Bảo hiểm y tế cho học sinh ở nơi vừa 'thoát khó': 'Xoay' đủ cách
Ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn đồng nghĩa với việc học sinh không còn được cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT)...
Đây là lí do khiến nhiều nơi ở Thanh Hóa hiện nay công tác triển khai BHYT cho học sinh vô cùng khó khăn.
Nhiều học sinh dân tộc thiểu số và miền núi sau khi ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn không còn được cấp thẻ BHYT do Quyết định số 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025.
25% học sinh tham gia BHYT
Trường THCS&THPT Bá Thước (huyện Bá Thước, Thanh Hóa) có 100% là học sinh vùng đặc biệt khó khăn. Do ảnh hưởng từ Quyết định 861, gần 700 học sinh của trường phải ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn, chỉ còn lại số ít học sinh của xã Thành Sơn thuộc khu vực III. Không còn được cấp thẻ BHYT, năm học 2021 - 2022, Trường THCS&THPT Bá Thước chỉ có 25% học sinh tham gia BHYT.
Cô giáo Hà Thị Thu, Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Bá Thước cho biết, tỷ lệ học sinh thời điểm vừa ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn tham gia BHYT thấp khiến nhà trường rất trăn trở. Hầu hết các em đều có hoàn cảnh khó khăn, thêm vào đó, nhiều phụ huynh chưa hiểu hết tầm quan trọng của BHYT nên không “mặn mà” mua cho con. Các em tham gia lẻ tẻ từ đầu năm đến cuối năm học mới được 25%.
Tương tự như tình trạng tại Trường THCS&THPT Bá Thước, năm học 2022 - 2023, Trường THCS Xuân Phúc (xã Xuân Phúc, huyện Như Thanh) có 300/321 học sinh không còn được cấp thẻ BHYT. Hầu hết, sau khi không được cấp, học sinh cũng “quên” luôn việc mua BHYT.
Cô giáo Bùi Thị Hương, chủ nhiệm lớp 9B có 27/31 học sinh không còn trong diện được cấp thẻ BHYT chia sẻ: “Từ cấp chuyển sang mua là một sự thay đổi lớn, với học sinh vùng dân tộc thiểu số được xem là cả vấn đề khi cuộc sống của các em, phần lớn đang còn nhiều thiếu thốn, khó khăn”.
Tại Trường Tiểu học Vân Am 1 (xã Vân Am, huyện Ngọc Lặc) - một trong những trường trên địa bàn huyện Ngọc Lặc có nhiều học sinh ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn. Trường có 361 thì có tới 224 học sinh không còn được cấp thẻ BHYT.
Theo ông Nguyễn Tài Toàn, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ngọc Lặc, trong suy nghĩ của người dân, từ xưa đến nay được chu cấp các chế độ trong đó có BHYT trong khi nay phải tự mua nên chưa nhận thức đúng đắn tác dụng, lợi ích, trách nhiệm trong việc phải mua BHYT. Bên cạnh đó, do điều kiện kinh tế một bộ phận nhân dân còn khó khăn, bố mẹ đi làm ăn xa, nhà trường không liên hệ được (không thuộc đối tượng được Nhà nước cấp) nên quá trình vận động mua BHYT cho con em ở nhà gặp rất nhiều khó khăn.
Cũng theo ông Toàn, toàn huyện có 22.400 học sinh, thì có khoảng gần 10.000 học sinh ra khỏi vùng 135, chiếm 44,6% (năm 2022).
Giáo viên, hiệu trưởng bỏ tiền mua BHYT cho học sinh
“Phòng GD&ĐT bên cạnh việc giao cho các trường tuyên truyền đến phụ huynh, học sinh thì phòng cũng phối hợp với một số các đơn vị, doanh nghiệp để có những hỗ trợ. Đặc biệt, có những trường hợp, phòng đề nghị nhà trường kêu gọi nhà hảo tâm quyên góp quỹ để hỗ trợ, cá biệt có trường hợp bản thân giáo viên, hiệu trưởng phải tự bỏ tiền túi ra để mua cho học sinh.
