Nhà giàn DK1 khẳng định tầm vóc, giữ vững chủ quyền thềm lục địa phía Nam
Sự ra đời, xây dựng và phát triển Cụm 'Dịch vụ-kinh tế khoa học-kỹ thuật' (nhà giàn DK1) trên vùng biển và thềm lục địa phía Nam là chủ trương đúng đắn, sáng suốt, đồng thời cũng thể hiện quyết tâm cao của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương-Bộ Quốc phòng trong nhiệm vụ phát triển kinh tế gắn với bảo vệ chủ quyền vùng biển, thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.
35 năm qua, CBCS nhà giàn đã bám trụ nơi đầu sóng ngọn gió với vô vàn khó khăn,thách thức, bảo vệ những cột mốc chủ quyền để những nhà giàn DK1 khẳng định vai trò, sứ mệnh của mình. Phóng viên VOV phỏng vấn Trung tướng Nguyễn Ngọc Tương, Nguyên PCU Học viện Quốc phòng, Bộ quốc phòng.
PV: Xin Trung tướng cho biết tầm nhìn chiến lược của Bộ Quốc phòng, Quân ủy Trung ương khi xây dựng hệ thống nhà giàn DK 1 trên thềm lục địa phía Nam?
Trung tướng Nguyễn Ngọc Tương: Như chúng ta đều biết, cuối những năm 80, đầu những năm 90 của thế kỷ 20 thì tình hình trên vùng biển Đông diễn biến hết sức phức tạp mà đỉnh điểm là sự kiện Gạc Ma vào tháng 3/1988 và sau sự kiện đó thì cùng với chủ trương xây dựng, củng cố hệ thống phòng thủ trên các đảo của quần đảo Trường Sa, nhất là trên các đảo đá thì Đảng và Nhà nước ta cũng như Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng có chủ trương là vừa tăng cường lực lượng tuần tra để giữ vững chủ quyền thềm lục địa phía Nam (DK1) nhưng đồng thời phải đẩy mạnh khảo sát, nghiên cứu rồi tiến hành xây dựng các nhà giàn trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.
Tháng 7/1989, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nay là Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị về xây dựng cụm Dịch vụ -Kinh tế- khoa học kỹ thuật tại khu vực các bãi đá ngầm trên thềm lục địa phía Nam thuộc sự quản lý hành chính của đặc khu Vũng Tàu, Côn Đảo nay thuộc tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu.
Đã 35 năm trôi qua kể từ khi có các nhà giàn đầu tiên và tôi nhớ là trong năm 1989 chúng ta đã có ba nhà giàn ra đời trong năm 1989 và cho đến nay, chúng ta đã có hệ thống nhà giàn trên vùng biển, thềm lục địa của Tổ quốc và việc thành lập DK1 và chủ trương xây dựng cái hệ thống nhà sàn trên thềm lục địa của Tổ quốc, thể hiện tầm nhìn chiến lược, là một chủ trương đúng đắn, sáng suốt của Đảng, Nhà nước ta, nhưng đồng thời đó là sự chỉ đạo kiên quyết, kịp thời của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, trực tiếp là Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân thì chúng ta thấy là việc xây dựng cụm Dịch vụ,kinh tế, khoa học, kỹ thuật với hệ thống các nhà giản là để khẳng định quyền chủ quyền bất khả xâm phạm của Nhà nước ta đối với thềm lục địa rộng lớn, phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982.
Thứ hai là sự ra đời của hệ thống nhà giàn DK1 thì đã góp phần nâng cao khả năng quản lý, bảo vệ vùng biển, thềm lục địa rộng lớn và góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.
Thứ ba, các trạm DK1 thực sự là chỗ dựa tin cậy cho ngư dân vươn khơi bám biển, phục vụ cho nhiệm vụ nghiên cứu biển và có DK1 thì chúng ta thực sự có môi trường hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế biển.
PV: Thưa Trung tướng, tại sao nhà giàn được đánh giá là công trình phi thường chưa từng có tiền lệ trên thế giới ?
Trung tướng Nguyễn Ngọc Tương: Nhà giàn DK1 như mọi người nói đó là một cái công trình phi thường và chưa có tiền lệ. Chúng ta thấy là để có được nhà giàn DK1, nhất là các cái nhà giàn thế hệ thứ nhất và thứ hai phải nói đó là một điều phi thường. Nó phi thường ở chỗ. Thứ nhất là những năm đầu của công cuộc đổi mới thì đất nước chúng ta còn rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, việc khảo sát, thiết kế, thi công một chiếc nhà giàn lại rất tốn kém đòi hỏi phải có một quyết tâm lớn từ lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy cho đến việc thi công lắp đặt. Thứ hai nữa là ngày đó thì trình độ khoa học kỹ thuật, công nghệ của chúng ta còn hạn chế để xây dựng được một nhà giàn ở mực nước sâu khoảng trên dưới 20 mét với nền san hô phức tạp, các lực lượng, phương tiện của chúng ta còn thô sơ và hạn chế. Thêm vào đó, chúng ta thi công trong điều kiện thời tiết khá khắc nghiệt. Ví dụ như: sóng to, gió lớn, dòng chảy mạnh và liên tục dài ngày. Có thể nói đó là điều mà từ trước đến nay chưa có tiền lệ và chưa có thực tiễn kinh nghiệm đối với các lực lượng của chúng ta. Thứ ba nữa là sau sự kiện Gạc Ma năm 1988, nước ngoài thường xuyên huy động lực lượng lớn cái tàu thăm dò, khảo sát, tàu giả dạng, thậm chí cả tàu chiến đấu hoạt động trên thềm lục địa của chúng ta. Chúng ta phải vừa huy động một lực lượng lớn phương tiện, tàu thuyền để trực bảo vệ cái thềm lục địa DK1. Đồng thời, phải huy động cái lực lượng lớn lực lượng, phương tiện để hỗ trợ việc đóng nhà giàn trên thềm lục địa của chúng ta. Thứ tư là đóng song nhà giàn rồi thì chúng ta duy trì sự hoạt động của các nhà giàn trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt cũng là một điều phi thường. Chúng ta thấy là đã có những nhà giàn bị đổ, bị nghiêng, đã có những hy sinh, mất mát, đau thương. Nhưng trên tất cả nhà giàn DK1 vẫn vững vàng, thực sự là điểm tựa tiền tiêu của Tổ quốc. Tất cả những điều đó tôi gọi đó là điều phi thường của DK1.
