Bảo hộ công dân trong bối cảnh đại dịch Covid-19

Những năm qua, người Việt Nam ra nước ngoài không ngừng gia tăng về số lượng và đa dạng về thành phần đã đặt ra những vấn đề khó khăn, thách thức cho công tác bảo hộ công dân.

Công dân Việt Nam tại Anh được hỗ trợ về nước. Ảnh BỘ NGOẠI GIAO

Công dân Việt Nam tại Anh được hỗ trợ về nước. Ảnh BỘ NGOẠI GIAO

Những năm qua, người Việt Nam ra nước ngoài không ngừng gia tăng về số lượng và đa dạng về thành phần đã đặt ra những vấn đề khó khăn, thách thức cho công tác bảo hộ công dân.

Theo thống kê của Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao), số công dân được bảo hộ tăng dần qua từng năm: năm 2017 có 8.024 người; năm 2018 có hơn 10 nghìn người; năm 2019 có 13.643 công dân và năm 2020 là 21.384 công dân. Số lượng cuộc gọi của công dân Việt Nam cần tư vấn về các vấn đề liên quan bảo hộ công dân ở nước ngoài thông qua tổng đài điện thoại về bảo hộ công dân đã tăng gấp 10 lần so với lúc bắt đầu hoạt động năm 2016.

Số lượng công dân được bảo hộ tăng đi kèm tính chất các vụ việc ngày càng phức tạp và nghiêm trọng. Nhiều vụ việc chưa từng có tiền lệ như: Tàu biển của Việt Nam bị cướp biển tiến công và thuyền viên bị giữ làm con tin; việc bảo hộ công dân Ðoàn Thị Hương bị bắt và xét xử tại Ma-lai-xi-a; đoàn du khách Việt Nam thăm Ai Cập bị đánh bom; vụ việc 39 người chết trên một xe tải tại đông bắc Luân Ðôn (Anh)...

Ðặc biệt, năm 2020, khi đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu, yêu cầu về công tác bảo hộ công dân đã được nâng lên một mức cao mới khi chúng ta triển khai giúp đỡ hàng nghìn công dân Việt Nam ở nước ngoài ổn định cuộc sống, bảo hộ tính mạng, tài sản và các quyền, lợi ích chính đáng của công dân. Những chuyến bay đưa công dân Việt Nam có hoàn cảnh khó khăn, nhu cầu cấp thiết về nước đã mang nặng nghĩa đồng bào giữa lúc Covid-19 hoành hành khắp nơi trên thế giới, đã thật sự làm lay động hàng triệu con tim. Mặc dù ngân sách hạn hẹp, khó khăn thách thức còn nhiều, nhưng Việt Nam là một trong số ít quốc gia tổ chức các chuyến bay đưa công dân bị mắc kẹt về nước một cách bài bản, chuyên nghiệp, an toàn và bảo đảm công tác phòng, chống dịch hiệu quả.

Với tinh thần như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nói: "không để ai bị bỏ lại phía sau", các cơ quan chức năng Việt Nam, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã và đang phối hợp chặt chẽ các hãng hàng không trong nước và nước ngoài để tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước một cách an toàn, phù hợp năng lực cách ly trong nước. Kết quả trong năm 2020, Bộ Ngoại giao đã phối hợp các bộ: Y tế, Quốc phòng, Công an, Giao thông vận tải và các địa phương liên quan triển khai hơn 300 chuyến bay, đưa gần 85 nghìn công dân từ 59 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới trở về nước an toàn.

Công tác bảo hộ công dân trong bối cảnh khủng hoảng dịch bệnh, có thể nói là chưa từng có trong lịch sử, đã diễn ra thường xuyên, liên tục, không hạn chế về mặt thời gian, không gian, trong khi nguồn lực trong nước còn hạn chế, các yêu cầu về phòng, chống dịch đòi hỏi phải hết sức tỉ mỉ, chặt chẽ, an toàn. Trong bối cảnh đó, dưới sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Ðảng, Nhà nước và Chính phủ, cùng nỗ lực vượt bậc, sự phối hợp chặt chẽ của Bộ Ngoại giao với các bộ, ngành liên quan đã góp phần bảo đảm, nâng cao hiệu quả bảo hộ công dân ở nước ngoài, được dư luận trong nước và nước ngoài đánh giá cao.

Những chuyến bay đưa công dân về nước, có sự đóng góp thầm lặng nhưng rất quan trọng của các cán bộ ngoại giao làm công tác bảo hộ công dân ở trong nước và nước ngoài. Ðã có những thời điểm, tất cả các đơn vị liên quan của Bộ Ngoại giao nói riêng và của Chính phủ nói chung đều được đặt ở chế độ "trực chiến," các ban, ngành liên quan luôn có cán bộ túc trực gần như 24/24 giờ, ban ngày theo dõi thông tin trong nước và nước ngoài, tham gia Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 ở các cấp, đến đêm kết nối, trao đổi với các Cơ quan đại diện Việt Nam ở các châu lục để nắm tình hình, các chính sách của địa bàn sở tại, cập nhật số lượng công dân Việt Nam ở nước ngoài cần trợ giúp, bị mắc kẹt ở các sân bay.

Khi dịch bệnh hoành hành, khó khăn, thách thức từ nhiều phía, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nói riêng và Bộ Ngoại giao nói chung, dưới sự chỉ đạo của Ðảng và Chính phủ, luôn cố gắng hết mình để đứng vững và trở thành điểm tựa cho đồng bào xa xứ. Công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài đã và đang củng cố niềm tin của những người con xa xứ vào các chính sách của Ðảng và Nhà nước; giúp bà con kiều bào thêm "ấm lòng", thêm yêu mến và hướng về quê hương đất nước. Trong thời gian tới, công tác đưa công dân bị "kẹt" ở nước ngoài sẽ tiếp tục được tăng cường, cố gắng đáp ứng tối đa nguyện vọng về nước chính đáng của công dân, trên cơ sở phù hợp tình hình diễn biến dịch bệnh trong nước và nước ngoài cũng như bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh và năng lực cách ly tại các địa phương của Việt Nam.

Bên cạnh đó, đối với các công dân và cộng đồng kiều bào Việt Nam còn đang sinh sống, học tập và làm việc ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thường xuyên trao đổi, thúc đẩy, hợp tác chặt chẽ với phía nước ngoài, các cơ quan chức năng sở tại nhằm bảo đảm điều kiện sinh hoạt, chăm sóc y tế, học tập, làm việc… tốt nhất cho công dân. Cụ thể, đề nghị phía nước ngoài tiếp tục gia hạn lưu trú đối với các trường hợp công dân hết hạn lưu trú, sớm bố trí lại việc làm cho người lao động mất việc, từng bước duy trì bình thường trở lại việc học tập cho các học sinh, sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam ở nước ngoài và tiến hành các biện pháp bảo hộ tốt nhất đối với công dân ta một cách kịp thời, hiệu quả.

Triển khai hiệu quả công tác bảo hộ công dân trong năm qua cũng là góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương của Ðảng và Nhà nước về giúp đỡ, hỗ trợ công dân Việt Nam ở nước ngoài; bảo hộ tính mạng, tài sản và các quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của công dân.

Tô Anh Dũng

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/chinhtri/bao-ho-cong-dan-trong-boi-canh-dai-dich-covid-19-635025/