Bảo hiểm xe máy giá 10.000 đồng 'nở rộ' những ngày cận Tết
Thời điểm này, những chuyến xe cuối cùng của nhiều người làm ăn, sinh sống, cư trú tại TP.HCM đổ về các tỉnh thành để đón Tết. Thay vì lựa chọn xe khách, không ít người điều khiển xe gắn máy về quê. Vì vậy, dịch vụ bán bảo hiểm xe máy và người ngồi trên xe máy nở rộ khắp nơi với giá 10.000 đồng.
Dọc Quốc lộ 1A xuôi về các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, Xa lộ Hà Nội đi về khu vực miền Trung, Quốc lộ 13 đi các tỉnh miền Đông, Tây Nguyên hay Xa lộ Đại Hàn (quận 12, Thủ Đức, Bình Tân), đường Nguyễn Văn Linh (quận 7), đường Phạm Hùng (quận 8)… đầy rẫy những tấm bảng “bảo hiểm xe gắn máy 10.000 đồng”.
Theo khảo sát của PV báo Người Đưa Tin, đa phần những người bán hàng là sinh viên, công nhân ở lại làm thêm dịp Tết.
Nguyễn Văn Chính (quê ở tỉnh Nghệ An) đang là sinh viên trường đại học Sư phạm Kỹ thuật cho biết: “Tết nay em ở lại làm thêm để kiếm tiền học nên không về quê ăn Tết. Bán bảo hiểm xe máy để hưởng phần trăm là việc dễ làm nhất nhưng hơi cực, vì phải đứng nắng cả ngày”.
Chia sẻ thêm, Chính nói: “Hôm nay em bán được khá nhiều, người mua cũng chủ yếu vì sợ cảnh sát giao thông thổi phạt. Biết là không thể về quê ăn tết cùng gia đình là rất buồn nhưng vì cuộc sống mưu sinh nên phải chấp nhận ở lại thôi anh à”.
Tương tự, Nguyễn Thị Lệ Hoa (quê tỉnh Thanh Hóa) đang là một công nhân ở KCN Sóng Thần, tỉnh Bình Dương cho biết: “Cha mẹ giục về nhưng em kiên quyết ở lại để làm thêm.
Đây là lần đầu tiên em ở lại và đi bán bảo hiểm theo mấy đứa bạn. Mấy ngày hôm nay em bán được khá nhiều, cũng kiếm được ít tiền gửi về phụ gia đình ăn tết”.
Trong khi đó, người mua cho biết, sợ bị xử phạt nên mua để đối phó. “Tôi mua vì sợ trên đường về, cảnh sát giao thông xử phạt vì lỗi này nên mua cho yên tâm. Chứ thực ra, tôi cũng không quan tâm tới quyền lợi gì của các loại bảo hiểm này", anh Nguyễn Đức Năng (quê Đồng Tháp) cho biết.
Theo ghi nhận của PV, người điều khiển xe gắn máy về quê dịp Tết này chủ yếu là tương đối gần với TP.HCM, như các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, miền Đông Nam bộ, Tây Nguyên, các tỉnh nam miền Trung...
Thực chất, với giá 10.000 đồng là “bảo hiểm tự nguyện dành cho người ngồi trên xe gắn máy” mà thôi. Đây cũng là “chiêu” của những người bán nhằm đánh vào tâm lý ham giá rẻ của người dân.
Luật sư Nguyễn Văn Nam (đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết: "Theo quy định thì Giấy chứng nhận bảo hiểm bao gồm 2 sản phẩm bắt buộc và tự nguyện.
Trong đó, phần bảo hiểm bắt buộc có in sẵn biểu giá quy định và tất cả các doanh nghiệp phải in theo mẫu của bộ Tài chính.
Riêng phần bảo hiểm tự nguyện thì doanh nghiệp được tùy ý in theo mẫu riêng nhưng khác màu với phần bảo hiểm bắt buộc để phân biệt và không in giá bán.
Tuy nhiên, hiện nay, nhiều người mua bảo hiểm để đối phó với các quy định là chủ yếu, chứ chưa quan tâm tới các quyền lợi khác".