Bảo hiểm y tế, điểm tựa tin cậy của người mắc bệnh hiểm nghèo

Không may mắc bệnh hiểm nghèo, nhiều người dân tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) luôn ghi nhận, bày tỏ sự tri ân đối với chính sách an sinh xã hội mang ý nghĩa nhân văn của Đảng, Nhà nước khi đã hỗ trợ chi trả số tiền viện phí lớn để chữa bệnh, giảm gánh nặng kinh tế. Những câu chuyện 'người thật, việc thật' về việc được chi trả số tiền từ hàng trăm triệu đến gần cả tỉ đồng khi điều trị bệnh nhờ tham gia BHYT mà chúng tôi gặp chính là minh chứng rõ nét khẳng định ý nghĩa nhân văn và tính chia sẻ cộng đồng sâu sắc của chính sách BHYT.

 Tham gia BHYT để được nhà nước hỗ trợ chi trả chi phí khám chữa bệnh. Ảnh: BB

Tham gia BHYT để được nhà nước hỗ trợ chi trả chi phí khám chữa bệnh. Ảnh: BB

Đến nay đã gần 5 tháng kể từ ngày ra viện, anh Thiều Quang Sơn, ở thôn Lạc Sơn, xã Gio Sơn, huyện Gio Linh vẫn chưa hết bất an khi nhớ lại những ngày nằm viện vì bị nhiễm trùng máu. Anh kể, anh nhập viện vào khoảng tháng 10/2019 với những biểu hiện nhịp tim đập nhanh, khó thở, tiêu chảy, buồn nôn… Anh được chẩn đoán là bị nhiễm trùng máu nặng và được chuyển vào Bệnh viện Trung ương Huế điều trị. Gần một tháng chữa trị ở bệnh viện, đến khi làm thủ tục thanh toán, vợ chồng anh thót tim vì số tiền viện phí gần 500 triệu đồng. “Thật may mắn cho gia đình tôi, cho bản thân tôi vì có tham gia BHYT nên được nhà nước chi trả đến 80% tiền viện phí, tương đương gần 310 triệu đồng, gia đình chỉ phải nộp hơn 170 triệu đồng. Nếu không có chính sách BHYT chắc vợ tôi chỉ có cách đi cầm sổ đỏ vay tiền ngân hàng mới cứu được chồng. Khi chẳng may mắc bệnh, nhất là bệnh hiểm nghèo mới càng thấy việc tham gia BHYT giá trị và ý nghĩa như thế nào đối với những người dân không có điều kiện về kinh tế”, anh Sơn chia sẻ.

Anh Sơn cũng cho biết thêm, anh tham gia BHYT từ năm 2005, đến nay gia đình anh có 8 người đều có thẻ BHYT. Qua trận ốm “thập tử nhất sinh”, anh Sơn càng ý thức được việc tham gia BHYT là rất cần thiết để được đỡ đần gánh nặng bệnh tật, đồng thời cũng là một cách chia sẻ khó khăn giữa người giàu và người nghèo, người khỏe và người bệnh, người trong độ tuổi lao động với trẻ em, người già... nhằm bảo đảm an sinh xã hội.

Hành trình theo con chữa bệnh của chị Phan Thị Hiền, ở Thôn 9, xã Triệu Vân, huyện Triệu Phong là một chặng đường gian nan. Con trai chị là cháu Đặng Bảo Huy, (17 tháng tuổi) hiện vẫn đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Cháu Huy mắc căn bệnh úng não thủy bẩm sinh, được 10 tháng tuổi, cháu nhập viện mổ lần 1 vào tháng 9/2019, được quỹ BHYT thanh toán chi phí phẫu thuật hơn ba trăm triệu đồng. Chị Hiền cho biết, sau khi mổ, tình trạng của cháu có cải thiện nhưng không đáng kể, hiện hai mẹ con chị phải thuê nhà trọ ở Thành phố Hồ Chí Minh, mỗi tuần chị phải đưa con vào viện một lần để tiếp tục điều trị. “Nếu không có chi phí BHYT do nhà nước chi trả, không biết mẹ con tôi có cầm cự nổi với viện phí hay không, bây giờ “còn nước thì còn tát”, gia đình cố gắng hết sức có thể để lo cho sức khỏe của cháu”, chị Hiền cho biết.

Khi chúng tôi muốn tìm hiểu về những trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo được chi trả số tiền viện phí lớn, cơ quan BHXH tỉnh đã cung cấp danh sách với hơn 10 trường hợp tham gia BHYT vừa được quỹ BHYT thanh toán chi phí khám chữa bệnh (KCB) với số tiền thấp nhất gần ba trăm triệu đồng, cao nhất hơn cả tỉ đồng cho một đợt điều trị, hầu hết là mắc bệnh hiểm nghèo. Như chị Đoàn Thị Bích Ngọc, ở thị trấn Hồ Xá, Vĩnh Linh được chi trả chi phí chữa bệnh hơn 1,1 tỉ đồng, anh Đoàn Văn Hiển ở xã Vĩnh Long, Vĩnh Linh được chi trả chi phí chữa bệnh hơn 960 triệu đồng…Chỉ với 10 trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo trong năm 2019, quỹ BHYT đã chi trả hơn 5 tỉ đồng chi phí KCB, góp phần giảm gánh nặng viện phí cho người dân khi không may lâm bệnh nặng.

Người có thẻ BHYT khi đi KCB được quỹ BHYT chi trả toàn bộ hoặc một phần tiền KCB (tỉ lệ chi trả phụ thuộc vào việc chữa bệnh đúng tuyến hay trái tuyến); được cán bộ có chuyên môn y tế KCB; được chuyển đến bệnh viện tuyến trên khi bệnh nặng. Các dịch vụ và chi phí y tế được quỹ BHYT chi trả gồm có khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng, khám thai định kỳ, sinh con, thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế, dịch vụ kỹ thuật y tế trong danh mục của Bộ Y tế.

Trường hợp người có thẻ đang điều trị tại cơ sở KCB nhưng thẻ BHYT hết hạn thì quỹ BHYT thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi quyền lợi và mức hưởng theo chế độ quy định cho đến khi ra viện hoặc hết đợt điều trị ngoại trú. Theo Thông tư 39/2018/TT-BYT do Bộ Y tế ban hành, người tham gia BHYT từ 5 năm liên tục trở lên, nếu KCB đúng tuyến và số tiền đồng chi trả trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở thì người bệnh tập hợp chứng từ đồng chi trả gửi cơ quan BHXH để được cấp giấy miễn đồng chi trả cho những lần sau trong năm.

Số liệu của BHXH tỉnh cho thấy, đến hết tháng 2/2020, toàn tỉnh có 593.139 tham gia BHYT, tăng 1.449 người so với cùng kỳ năm 2019, đạt tỉ lệ bao phủ BHYT 93,8% dân số.

Để thực hiện lộ trình BHYT toàn dân, đảm bảo an sinh xã hội, thời gian qua, cơ quan BHXH tỉnh đã phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tham gia BHYT để người dân hiểu được lợi ích cũng như quyền lợi được hưởng khi tham gia BHYT. Đặc biệt, tại các buổi tuyên truyền, cơ quan BHXH đã dẫn chứng cụ thể các trường hợp bị bệnh nặng phải điều trị dài ngày tại các bệnh viện đã được quỹ BHYT chi trả chi phí lớn để mọi người dân hiểu rõ lợi ích thiết thực từ chính sách BHYT, từ đó tự giác đăng ký tham gia để được chăm sóc và bảo vệ sức khỏe.

Bảo Bình

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=147117