PV: 35 năm đã trôi qua, những nhà giàn DK1 đã phát huy được vai trò của mình như thế nào?
Trung tướng Nguyễn Ngọc Tương: Chúng ta còn nhớ Chỉ thị 160/CT ngày 5/7/1989 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã nêu rõ phải xây dựng một số nhà nổi (gọi tắt là DK1) để bước đầu hình thành Cụm Kinh tế - kỹ thuật, khoa học dịch vụ thuộc quản lý hành chính của đặc khu Vũng Tàu, Côn Đảo. Ví dụ như là đặt đèn biển, Đài khí tượng thủy văm lắp đèn biển… Thực tế 35 năm qua chúng ta đã làm được hơn thế. Ví dụ như lực lượng trên các nhà giàn đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, nâng cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, quan sát phát triển hàng trăm ngàn mục tiêu hoạt động trong khu vực kịp thời báo cáo, đồng thời phối hợp với các lực lượng xử lý hiệu quả các tình huống xảy ra trong khu vực biển được phân công, tạo ra môi trường hòa bình, ổn định để phục vụ sự nghiệp lao động, sản xuất và xây dựng kinh tế biển. Mỗi nhà giàn DK1 thực sự là điểm tựa vững chắc cho bà con ngư dân vươn khơi bám biển bằng những việc làm thiết thực, như cung cấp thông tin về tình hình thời tiết, khí tượng thủy văn, cung cấp thông tin về ngư trường, những lúc ngư dân gặp nạn kịp thời thông báo, cứu hộ, cung cấp lương thực, thực phẩm… Khu vực DK1 đã và đang trở thành ngư trường truyền thống, nơi mà gửi gắm niềm tin của bà con ngư dân của chúng ta.
Các cán bộ, chiến sĩ trên các nhà giàn DK1đã và đang kế thừa, phát huy truyền thống bộ đội Cụ Hồ, người chiến sĩ Hải quân trong thời kỳ mới. Họ đồng thời cũng tạo ra những giá trị tốt đẹp, đặc trưng, biểu hiện của chủ nghĩa anh hùng cách mạng cao đẹp trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Đó cũng chính là sứ mệnh cao cả, tầm vóc to lớn trong hoạt động của DK1 trong suốt 35 năm qua.
PV: Thưa Trung tướng, có thể thấy rằng để nhà giàn khẳng định tầm vóc, sứ mệnh, phát huy vai trò của mình, đã có bao nhiêu thế hệ cán bộ, chiến sĩ Hải quân thay nhau ra canh giữ chủ quyền và phải trải qua rất nhiều khó khăn, thử thách nơi đầu sóng ngọn gió. Vậy theo Trung tướng, điều gì giúp cán bộ, chiến sĩ nhà giàn bám trụ suốt nhiều năm qua để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ?
Trung tướng Nguyễn Ngọc Tương: Nơi đầu sóng ngọn gió với vô vàn khó khăn, thách thức như vậy, nhưng theo tôi có mấy điều mà trong suốt cuộc đời quân ngũ tôi đã suy nghĩ và trăn trở.
Trước hết nó bắt nguồn từ lòng yêu nước, yêu biển, yêu con tàu, yêu đảo, nhà nhà giàn của bộ đội Hải quân. Hơn ai hết, những người lính hải quân cảm nhận rất rõ biển đảo là một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc và bảo vệ biển đảo chính là trách nhiệm, là nhiệm vụ thiêng liêng, cao cả của mỗi cán bộ, chiến sĩ trong Quân chủng, trong đó có cán bộ, chiến sĩ nhà giàn.
Thứ hai, mỗi một cán bộ, chiến sĩ nhà giàn DK, 1 là người hiểu rõ nhiệm vụ được giao, đồng thời luôn vững niềm tin về sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Và vì thế, cho dù phải chịu nhiều khó khăn, gian khổ và cho dù phải chịu hy sinh, họ vẫn luôn gắn bó với nhà giàn. Và thực tế, 35 năm qua, dù tình hình có lúc căng thẳng dù thời tiết có lúc khắc nghiệt, có nhà giàn bị đổ, có cán bộ, chiến sĩ hy sinh nhưng không đánh đổ được tinh thần, ý chí quyết tâm của bộ đội nhà giàn của chúng ta.
Thứ ba, tôi muốn đề cập đến đó là bộ đội nhà giàn DK1 của chúng ta ngày nay huấn luyện sẵn sàng chiến đấu và thực hiện nhiệm vụ, phối hợp hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng, tạo ra thế trận liên hoàn vững chắc trên biển,thềm lục địa.
Bộ đội nhà nhà giàn ngày ngày càng nhận được sự quan tâm nhiều hơn của đất liền, trong đó có phong trào cả nước hướng về biển đảo thân yêu.