Bảo hộ thương hiệu nông sản, cách nào?
Dễ nhận thấy, từ khi giành giải 'Gạo ngon nhất thế giới' tại cuộc thi World's Best Rice năm 2019, gạo ST25 được rất nhiều người tiêu dùng tìm mua thưởng thức. Cũng chính vì vậy mà nhan nhản nhãn mác gạo ST25 giả, nhái được bày bán trên thị trường. Có thời điểm gạo ST25 đã cạn nguồn cung, nhưng trên thị trường vẫn bán loại gạo này.
Chính “cha đẻ” của ST25 - ông Hồ Quang Cua cũng lo ngại: “Chúng tôi mới nhận được phản ánh của người tiêu dùng về tình trạng xuất hiện ngày càng nhiều cơ sở, cá nhân đăng bán gạo ST25 trên mạng xã hội. Điều này làm khách hàng hoang mang không biết đâu mới là gạo ST25 chuẩn”.
Sự việc trên không chỉ khiến dư luận đặt câu hỏi về việc xâm phạm quyền lợi của tác giả, đơn vị chủ sở hữu hay vấn đề bảo hộ thương hiệu còn mờ nhạt, mà còn khiến cho người tiêu dùng bị thiệt thòi khi rất dễ mua phải gạo ST25 giả.
Xây dựng được thương hiệu đã khó, giữ được thương hiệu lại cũng vô cùng khó khăn hơn. “Khi nói sở hữu trí tuệ trong nông nghiệp, bản thân người làm ra giống lúa mới như tôi, khi làm ra giống lúa mới, được nông dân dùng là hết sức vui mừng, mặc dù là không được trả tiền. Nếu mình bán giống cũng không bán được, vì chỉ cần có người ăn cắp một nắm, thì chỉ cần sau một mùa thì giống cũng đã được nhân ra. Vì vậy, khi nói đến sở hữu trí tuệ trong nông nghiệp thì bàn đến hoàn cảnh của người nông dân, coi luật lệ mình như thế nào, làm sao giữ được sở hữu trí tuệ giống của Việt Nam. Chỉ có cách là sản xuất theo chuỗi giá trị, trong đó gắn kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nông dân. Muốn làm được như vậy thì Nhà nước phải thể hiện vai trò cầm trịch”, GS Võ Tòng Xuân chia sẻ.
Ở góc nhìn khác, nhìn nhận về kết quả xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt thời gian qua, nhất là với những mặt hàng nông sản xuất khẩu tỷ USD, chủ lực của Việt Nam, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy nhận định: Dù xuất khẩu nông sản Việt Nam xếp thứ 2 khu vực ASEAN và thứ 15 thế giới nhưng đến 80% nông sản XK chưa có thương hiệu. Điều này cho thấy việc xây dựng thương hiệu nông sản mới dừng lại ở cấp độ hướng tới, có ý tưởng, còn hành động và tốc độ có thể ví vẫn như “chiếc xe cút kít đi quanh đường làng”.
Trên thực tế, 10 mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực, lọt “top” tỷ USD như gỗ, cao su, hạt tiêu, hạt điều…, đến nay chưa sản phẩm nào có thương hiệu. Cà phê Việt nổi tiếng trên thế giới về mặt sản xuất từ lâu nhưng các nhà xuất khẩu chỉ bán hạt cho nhà rang xay để họ chế biến. Sản phẩm bán ra không mang thương hiệu Việt.
Nhiều người cho rằng, đến nay, xây dựng thương hiệu nông sản vẫn nặng về tư duy có gì bán nấy, chưa quyết liệt trong hành động kể cả trong xây dựng thương hiệu cấp quốc gia, tập thể hay doanh nghiệp.
Cũng có ý kiến cho rằng, với vị thế một quốc gia nông nghiệp, Việt Nam thực sự cần có sự đầu tư nghiêm túc, phải hình thành một chiến lược mang tầm quốc gia cho việc xây dựng thương hiệu nông sản. Thậm chí, bản thân các doanh nghiệp cũng phải xây dựng thương hiệu của mình ở cấp quốc gia.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/bao-ho-thuong-hieu-nong-san-cach-nao-550548.html