Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đột phá
Qua các phong trào thi đua, đã có hàng trăm sáng kiến, giải pháp mới ứng dụng hoạt động nghiệp vụ hiệu quả, góp phần tạo nên sự đột phá trong việc hoàn thành các kế hoạch, nhiệm vụ được giao của ngành bảo hiểm xã hội (BHXH) giai đoạn 2016 - 2020.
Chẳng hạn, tại Quảng Ninh, xác định cải cách thủ tục hành chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, BHXH tỉnh đã tập trung tối đa nguồn lực, tích cực triển khai nhiều giải pháp tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện theo 3 hình thức: Giao dịch điện tử, dịch vụ bưu chính và trả trực tiếp tại Trung tâm hành chính công. Đến nay, 90% các đơn vị sử dụng lao động đã tham gia giao dịch qua bưu chính; trên 90% số đơn vị giao dịch hồ sơ điện tử.
Tỷ lệ hồ sơ giải quyết trả đúng và trước hạn đạt trên 97%. BHXH tỉnh Quảng Ninh đã triển khai dịch vụ công trực tuyến với 12 thủ tục hành chính mức độ 4; 6 thủ tục mức độ 3 và 9 thủ tục mức độ 2.
Qua khảo sát, sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với công tác tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả thủ tục hành chính của BHXH Quảng Ninh đạt trên 99,5% và không có ý kiến không hài lòng.
Tại Trung tâm Giám định bảo hiểm y tế (BHYT) và thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc (trực thuộc BHXH Việt Nam), từ tháng 3/2017, Trung tâm Quản lý vận hành hệ thống thông tin giám định BHYT, tổng hợp, phân tích dữ liệu, kiểm tra, chỉ đạo BHXH các tỉnh giám định điện tử; thực hiện mua sắm tập trung cấp quốc gia đối với một số thuốc sử dụng trong khám chữa bệnh BHYT.
Thông qua hệ thống, dữ liệu giữa cơ sở khám chữa bệnh và cơ quan BHXH được liên thông, tạo điều kiện tra cứu thông tin thẻ BHYT, lịch sử điều trị của bệnh nhân, danh mục sử dụng cho người bệnh và dữ liệu đề nghị thanh toán BHYT; tiếp nhận kết quả giám định danh mục, kết quả giám định hồ sơ đề nghị thanh toán…
Đặc biệt, phần mềm giám định được xây dựng theo quy trình giám định BHYT có 192 chức năng thuộc 12 quy trình nghiệp vụ.
Các hồ sơ đề nghị thanh toán được giám định điện tử 100% qua hơn 300 quy tắc giám định tự động phát hiện các hồ sơ trùng lặp, sai mức hưởng, sai danh mục, sai giá, sai so với các quy định của Bộ Y tế về khám chữa bệnh, thống kê thanh toán BHYT..., qua đó từ chối trực tiếp hoặc yêu cầu BHXH các địa phương thực hiện giám định chủ động trên hồ sơ bệnh án.
Phần mềm còn có các chức năng cảnh báo trục lợi từ người tham gia BHYT, cơ sở y tế như khám chữa bệnh nhiều lần, khám chữa bệnh sau tử vong...
Năm 2017, hệ thống ghi nhận kết quả giám định giảm trừ số chi không hợp lý trên 2.584 tỷ đồng, gấp gần 4 lần khi chưa áp dụng giám định điện tử. Năm 2018, số tiền giảm trừ là 2.268,8 tỷ đồng và năm 2019 là 1.248,8 tỷ đồng.
Hệ thống thông tin giám định BHYT qua hơn 3 năm hoạt động đã đạt được những kết quả bước đầu, góp phần thay đổi ý thức, nâng cao trách nhiệm quản lý quỹ BHYT không chỉ của ngành BHXH, mà cả ngành y tế, đặc biệt là các cơ sở y tế.
Trong giai đoạn mới 2021 - 2025, BHXH Việt Nam tiếp tục phát động phong trào thi đua toàn ngành hướng tới từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân, phát triển hệ thống thực hiện chính sách BHXH tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, tin cậy và minh bạch.
Theo đó, kết thúc giai đoạn đến năm 2025, ngành BHXH phấn đấu đạt khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH.
Trong đó, nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 2,5% lực lượng lao động trong độ tuổi; khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHTN; có khoảng 55% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hàng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội…
Hàng năm, BHXH Việt Nam phấn đấu hoàn thành kế hoạch phát triển đối tượng tham gia BHYT được giao và đạt mục tiêu đến năm 2025 tỷ lệ tham gia BHYT đạt 95% dân số.
Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/bao-hiem-xa-hoi-viet-nam-dot-pha-post254680.html