BẢO HIỂM XÃ HỘI LÂM ĐỒNG - ĐỒNG HÀNH CÙNG NGƯỜI DÂN: Dưới góc độ kinh tế: Vì sao nên tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện?

Bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện là một trong những chính sách an sinh xã hội có ý nghĩa sâu sắc đối với người lao động tự do, người có thu nhập thấp và không ổn định để được hưởng lương hưu nhằm giảm bớt khó khăn, rủi ro khi về già, đồng thời khi qua đời, người thân còn được hưởng chế độ tử tuất và mai táng phí. Nhưng thực tế cho thấy BHXH tự nguyện vẫn chưa thực sự thu hút đông đảo người dân tham gia với lý do, thứ nhất, để được hưởng lương hưu, người lao động phải có từ đủ 20 năm tham gia BHXH trở lên, người dân cho rằng thời gian đóng BHXH như vậy là quá dài; lý do thứ hai là về độ tuổi bắt đầu được hưởng lương hưu (khi tham gia BHXH tự nguyện) đối với lao động nam là 62 tuổi, đối với lao động nữ là 60 tuổi, trong khi tuổi thọ bình quân hiện nay của người Việt Nam năm 2024, là 74,5 tuổi (theo Bộ Y tế). Như vậy, khoảng thời gian được hưởng lương hưu không dài (đối với người hưởng lương hưu là nam giới, sẽ hưởng lương hưu bình quân trong 12 năm 6 tháng, nữ giới sẽ hưởng trong 14 năm 6 tháng).

BHXH Lâm Đồng tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT tự đóng

BHXH Lâm Đồng tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT tự đóng

Để giải đáp các băn khoăn của người dân giữa số tiền đóng khi tham gia BHXH tự nguyện với số tiền được hưởng, chúng ta hãy phân tích bài toán trên dưới góc độ kinh tế như sau:

Thứ nhất, về số tiền phải đóng để đủ điều kiện hưởng lương hưu:

Hiện nay, người tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn: mức hỗ trợ bằng 30% (tương đương 99.000 đồng/tháng) mức đóng đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo; bằng 25% (tương đương 82.500 đồng/tháng) đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ cận nghèo; bằng 10% (tương đương 33.000 đồng/tháng) đối với các đối tượng khác.

- Mức đóng do người tham gia BHXH tự nguyện tự lựa chọn, giả sử lấy mức thu nhập là 5.000.000 đồng/tháng để tham gia BHXH tự nguyện. Theo quy định hiện hành, mức hỗ trợ của nhà nước (10%) tối đa không quá 10 năm, do vậy, trong 10 năm đầu, số tiền đóng BHXH tự nguyện hàng tháng sẽ bằng mức đóng (5.000.000 đồng) x tỷ lệ đóng BHXH tự nguyện (22%) - số tiền được nhà nước hỗ trợ (33.000 đồng) = 1.067.000 đồng/tháng. Số tiền đóng trong 10 năm sẽ là 128.040.000 đồng.

Trong 10 năm tiếp theo (không còn số tiền hỗ trợ của Nhà nước), mức đóng 1 tháng sẽ bằng 5.000.000 đồng/tháng x 22% = 1.100.000 đồng/tháng. Số tiền đóng trong 10 năm sẽ là 132.000.000 đồng.

Như vậy, tổng số tiền đóng BHXH tự nguyện trong 20 năm là 260.040.000 đồng.

Thứ hai, về tổng số tiền được hưởng lương hưu trong thời gian từ đủ tuổi nghỉ hưu đến tuổi thọ bình quân = Mức thu nhập hàng tháng chọn đóng x tỷ lệ hưởng x số tháng (được hưởng trong thời gian từ đủ tuổi nghỉ hưu đến tuổi thọ bình quân):

- Lao động là nam, nghỉ hưu ở tuổi 62, tuổi thọ bình quân là 74,5 tuổi (số tháng tương ứng là 74,5 năm - 62 năm = 12,5 năm, tương đương 150 tháng). Theo quy định, đóng BHXH 20 năm thì tỷ lệ để tính lương hưu là 45%. Do đó, tiền lương hưu hàng tháng là 5.000.000 đồng/tháng x 45% = 2.250.000 đồng/tháng.

Số tiền được hưởng trong 12,5 năm là 337.500.000 đồng (2.250.000 đồng/tháng x 150 tháng).

