Bảo hiểm y tế dành cho thân nhân của lao động Việt Nam đang làm việc ở Nhật Bản
Trong bối cảnh dân số lao động tiếp tục giảm ở các nước phát triển và cạnh tranh toàn cầu để có được nguồn nhân lực ngày càng gay gắt, tỉnh Yamanashi của Nhật Bản đã công bố chương trình bảo hiểm thân nhân đầu tiên dành cho lao động Việt Nam đang làm việc tại tỉnh này.
Đây là biện pháp mới nhất của tỉnh Yamanashi trong nỗ lực trở thành điểm đến hấp dẫn hơn để thu hút nguồn nhân lực nước ngoài, trong đó đáng chú ý là lao động Việt Nam.
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, ngày 12/6, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Phạm Quang Hiệu và Thống đốc tỉnh Yamanashi, ông Nagasaki Kotaro, đã đồng chủ trì cuộc họp báo chung tại Đại sứ quán Việt Nam giới thiệu chương trình bảo hiểm đặc biệt này. Tham dự cuộc họp báo có đại diện của nhiều cơ quan truyền thông hàng đầu Nhật Bản như Mainichi, Kyodo, cùng với đại diện nhiều doanh nghiệp Việt Nam, Nhật Bản.
Phát biểu khai mạc, Thống đốc Nagasaki Kotaro nhận định Nhật Bản đang đối măt với vấn đề dân số lão hóa, thiếu hụt nguồn lực lao động ngày một nghiêm trọng. Theo Thống đốc, tỉnh Yamanashi đang tiến hành đồng thời nhiều biện pháp nhằm đối phó với tình trạng trên nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với khó khăn về nhân lực. Thống đốc Kotaro thừa nhận trong bối cảnh đó, đối với Nhật Bản nói chung và tỉnh Yamanashi nói riêng, người lao động nước ngoài đóng một vai trò quan trọng không thể thiếu.
Thống đốc Kotaro bày tỏ mong muốn Nhật Bản nói chung và Yamanashi nói riêng sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn của lao động nước ngoài, với mục tiêu đảm bảo nguồn nhân lực cho địa phương. Vì vậy, tỉnh đang nỗ lực tạo môi trường thuận lợi để lao động nước ngoài yên tâm làm việc và sinh sống tại Yamanashi.
Đại sứ Phạm Quang Hiệu bày tỏ cảm ơn tỉnh Yamanashi và Thống đốc Nagasaki Kotaro đã ban hành một chế độ bảo hiểm rất nhân văn và nhiều ý nghĩa đối với người lao động Việt Nam. Đại sứ cho rằng Yamanashi là tỉnh đi đầu trong việc ban hành chính sách, chế độ nhằm thu hút và giữ chân lao động Việt Nam.
Đại sứ bày tỏ tin tưởng chương trình bảo hiểm này được triển khai rộng rãi và lâu dài sẽ giúp người lao động Việt Nam yên tâm làm việc tại tỉnh Yamanashi cũng như thu hút thêm nhiều lao động từ Việt Nam và từ các địa phương khác của Nhật Bản đến tỉnh sinh sống, làm việc. Theo đó, số lượng người lao động Việt Nam tại tỉnh Yamanashi sẽ ngày càng tăng trong thời gian tới và trở thành lực lượng lao động nòng cốt của tỉnh. Đại sứ cho rằng với sự quan tâm của tỉnh và doanh nghiệp tiếp nhận, lao động Việt Nam sẽ không ngừng học hỏi, chăm chỉ làm việc, góp phần vào sự phát triển của doanh nghiệp tiếp nhận, góp phần vào sự phát triển của tỉnh Yamanashi.
Đại sứ mong muốn tỉnh Yamanashi và các doanh nghiệp tiếp nhận của tỉnh sẽ có thêm các chính sách và chế độ phúc lợi tốt để người Việt Nam nói chung, lao động Việt Nam nói riêng yên tâm sinh sống, làm việc tại tỉnh. Đại sứ khẳng định những chính sách, chế độ đó sẽ góp phần nâng cao sức hút của tỉnh Yamanashi đối với lao động Việt Nam, nhiều lao động Việt Nam sẽ lựa chọn đến tỉnh Yamanashi làm việc.
Theo thông báo của tỉnh Yamanashi, với quan điểm trước tiên cần làm giảm mối lo của lao động nước ngoài về thân nhân đang ở trong nước, trong đó mối lo lớn nhất là vấn đề sức khỏe của người thân, tỉnh Yamanashi hợp tác với Công ty bảo hiểm Tokio Marine Việt Nam xây dựng chế độ bảo hiểm y tế cho thân nhân đang ở trong nước của người lao động.
Chương trình bảo hiểm tai nạn y tế này được áp dụng tại tất cả các bệnh viện ở Việt Nam, quy định thân nhân đang sinh sống tại Việt Nam bị thương hoặc bị bệnh, sau khi thanh toán chi phí y tế tại bất cứ bệnh viện nào ở Việt Nam, nếu nộp đơn yêu cầu bồi thường với công ty bảo hiểm Tokio Marine Insurance thì sẽ được nhận tiền bảo hiểm từ công ty này với mức chi trả lên tới 90% chi phí y tế đã thanh toán tại bệnh viện.
Đối tượng tham gia là công dân Việt Nam đang làm việc tại các công ty/tổ chức thuộc “Mạng lưới thúc đẩy cải thiện môi trường làm việc cho người nước ngoài tại Yamanashi”.