Đến nay, sau nhiều nỗ lực cố gắng trong lãnh chỉ đạo và thực hiện, năm 2023, tỷ lệ học sinh bao phủ BHYT đạt trên 99,8%”, ông Toàn cho biết.
Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ngọc Lặc cho biết, trước tình trạng nhiều học sinh ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn, không còn được cấp BHYT, Phòng GD&ĐT đã phối hợp với các ban, ngành, nhà trường tích cực tuyên truyền đến phụ huynh, học sinh về tầm quan trọng của BHYT.
Theo bà Hà Thị Thu, Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Bá Thước, từ quá trình tuyên truyền vận động trong các buổi sinh hoạt tập trung, sinh hoạt lớp, hội nghị cha mẹ học sinh, năm học 2022 - 2023, trong số gần 700 học sinh trong trường không được cấp BHYT thì có gần 600 em đã tham gia BHYT trở lại.
Cô giáo Trần Thị Anh, chủ nhiệm lớp 3A, Trường Tiểu học Vân Am 1 - nơi có 18/28 học sinh bị ảnh hưởng bởi Quyết định số 861 chia sẻ: “Cách tốt nhất là phải tuyên truyền để họ hiểu về tấm thẻ BHYT. Riêng với học sinh còn khó khăn, giáo viên chúng tôi bỏ tiền ra mua trước cho các em, phụ huynh sẽ gửi sau, gửi dần. Với hoàn cảnh nào thì sẽ phải ứng xử với hoàn cảnh đó, để đích cuối cùng, các em có trên tay tấm thẻ BHYT, hỗ trợ lúc ốm đau”.
Được biết, hiện đã có trên 98% số học sinh vùng dân tộc thiểu số và miền núi của Thanh Hóa ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn tham gia BHYT sau khi không còn được ngân sách Nhà nước cấp. Trong số đó, nhiều em có hoàn cảnh khó khăn cũng đã được BHXH tỉnh, UBND cấp huyện trao tặng thẻ, góp phần nâng cao tỷ lệ bao phủ BHYT trong học sinh, giúp các em có điều kiện chăm sóc sức khỏe tốt hơn...
Theo Bảo hiểm xã hội tỉnh Thanh Hóa, thực hiện Quyết định 861 của Thủ tướng Chính phủ dẫn đến nhiều học sinh thuộc các huyện miền núi không tiếp tục được ngân sách Nhà nước mua thẻ BHYT, dẫn đến tỉ lệ tham gia BHYT học sinh ở những huyện này còn chưa cao.
Để nâng cao tỷ lệ học sinh tham gia BHYT, BHXH tỉnh đang chỉ đạo BHXH các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với chính quyền địa phương rà soát, phân loại số học sinh chưa tham gia BHYT tổng hợp gửi Ban Dân tộc tỉnh báo cáo UBND tỉnh xem xét trình HĐND tỉnh có cơ chế chính sách hỗ trợ thêm từ ngân sách địa phương, ngoài mức hỗ trợ đóng từ ngân sách Trung ương (30%).
Đối với những xã ra khỏi vùng đặc biệt khó theo Quyết định số 861/QĐ-TTg BHXH huyện đã phối hợp với UBND các xã, các nhà trường để tuyên truyền về quyền lợi khi tham gia BHYT.
“Việc tuyên truyền, vận động học sinh tham gia BHYT không chỉ là trách nhiệm của cơ quan BHXH mà còn là trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhất là sự quan tâm đồng hành giữa gia đình và nhà trường”, đại diện Bảo hiểm xã hội tỉnh Thanh Hóa nhấn mạnh.
Theo BHXH tỉnh Thanh Hóa, một số địa phương bị ảnh hưởng như huyện Như Thanh có 7 xã ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn dẫn đến chỉ còn 3.910 học sinh/7.915 học sinh tham gia BHYT tại trường, đạt 79,56%; Bá Thước có 15 xã thì 9.011 học sinh/13.389 học sinh tham gia BHYT, đạt 74,02%; Lang Chánh có 7 xã với 3.896 học sinh/5.860 học sinh tham gia BHYT, đạt 66,5%....