Bảo hiểm xã hội TP Hồ Chí Minh hướng dẫn chuyển đổi mã mức hưởng BHYT
Theo đại diện Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP Hồ Chí Minh, đối với trường hợp chuyển đổi mã mức hưởng bảo hiểm y tế theo quy định tại Khoản 5, Điều 1, Nghị định số 75, thì cơ quan BHXH đã tự động cập nhật dữ liệu mã hưởng bảo hiểm y tế (BHYT) nhưng không cấp lại thẻ BHYT cho người tham gia.
Bảo hiểm xã hội TP Hồ Chí Minh vừa có văn bản gửi các đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn Thành phố, cơ quan quản lý đối tượng người tham gia BHYT hướng dẫn thực hiện Nghị định số 75/2023/NĐ-CP ngày 19/10/2023 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
Theo đó, đối với trường hợp chuyển đổi mã mức hưởng BHYT theo quy định tại Khoản 5, Điều 1, Nghị định số 75 thì cơ quan BHXH đã tự động cập nhật dữ liệu mã hưởng BHYT nhưng không cấp lại thẻ BHYT cho người tham gia. Người tham gia sử dụng ứng dụng VSSID để kiểm tra quyền lợi BHYT được hưởng theo quy định trên và sử dụng thẻ BHYT cũ hoặc Căn cước công dân có gắn chip để đi khám, chữa bệnh, cụ thể:
Đổi mã mức hưởng BHYT từ 80% sang 100% đối với người tham gia kháng chiến và bảo vệ Tổ quốc (có mã đối tượng là KC) quy định tại Khoản 5, Điều 3, Nghị định 146.
Đổi mã mức hưởng BHYT từ 80% sang 95% đối với người phục vụ người có công với cách mạng sống ở gia đình (có mã đối tượng PV) quy định tại Khoản 19, Điều 3, Nghị định 146.
Bổ sung mã đối tượng và mã hưởng BHYT ghi trên thẻ BHYT đối với người tham gia BHYT mới được quy định tại Nghị định số 75 và Nghị định 131/2021/NĐ-CP: cơ quan quản lý đối tượng khẩn trương phối hợp với cơ quan Bảo hiểm xã hội kiểm tra, rà soát, lập danh sách để cấp thẻ BHYT cho các đối tượng được bổ sung tại Nghị định 75/2023/NĐ-CP, cụ thể:
Vợ hoặc chồng liệt sĩ lấy chồng hoặc vợ khác đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo quy định tại Điểm a, Khoản 10, Điều 16 của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng: mã đối tượng ký hiệu là TG và mã hưởng ký hiệu bằng số 3.
Người dân các xã an toàn khu, vùng an toàn khu cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ hiện đang thường trú tại các xã an toàn khu cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đã được cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú: mã đối tượng ký hiệu là AK và mã hưởng ký hiệu bằng số 2.
Người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại các địa bàn xã khu vực II, khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bằng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016 - 2020 mà các xã này không còn trong danh sách các khu vực II, khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ: mã đối tượng ký hiệu là DS và mã hưởng ký hiệu bằng số 3.
Đồng thời, đối với các đối tượng đang tham gia BHYT bắt buộc tại Điều 1, Điều 2, Nghị định 146 nhưng thuộc các đối tượng quy định tại Khoản 1, 2 Công văn này thì đơn vị sử dụng lao động, cơ quan quản lý đối tượng hướng dẫn người tham gia nộp đầy đủ thành phần hồ sơ theo phiếu giao nhận hồ sơ 613 để được cơ quan Bảo hiểm xã hội điều chỉnh mã hưởng Bảo hiểm y tế theo đúng quy định.
Đối với trường hợp đang tham gia BHYT theo nhóm đối tượng học sinh, sinh viên hoặc BHYT hộ gia đình thì hướng dẫn người tham gia liên hệ nhà trường hoặc tổ chức dịch vụ thu để nộp hồ sơ hoàn trả tiền đóng thừa theo quy định.
Theo thống kê của BHXH TP Hồ Chí Minh, tính đến nay, số người tham gia BHXH là 2.506.612 người, trong đó BHXH bắt buộc: 2.474.544 người, BHXH tự nguyện: 32.068 người, đạt tỷ lệ 54% lực lượng lao động trong độ tuổi. Tổng số người tham gia BHTN là 2.425.220 người, đạt tỷ lệ 52% lực lượng lao động trong độ tuổi; tham gia BHYT là 7.901.409 người, tỷ lệ dân số tham gia BHYT là đạt 89 %.