ năm 2012, BHXH tỉnh Hà Tĩnh đã triển khai phần mềm Văn phòng điện tử thông minh (IOffice). Hiện nay, các văn bản trong nội bộ ngành từ cấp huyện, cấp tỉnh gửi ra BHXH Việt Nam đều được sử dụng văn bản ký số.
100% công chức, viên chức quản lý trong toàn ngành đã được Ban Cơ yếu Chính phủ cấp chữ ký số để ký văn bản điện tử trong điều hành và chỉ đạo. Hệ thống hộp thư điện tử công vụ ngành được triển khai từ năm 2017 được vận hành tốt với 329 hộp thư công vụ ngành và 77% trong số đó được sử dụng thường xuyên.
Năm 2015, khi Hà Tĩnh được BHXH Việt Nam lựa chọn là 1 trong 2 đơn vị trên toàn quốc ứng dụng thí điểm phần mềm 3S, cơ sở hạ tầng CNTT tại BHXH tỉnh đã tiếp tục được đầu tư nâng cấp đầy đủ với 347 máy tính, 172 máy in, mạng LAN, mạng WAN. Sau thí điểm, BHXH Việt Nam đã cho ra đời hệ thống phần mềm nghiệp vụ quản lý tập trung dữ liệu từ trung ương. Hiện nay, tất cả các hoạt động nghiệp vụ đều được ứng dụng phần mềm CNTT để xử lý và quản lý. Mạng Internet, mạng LAN, mạng WAN của ngành đều được tận dụng để triển khai các công nghệ mới.
Những đầu tư về CNTT cũng đã giúp quá trình triển khai thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở các mức độ đạt kết quả tốt hơn. Nếu như ban đầu, ngành BHXH có 115 thủ tục hành chính thì nhờ ứng dụng CNTT, đã cắt giảm xuống 33 thủ tục vào năm 2015; đến 2016, 2017 còn 32 thủ tục và năm 2018 tiếp tục cắt giảm chỉ còn 28 thủ tục hành chính, trong đó có 19 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3.
Đến hết năm 2018, toàn tỉnh có 3.768/3.768 đơn vị sử dụng lao động thực hiện giao dịch điện tử, đạt tỷ lệ 100%. Số lượt hồ sơ thủ tục được xử lý trực tiếp mức độ 3 trong năm 2018 là: 30.956 lượt, tương ứng với 134.084 hồ sơ điện tử.
Bên cạnh đó, ngành BHXH còn phối hợp Ngành Y tế triển khai thành công hệ thống thông tin giám định BHYT, liên thông dữ liệu hàng ngày giữa ngành Y tế với cơ quan BHXH. Hiện nay, đã có 281/281 cơ sở có liên thông dữ liệu khám chữa bệnh (KCB) BHYT với cổng tiếp nhận thông tin KCB BHYT. Năm 2018, đã thực hiện giám định điện tử cho gần 1,8 triệu hồ sơ. Tỷ lệ hồ sơ KCB BHYT chuyển lên cổng đúng ngày là 90%, trong đó 99,9% hồ sơ đã chuyển qua phần mềm giám định BHYT, đảm bảo cho công tác quản lý quỹ BHYT và giám định điện tử các dữ liệu được kịp thời, chính xác.
Thực hiện chủ trương chung của BHXH Việt Nam, trên nền tảng ứng dụng CNTT những năm qua, BHXH tỉnh cũng đang hướng đến xây dựng hệ sinh thái 4.0, phục vụ người dân và doanh nghiệp với các dịch vụ: SMS, thanh toán trực tuyến, hệ thống chatpot phục vụ khách hàng, hoàn thiện phần mềm để cung cấp tất cả các dịch vụ công có thể lên mức độ 4 vào năm 2020.
Phong Linh