- Lao động là nữ, nghỉ hưu ở tuổi 60, tuổi thọ bình quân là 74,5 tuổi (số tháng tương ứng là 74,5 năm - 60 năm = 14,5 năm, tương đương 174 tháng). Theo quy định, lao động nữ có 15 năm đóng BHXH được hưởng tỷ lệ là 45%, mỗi năm tiếp theo được 2%, do đó, đóng 20 năm thì tỷ lệ hưởng lương hưu là 55%. Tiền lương hưu hàng tháng là 5.000.000 đồng/tháng x 55% = 2.750.000 đồng/tháng.

Số tiền được hưởng trong 14,5 năm là 478.500.000 đồng (2.750.000 đ/tháng x 174 tháng).

Thứ ba, về tổng số tiền được chế độ tử tuất một lần và mai táng phí khi người tham gia BHXH tự nguyện đang hưởng lương hưu qua đời: Chế độ tử tuất 1 lần được nhận tối thiểu bằng 3 tháng lương hưu.

- Số tiền được chế độ tử tuất một lần đối với lao động nam là 6.750.000 đồng (2.250.000 đ x 3 tháng); đối với lao động nữ là 8.250.000 đồng (2.750.000 đ x 3 tháng).

- Tiền mai táng phí là 23.400.000 đồng (bằng 10 tháng lương cơ sở)

Thứ tư, về số tiền hàng năm không phải mua thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT).

Trong suốt quá trình hưởng lương hưu, người hưởng lương hưu còn được cấp Thẻ BHYT để khám, chữa bệnh theo chế độ BHYT mà không phải mua thẻ với mức hưởng được Quỹ BHYT thanh toán là 95% (chỉ còn đồng chi trả 5%). Hiện nay, mức đóng BHYT hàng năm là 1.263.600 đồng.

Do đó, lao động là nam, nghỉ hưu ở tuổi 62, tuổi thọ bình quân là 74,5 tuổi sẽ không phải đóng BHYT trong 12,5 năm (74,5 năm - 62 năm), tương ứng với số tiền không phải bỏ ra là 12,5 năm x 1.263.600 đồng/năm = 15.795.000 đồng.

Tương tự, lao động nữ, nghỉ hưu ở tuổi 60, tuổi thọ bình quân là 74,5 tuổi, số năm không phải đóng BHYT tương ứng là 14,5 năm (74,5 năm - 60 năm) tương ứng với số tiền không phải bỏ ra là 18.322.200 đồng.

Vậy, tổng số tiền được hưởng như sau:

- Đối với lao động nam là 383.445.000 đồng (337.500.000 đồng + 6.750.000 đồng + 23.400.000 đồng + 15.795.000 đồng).

- Đối với lao động nữ là 528.472.200 đồng (478.500.000 đồng + 8.250.000 đồng + 23.400.000 đồng).

Qua phân tích trên cho thấy, tổng số tiền của người tham gia (và thân nhân của người tham gia) BHXH tự nguyện được nhận sẽ cao hơn rất nhiều so với số tiền đã đóng, cụ thể:

- Đối với lao động nam: chênh lệch giữa số tiền hưởng và số tiền đóng là 123.405.500 đồng (383.445.000 đồng - 260.040.000 đồng).

- Đối với lao động nữ: chênh lệch giữa số tiền hưởng và số tiền đóng là 268.432.200 đồng (528.472.200 đồng - 260.040.000 đồng).

Trong tính toán ở trên, các số liệu đều dựa trên mức lương cơ sở hiện hành (năm 2024) và chưa tính đến việc tăng lương cơ sở hằng năm. Trên thực tế, hằng năm, Nhà nước đều tăng lương hưu và điều chỉnh mức lương cơ sở, do vậy số tiền được nhận sẽ cao hơn nhiều so với phân tích ở trên.

Mặt khác, Luật BHXH (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 01/7/2025, chính sách BHXH tự nguyện đã bổ sung thêm chế độ thai sản cho người tham gia BHXH tự nguyện.

Thông qua lời giải bài toán kinh tế nói trên, có thể thấy tính ưu việt của chính sách BHXH tự nguyện. Rõ ràng, đây là chính sách an sinh rất ưu việt mà Đảng và Nhà nước mong muốn mọi người dân đều được tham gia và hưởng thụ.

NHÂN VĂN

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/xa-hoi/202408/bao-hiem-xa-hoi-lam-dong-dong-hanh-cung-nguoi-dan-duoi-goc-do-kinh-te-vi-sao-nen-tham-gia-bao-hiem-xa-hoi-tu-nguyen-e2b3461/