Bảo hộ chỉ dẫn địa lý 'Gia Lai' cho sản phẩm cà phê

Khi nhắc đến cà phê Tây Nguyên, Gia Lai là một địa danh nổi tiếng với hương vị cà phê sục sôi, đầy chất lửa. Với chất lượng cà phê nổi bật, gần đây, tỉnh Gia vừa nhận được bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm này.

Cà phê là cây trồng chủ lực của tỉnh Gia Lai. (Ảnh: Đức Thụy, Báo Gia Lai)

Cà phê là cây trồng chủ lực của tỉnh Gia Lai. (Ảnh: Đức Thụy, Báo Gia Lai)

Thơm ngon nổi tiếng

Từ những năm cuối thập niên 70, đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, cà phê Robusta (cà phê vối) đã bén rễ trên đất Gia Lai. Mặc dù được trồng sau cà phê Arabica (cà phê chè), Liberica (cà phê mít) nhưng do thích hợp với thổ nhưỡng, khí hậu cao nguyên Gia Lai, cà phê Robusta nhanh chóng tăng về quy mô diện tích, cho năng suất vượt trội, đứng nhất nhì ở khu vực Tây Nguyên.

Trong ngành rang xay, chế biến cà phê, nếu như các chủng cà phê thuộc dòng Arabica như Catimor, Typica, Bourbon, Catuai có hương vị thơm ngon, sang trọng thì Robusta lại vượt trội về hàm lượng cafein-có công dụng kích thích sự hưng phấn của thần kinh.

Trả lời Báo Gia Lai, ông Thái Vĩnh Thanh - chủ thương hiệu Cà phê 24, cho biết: “Là mặt hàng nông sản thế mạnh, tuy nhiên, giá trị của cà phê Robusta Gia Lai ngay trên sân nhà dường như ít người quan tâm biết tới. Chỉ những ai trong ngành rang xay, hoặc khách thực sự đam mê tìm hiểu mới biết’’.

Theo ông Thanh, Robusta được nhiều vùng trồng như Đak Lak, Đak Nông, Lâm Đồng, nhưng tại Gia Lai thì hàm lượng cafein là cao nhất. Ở Gia Lai, bắt đầu từ hướng Ia Grai trở lên thì cà phê có hương vị nhạt hơn; hướng Ia Sao, Ia Tiêm, thị trấn Chư Sê chạy vào đất đỏ, đất thịt nhiều thì cà phê có lượng cafein rất cao, đậm đà hơn hẳn.

Cà phê ngon sẽ phụ thuộc vào vùng trồng. Khi thưởng thức mỗi loại cà phê ở từng nơi riêng biệt, những vị khách sành cà phê có thể dễ dàng nhận ra do hương vị, nồng độ cafein khác nhau. Robusta Gia Lai có mùi vị đậm hơn, nếu trái thu hái chín đều nhau thì khi thành phẩm cho ra màu sắc đẹp như sô-cô-la.

Sản phẩm cà phê Gia Lai tương đối đa dạng, bao gồm cà phê nhân và các dạng sản phẩm chế biến như cà phê hạt rang và cà phê bột.

Cà phê nhân Gia Lai có hạt đồng đều, mùi thơm thoảng nhẹ, lưu hương lâu (giống mùi đậu phộng tươi), vị ngậy, hơi béo, không đắng, ngọt có hậu. Cà phê hạt rang Gia Lai có màu nâu tươi bóng ướt, mùi thơm lừng, lan tỏa mạnh, lưu hương lâu.

Cà phê bột Gia Lai có trạng thái bột mịn, tơi xốp, màu nâu đỏ, màu nước chiết nâu cánh gián đậm, mùi thơm lừng lan tỏa mạnh, lưu hương lâu, vị đắng đậm đà, hơi chát, hậu vị ngọt lâu nơi cổ họng.

Điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp

Khu vực địa lý có các điều kiện tự nhiên độc đáo chính là yếu tố tạo nên chất lượng đặc biệt của sản phẩm cà phê Gia Lai.

Đầu tiên, vùng cà phê Gia Lai có độ dày tầng đất lớn hơn 70 cm, đóng vai trò quan trọng trong việc chống xói mòn, rửa trôi các chất dinh dưỡng trong đất. Đây là điều kiện tốt để cà phê phát triển bộ rễ, làm nhiệm vụ hút nước và dinh dưỡng trong đất để nuôi cây, tạo ra hạt cà phê nhân có trạng thái hạt đồng đều, không khuyết tật.

Khu vực địa lý có điều kiện khí hậu lý tưởng cho cây cà phê phát triển với chế độ nhiệt ổn định. Không có tháng nào trong năm có nhiệt độ trung bình lớn hơn 26oC và nhỏ hơn 20oC, không có gió mùa đông Bắc, không có hiện tượng sương muối xảy ra, thuận lợi cho cây cà phê sinh trưởng ra hoa kết trái.

Từ tháng 4 đến tháng 9, khi cà phê Gia Lai bước vào giai đoạn hình thành quả và tích lũy chất, biên độ nhiệt đặc trưng chính là yếu tố quyết định đến mùi thơm lừng lan tỏa mạnh, lưu hương lâu và vị đắng đậm đà đặc trưng, hơi chát, hậu vị ngọt lâu nơi cổ họng của cà phê Gia Lai.

Giống cà phê được sử dụng tại khu vực địa lý là giống Robusta. Ngoài các đặc thù về điều kiện tự nhiên thì các đặc trưng về phương thức canh tác, sơ chế, chế biến, bảo quản của người dân bản địa tại khu vực địa lý cũng là yếu tố quyết định đến chất lượng của cà phê Gia Lai.

Cà phê Gia Lai được bón phân phân chuồng ủ hoai mục, dùng nguyên liệu cỏ khô, thân cây đậu đỗ… để tủ gốc cho cây. Hằng năm, người nông dân tiến hành gom các tàn dư thực vật như cành nhỏ, lá và vỏ quả cà phê trong lô, sau đó chôn vùi xuống gốc cây để cải thiện tính chất đất cung cấp đủ dinh dưỡng cho cà phê sinh trưởng trong các thời kỳ ra hoa, đậu quả, vào chín.

Để có được hạt cà phê chắc mẩy, đồng đều với độ ẩm đạt tiêu chuẩn, các khu vực canh tác tiến hành thu hoạch vào mùa khô, độ ẩm không khí thấp (từ tháng 10 và chậm nhất là giữa tháng 12 dương lịch).

Quả cà phê có kích thước đồng đều và độ chín do được người nông dân thu hoạch bằng tay thành 3 đợt (Đợt 1, hái bói đầu vụ; Đợt 2, hái chính vụ; Đợt 3, hái những quả chín còn lại). Người nông dân không thu hái quả xanh non, không tuốt cả cành và không làm gẫy cành.

Người nông dân ngừng thu hoạch cà phê trước và sau khi nở hoa 3 - 5 ngày. Sau khi thu hoạch, quả cà phê được sơ chế ngay trong vòng 24 giờ, tiến hành phơi nguyên quả cà phê khoảng 12 đến 15 ngày nắng đều. Khi phơi, người dân sẽ đảo hạt cà phê 4 lần/ngày. Khi hạt cứng thì cho vào bao để nghỉ 2-3 tháng.

Được cấp bằng chứng nhận chỉ dẫn địa lý là một trong những động lực lớn để Gia Lai xây dựng và phát triển hơn nữa thương hiệu cà phê Gia Lai, từ dó nâng tầm giá trị sản phẩm trong nội địa và trên thế giới trong thời gian tới.

Hương Giang

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/bao-ho-chi-dan-dia-ly-gia-lai-cho-san-pham-ca-phe-1669441269761.htm