Bảo hiểm y tế: Sự sẻ chia nhân văn lúc người dân ốm đau, tai nạn
Hơn 30 năm qua, chính sách Bảo hiểm y tế (BHYT) đã và đang khẳng định giá trị cốt lõi là chia sẻ gánh nặng tài chính cho những người không may lâm cảnh ốm đau, tai nạn. Quỹ BHYT đang chi cho chăm sóc sức khỏe nhân dân hơn trăm nghìn tỷ đồng mỗi năm, với nhiều trường hợp được chi trả hàng tỷ đồng tiền chữa trị bệnh tật. Những kết quả đó đã chứng minh rõ sự sẻ chia nhân văn mà chính sách BHYT mang lại.
Đồng hành vượt bệnh tật
Trong danh sách bệnh nhân được quỹ BHYT chi trả chi phí điều trị cao của năm 2022 và 9 tháng năm 2023, có 5 trường hợp được quỹ thanh toán số tiền hơn 3,5 tỷ đồng/người. Trường hợp được quỹ BHYT thanh toán chi phí điều trị cao nhất lên tới 4,7 tỷ đồng, là một bệnh nhi sinh năm 2018 ở Vĩnh Phúc (bị rối loạn do chuyển hóa Carbohydrat). Các trường hợp còn lại cũng được quỹ BHYT thanh toán từ 3,5 tới gần 4 tỷ đồng tiền trị bệnh. Với chi phí trị bệnh như trên, ngày với một gia đình khá giả, cũng khó lòng có thể tự trang trải để chữa trị “níu kéo sự sống” trong thời gian dài, nếu không có quỹ BHYT “gánh đỡ”.
“Ai cũng thế, chỉ muốn cho đi, chứ không muốn nhận lại. Nhưng cuộc sống luôn đùa với số phận mỗi con người”, đó là trải lòng của người nhà bệnh nhi ở huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) khi nói về con số 4,7 tỷ đồng được quỹ BHYT chi trả. Gia cảnh khó khăn, khó lòng để gia đình có thể trự trang trải chi phí điều trị căn bệnh rối loạn do chuyển hóa Carbohydrat của em, nếu không có tấm thẻ BHYT thanh toán hầu hết chi phí điều trị của em thời gian qua.
Hầu hết trường hợp chạy chữa bệnh được BHYT thanh toán “tiền tỷ” đều có hoàn cảnh rất khó khăn, đa số họ mắc bệnh có yếu tố di truyền, phải điều trị dài ngày bằng các thuốc và dịch vụ kỹ thuật đắt đỏ.
Thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, từ năm 2022 đến 6 tháng đầu năm 2023, cả nước có 94 người bệnh được quỹ BHYT chi trả chi phí khám chữa bệnh BHYT trên 1 tỷ đồng. Trực tiếp chứng kiến những người bệnh, những gia đình người bệnh trên mới thấy giá trị của tấm thẻ BHYT mang lại cho người bệnh và gia đình họ.
Nhận thức về BHYT thay đổi
Những chia sẻ, những con số về những bệnh nhân “tiền tỷ” chỉ là một “lát cắt” trong thực hiện chính sách BHYT tại Việt Nam. Suốt hơn 30 năm qua, chính sách này đã và đang lan tỏa theo cách thiết thực nhất. Tính chung từ năm 2003 đến hết tháng 9/2023, cả nước có khoảng 2,45 tỷ lượt người khám chữa bệnh BHYT.
Chỉ tính năm 2022, cả nước có trên 151,38 triệu lượt khám chữa bệnh BHYT (tăng trên 30 triệu lượt so với năm 2021), với chi quỹ BHYT lên tới 106.732 tỷ đồng (tăng gần 20.000 tỷ đồng so với năm trước đó).
Trong 9 tháng năm 2023, đã có hơn 127 triệu lượt khám chữa bệnh BHYT (tăng gần 20% so với cùng kỳ năm trước), tương ứng số chi quỹ BHYT khoảng 90.000 tỷ đồng (tăng hơn 13.652 tỷ đồng, tương ứng tăng gần 16% so với cùng kỳ năm trước).
Từ năm 1992 - năm đầu tiên triển khai chính sách BHYT đến nay, tỷ lệ bao phủ BHYT của Việt Nam đã đạt trên 93% dân số với hơn 93 triệu người tham gia. Thành quả này thể hiện nỗ lực rất lớn của những thế hệ cán bộ BHYT đầu tiên và toàn ngành BHXH Việt Nam hiện nay, với hành trình nhiều gian lao, vất vả. Quan trọng hơn, là trên 93% dân số Việt Nam đang được quỹ BHYT đồng hành, sẵn sàng chi trả chi phí từ chăm sóc sức khỏe ban đầu, tới tiền điều trị mỗi khi mắc bệnh, hay khi gặp tai nạn phải nhập viện chạy chữa.
Mục tiêu 7% còn lại
Phải làm sao để bao phủ BHYT đến 7% dân số còn lại là việc không dễ dàng với ngành BHXH Việt Nam. Bên cạnh đó, còn là áp lực cân đối, bảo toàn quỹ BHYT hằng năm, hài hòa giữa quyền lợi khám chữa bệnh của người dân và nguồn lực của các cơ sở y tế... Đây là những vấn đề đã và đang đặt ra cho việc xây dựng và thực thi chính sách BHYT.
Ngành BHXH Việt Nam một mặt tiếp tục tuyên truyền để lan tỏa, nâng cao tỷ lệ bao phủ BHYT đến toàn dân theo đúng nghĩa; mặt khác tiếp tục triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả giám định, bảo đảm quyền lợi BHYT của người tham gia cũng như tăng cường kiểm soát chi phí và ngăn ngừa các hành vi trục lợi BHYT. Trong năm 2022, ngành BHXH Việt Nam đã nỗ lực tuyên truyền, vận động để tăng bù lại số 4,9 triệu người không còn thuộc diện ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng BHYT.
Cùng với đó, ngành BHXH Việt Nam cũng nỗ lực, liên tục đổi mới, hiện đại hóa công tác giám định BHYT. Với việc liên thông tới khoảng 13.000 cơ sở y tế trên cả nước, Hệ thống thông tin giám định BHYT đã và đang phát huy hiệu quả trong thực hiện các dịch vụ công liên thông, tạo thuận lợi cho người dân như cấp giấy khám sức khỏe lái xe, giấy chứng sinh, giấy chứng tử…
Phần mềm giám định BHYT cũng được điều chỉnh, bổ sung các chức năng (hiện có 230 chức năng với hơn 300 quy tắc giám định), với sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo trong kiểm tra, giám định hồ sơ đề nghị thanh toán BHYT.
Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác BHXH, BHYT đã nhấn mạnh “thực hiện tốt các chế độ, chính sách BHXH, BHYT là trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, tổ chức xã hội, DN và của mỗi người dân”. Do đó, hơn bao giờ hết, toàn hệ thống chính trị - xã hội phải quyết liệt vào cuộc thực hiện thành công chính sách này, để BHYT “luôn bao bọc, đồng hành cùng người bệnh”.