Tỉnh đặt ra hai yêu cầu để người lao động Việt Nam tham gia. Yêu cầu đầu tiên là công ty hoặc tổ chức mà người lao động Việt Nam đang làm việc là thành viên của “Mạng lưới thúc đẩy cải thiện môi trường làm việc cho người nước ngoài tại Yamanashi”. Yêu cầu thứ hai là công ty hoặc tổ chức nơi lao động Việt Nam đang làm việc phải trợ cấp tối thiểu 3/4 số tiền phí bảo hiểm. Để hỗ trợ các công ty, tỉnh đã thiết lập hệ thống trợ cấp, theo đó sẽ hỗ trợ tối đa 50% mức tiền mà các công ty/tổ chức hỗ trợ phí bảo hiểm cho lao động Việt Nam. Hệ thống bảo hiểm sẽ tiếp nhận đơn đăng ký bắt đầu từ tháng 1/7 và thời hạn hỗ trợ sẽ kéo dài đến ngày 31/8/2024.
Trả lời câu hỏi của phóng viên TTXVN, bà Yukiko Irikura, Phó phòng Bình đẳng giới và Khuyến khích hoạt động của người nước ngoài thuộc chính quyền tỉnh Yamanashi, cho biết sau khi trừ đi khoản tiền được công ty/tổ chức hỗ trợ, mức phí bảo hiểm mà một lao động Việt Nam đóng cho hợp đồng bảo hiểm một năm ước tính sẽ vào khoảng 26.000 yên (khoảng 4.200.000 vnd/năm).
Đề cập lý do tỉnh Yamanashi chọn người lao động Việt Nam là nhóm lao động nước ngoài đầu tiên được tham gia chương trình bảo hiểm này, đại diện tỉnh Yamanashi cho biết lao động Việt Nam là lực lượng lao động nước ngoài đông nhất tại tỉnh Yamanashi với 3.019 người, chiếm 26,9%, lực lượng lao động nước ngoài tại tỉnh. Bên cạnh đó, một lý do nữa là quan hệ hữu nghị sâu sắc giữa Việt Nam với Nhật Bản cũng như giữa tỉnh Yamanashi với các địa phương Việt Nam như tỉnh Quảng Bình, Yên Bái…
Về đối tượng được tham gia chương trình bảo hiểm, bà Yukiko Irikura lưu ý chương trình bảo hiểm chỉ dành cho các công ty/tổ chức là thành viên “Mạng lưới thúc đẩy cải thiện môi trường làm việc cho người nước ngoài tại Yamanashi”, được thành lập với mục tiêu tạo ra một môi trường làm việc thân thiện với người nước ngoài. Với mong muốn mở rộng mạng lưới này, tỉnh hoan nghênh các doanh nghiệp/tổ chức có sử dụng lao động nước ngoài, đặc biệt là lao động Việt Nam, tham gia để nhận được sự hỗ trợ của tỉnh khi người lao động Việt Nam có nguyện vọng tham gia chương trình bảo hiểm mới. Đại diện chính quyền tỉnh Yamanashi cho rằng càng nhiều công ty/tổ chức tham gia mạng lưới này sẽ tạo ra một môi trường làm việc thoải mái hơn cho người lao động nước ngoài trên toàn tỉnh.
Theo số liệu chính thức, tính đến cuối tháng 10 năm ngoái, số lượng doanh nghiệp của Yamanashi có sử dụng lao động người nước ngoài lên tới 1.900 cơ sở, tăng gấp đôi so với 10 năm trước.
Số liệu chính thức của tỉnh Yamanashi cho thấy hiện tại có hơn 20.000 người nước ngoài sinh sống và làm việc trong tỉnh, chiếm 2% dân số tại địa phương. Với dự đoán số lượng người nước ngoài đến làm việc tại tỉnh tăng trong tương lai, Yamanashi ngày càng đặt kỳ vọng cao vào triển vọng lao động nước ngoài sẽ đóng vai trò quan trọng trong ngành công nghiệp và cộng đồng địa phương.
Trả lời câu hỏi của phóng viên TTXVN về tác động của chương trình bảo hiểm mới của tỉnh Yamanashi đối với việc đưa lao động Việt Nam sang Nhật Bản, Đại sứ Phạm Quang Hiệu cho rằng không chỉ tỉnh Yamanashi mà nhiều địa phương và doanh nghiệp khác của Nhật Bản đang thiếu hụt nhân lực và có nhu cầu tiếp nhận lao động Việt Nam. Đại sứ hy vọng trong thời gian tới, sẽ có thêm nhiều địa phương và doanh nghiệp tiếp nhận Nhật Bản ban hành chính sách chế độ nhằm thu hút và giữ chân lao động Việt Nam. Đại sứ tin rằng những chính sách, chế độ của các địa phương và doanh nghiệp sẽ góp phần làm tăng trở lại sức hút đối với lao động Việt Nam, tăng số lượng lao động Việt Nam làm việc tại Nhật Bản.
Trả lời phỏng vấn của TTXVN, Thống đốc tỉnh Yamanashi đánh giá người Việt Nam rất tích cực tham gia những hoạt động giao lưu với người địa phương nên có thể nói với tỉnh Yamanashi, người Việt Nam cũng giống như những người bạn thân thiết.
Thống đốc Kotaro bày tỏ hy vọng một khi đến sinh sống và làm việc tại tỉnh Yamanashi, lao động Việt Nam sẽ không cần phải băn khoăn, lo lắng về vấn đề sức khỏe của người thân trong gia đình mình vì đã có chế độ bảo hiểm y tế dành cho thân nhân. Thống đốc Kotaro nhấn mạnh: “Các bạn có thể an cư, lạc nghiệp tại Yamanashi là mong muốn lớn nhất của tỉnh chúng tôi”.